Bé trai 3 tuổi tử vong do hóc kẹo dẻo: Loại kẹo hình con mắt
Nhai viên kẹo dẻo có hình con mắt, bé trai 3 tuổi ở Huế có biểu hiện tím tái, gọi không tỉnh, khi đưa tới trạm y tế đã tử vong do ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
- Bé trai 7 tuổi tử vong do hóc đầu nắp bút
- Bé trai 22 tháng tuổi thủng ruột, sốc nhiễm khuẩn do mắc hạt táo đỏ

Sở Y tế TP. Huế ngày 5/4 cho biết ca tử vong ngoại viện do bị hóc kẹo dẻo là bé trai N.T.T.D. (SN 2022, ngụ xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, TP. Huế).
Vào lúc 7h10 ngày 4/4, người nhà đưa trẻ vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc – cơ sở Chân Mây trong tình trạng hôn mê, lay gọi không đáp ứng. Nhân viên y tế xác định đồng tử giãn, không thở lồng ngực, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) là 0%, không có nhịp tim, huyết áp không đo được…
Người nhà cho hay, sau khi nhai viên kẹo dẻo có hình con mắt, cháu có biểu hiện tím tái, gọi không tỉnh nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ lấy dị vật, hồi sức tích cực hơn 1h đồng hồ nhưng không thành. Các bác sĩ đã giải thích tình hình cho gia đình, cho hay cháu bé đã tử vong ngoại viện do ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn do dị vật đường thở.
Theo tin từ báo Huế Ngày Nay, mẹ cháu bé T.D. qua đời từ khi cháu được 8 tháng tuổi, bố đi làm ăn xa nên gửi bé cho ông bà ngoại chăm sóc.
Theo thông tin giới thiệu sản phẩm của U..mart, kẹo dẻo hình con mắt có kích thước khá to, bên ngoài là lớp kẹo, kết cấu dai, bên trong chứa sốt trái cây. Loại kẹo này cấm dùng đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Với trẻ trên 5 tuổi, người lớn cần cắt nhỏ kẹo trước khi cho trẻ ăn.
Làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, ho có hiệu quả, không ảnh hưởng đến các chức năng sống: Hãy khuyến khích trẻ ho, tiếp tục theo dõi, đánh giá và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu. Nếu trẻ tím tái, không khóc hoặc khóc yếu, ho không hiệu quả, nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu như sau: Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, dọc theo cánh tay một bên, bàn tay đỡ vùng ngực xương hàm dưới của trẻ. Dùng gót bàn tay còn lại vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai theo hướng xuống dưới và ra phía trước. Nếu vẫn chưa bật được dị vật ra tiến hành lật ngửa trẻ vẫn để dọc cánh tay, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái (tần suất 1 lần/giây) Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở. Đối với trẻ lớn, ngoài sử dụng biện pháp vỗ lưng ấn ngực có thể sử dụng nghiệm pháp Heimlich với trẻ ở tư thế đứng hoặc ngồi: Người cấp cứu đứng sau nạn nhân (do trẻ thấp hơn người lớn nên người cấp cứu có thể nhấc trẻ lên hoặc quỳ phía sau trẻ), nắm tay thành nắm đấm, đặt gót bàn tay trên bụng trẻ ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi xương ức (cách hai ngón tay tính trên rốn). Tay thứ 2 mở rộng, đặt trên tay thứ nhất. Dùng hai tay ấn mạnh lên bụng, ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 – 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc, la được. Nếu trẻ không tỉnh, ngửa đầu, nâng cằm, thổi ngạt 2 lần, hồi sức tim phổi: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực 30 nhịp: Để trẻ nằm ngửa trên nền cứng, quỳ xuống phía bên trẻ. Đặt tay vuông góc với lồng ngực, trẻ dưới 12 tháng có thể dùng 2 ngón tay, trẻ nhỏ dùng 1 bàn tay còn trẻ lớn/ người lớn có thể dùng 2 tay. Vị trí ép tim: ½ dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 – 1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 – 120 lần/phút Tiếp theo thổi ngạt 2 lần Tiếp tục chu kỳ 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt cho đến khi trẻ tỉnh hoặc có nhân viên y tế đến. Lưu ý: Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật, không gây nôn hoặc cho ăn uống Nếu trẻ vẫn tỉnh, ho có hiệu quả cần động viên trẻ ho. Ho tự nhiên có hiệu quả hơn bất kì biện pháp can thiệp vật lí nào khác. Các biện pháp vật lí (vỗ lưng, ấn ngực, Heimlich) chỉ được thực hiện khi trẻ không ho được, ho không hiệu quả và khó thở tăng dần. |
Từ khóa Huế cứu trẻ bị hóc hóc dị vật kẹo dẻo
