Bổ sung 4 loại vitamin tốt nhất cho sức khỏe não và trí nhớ
- Minh Minh
- •
Bổ sung vitamin có thể giúp bạn cải thiện chức năng nhận thức và trí nhớ. Tuy nhiên, bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe tốt trong thời gian dài.
Các vấn đề liên quan đến trí nhớ phổ biến hơn bạn nghĩ. Ở người trưởng thành trên 45 tuổi, cứ 9 người lại có 1 người mắc phải một số dạng rối loạn hoặc mất trí nhớ. Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy 21% người lớn trên 50 tuổi dùng ít nhất một chất bổ sung để hỗ trợ cho não, đặc biệt là khả năng tăng cường trí nhớ. Suy giảm trí nhớ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, tệ hơn nữa, bạn có thể mắc bệnh Alzheimer.
Nếu bạn đang cần cải thiện trí nhớ ngay hôm nay thì dưới đây là 4 loại chất bổ sung có thể giúp ích cho bạn.
1. Vitamin B12
Tiến sĩ Ayesha Sherzai, nhà thần kinh học tại Đại học Loma Linda, cho biết vitamin B rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ vì chúng giúp tạo ra các chất hóa học thần kinh cho phép các tế bào não giao tiếp với nhau. Đặc biệt, vitamin B12 rất quan trọng đối với trí nhớ của chúng ta. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể khiến bạn bị lú lẫn hoặc trí nhớ kém, thậm chí mất trí nhớ trong những trường hợp nghiêm trọng.
Một nghiên cứu năm 2020 trên những bệnh nhân bị thiếu hụt vitamin B12 và suy giảm nhận thức cho thấy: Sau khi được bổ sung vitamin B12 thì 84% người tham gia đã cải thiện được các triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ. Tuy nhiên, tiến sĩ Sherzai cũng nói thêm rằng nếu bạn không bị thiếu vitamin B12 thì việc bổ sung vitamin B sẽ không tạo ra sự khác biệt nào trong việc cải thiện trí nhớ của bạn.
2. Vitamin D
Tiến sĩ Sherzai cho biết vitamin D là một tiền chất của hormone, nghĩa là nó là thành phần quan trọng giúp tạo ra hormone, mà hormone thì lại chịu trách nhiệm cho việc giao tiếp giữa các tế bào não. Do đó, không bổ sung đủ vitamin D có thể khiến bạn bị tăng nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ. Ngoài ra, những người bị bệnh đa xơ cứng (MS) và bị suy giảm nhận thức cũng nên bổ sung vitamin D để cải thiện sức khỏe. Theo một nghiên cứu, những người mắc chứng MS (vốn cơ thể đã thiếu vitamin D) có trí nhớ được cải thiện đáng kể sau 3 tháng bổ sung vitamin D.
3. Vitamin E
Theo thời gian, tổn thương gốc tự do có thể ảnh hưởng đến não của bạn, dẫn đến suy giảm nhận thức. Tiến sĩ David A. Merrill, bác sĩ tâm thần và giám đốc Trung tâm Sức khỏe não Thái Bình Dương của Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John’s, cho biết tiêu thụ các chất chống oxy hóa như vitamin E có thể giúp chúng ta chống lại một số tác hại của các gốc tự do.
Vitamin E có thể giúp ngăn ngừa bệnh liên quan đến nhận thức (ví dụ như Alzheimers). Hãy cùng xem xét các nghiên cứu sau:
– Một đánh giá cho thấy lượng vitamin E cao trong máu có liên quan đến hiệu suất nhận thức cao hơn. Vitamin E có thể đóng một vai trò nhất định trong việc trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức liên quan đến lão hóa nói chung và bệnh Alzheimer.
– Một nghiên cứu trên những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer (mức độ nhẹ đến trung bình) cho thấy so với nhóm đối chứng thì những người dùng 2.000 IU vitamin E mỗi ngày trong vòng 2 năm nhận được kết quả bệnh tiến triển chậm hơn 19%.
Tiến sĩ Merrill lưu ý rằng không phải tất cả các nghiên cứu về vitamin E đều cho kết quả tích cực, vì thế các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn mức độ hiệu quả của vitamin E đối với sức khỏe não bộ.
4. Axit béo Omega-3
Tiến sĩ Merrill cho biết các axit béo Omega-3, đặc biệt là EPA (axit eicosapentaenoic) và DHA (axit docosahexaenoic) đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Sự thiếu hụt EPA và DHA có liên quan đến rối loạn thoái hóa thần kinh. EPA và DHA có thể chống lại chứng viêm trong não. Chúng cũng có khả năng củng cố các kết nối giữa các tế bào não để tạo ra các chất hóa học thần kinh.
Theo nghiên cứu, việc bổ sung Omega-3, đặc biệt là khi bổ sung cùng lúc với axit alpha lipoic (ALA) trong 12 tháng, có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, một đánh giá cho thấy rằng việc bổ sung Omega-3 chỉ có lợi khi người bệnh đang ở giai đoạn đầu của chứng suy giảm nhận thức. Nó có thể mang lại lợi ích như một phương pháp điều trị tiềm năng nhưng không thể coi là một biện pháp phòng ngừa.
Tiến sĩ Merrill lưu ý rằng các chất bổ sung (thực phẩm chức năng) có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe nhưng chúng ta không nên coi chúng là thuốc chữa bệnh hay phương pháp điều trị hiệu quả tuyệt đối. Không những thế, có nhiều loại thực phẩm chức năng bán trên thị trường còn chưa nhận được sự phê duyệt của FDA.
Thay vì chỉ dựa vào các loại vitamin, bạn nên cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa suy giảm nhận thức bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh. Tiến sĩ Merrill gợi ý bạn hãy thực hiện theo lối sống NEURO:
Nutrition – Dinh dưỡng
Exercise – Tập thể dục
Unwind – Thư giãn (quản lý căng thẳng)
Restorative sleep – Giấc ngủ phục hồi
Optimize – Tối ưu hóa (tối ưu hóa hoạt động nhận thức và duy trì hoạt động tinh thần)
Cuối cùng, nếu bạn muốn uống vitamin hoặc chất bổ sung để cải thiện chức năng nhận thức thì hãy thảo luận trước với bác sĩ để xây dựng một lộ trình hiệu quả và đảm bảo cơ thể không bị dị ứng với các thành phần chống chỉ định.
Từ khóa bệnh Alzheimer bổ sung vitamin trí não khả năng nhận thức khả năng ghi nhớ vitamin tốt cho trí nhớ