Phòng giám sát tiêu thụ ma túy – Drug Consumption Rooms (DCR) là các cơ sở y tế chuyên nghiệp, nơi ma túy bất hợp pháp có thể được sử dụng dưới sự giám sát của các nhân viên đã được đào tạo.

DCR hướng đến việc thu hút những người sử dụng ma túy có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là dùng đường phố hoặc trong các điều kiện nguy hiểm và mất vệ sinh. DCR có thể giám sát những “con nghiện” để họ có thể tiêu thụ thuốc trong điều kiện an toàn hơn nhằm mục đích:

  • Giảm nguy cơ cấp tính của bệnh lây truyền qua tiêm chích không hợp vệ sinh.
  • Đào tạo “khách hàng” biết sử dụng thuốc an toàn hơn.
  • Ngăn ngừa tử vong do quá liều ma tuý.
  • Kết nối người nghiện thuốc có nguy cơ cao với các chương trình điều trị nghiện, các cơ sở cai nghiện ma túy, các dịch vụ sức khỏe và xã hội khác.
Đây là một cơ sở DCR ở Vancouver, Insite. (Supervisedinjection.vch.ca)
Đây là một cơ sở DCR ở Vancouver, Insite. (Supervisedinjection.vch.ca)

Phòng giám sát tiêu thụ ma túy đã hoạt động tại châu Âu hơn ba thập kỷ qua

Xét về lịch sử phát triển của DCR, phòng giám sát tiêu thụ ma túy đầu tiên được mở tại Berne, Thụy Sĩ vào tháng Sáu năm 1986. Các cơ sở chuyên sâu hơn về loại hình này đã được thành lập trong những năm tiếp theo tại Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, Luxembourg, Đan Mạch và Hy Lạp.

>> ‘Tem giấy’ – loại ma tuý học đường mới nổi gây nhiều hoang mang

Tính tới tháng 6 năm 2015, số cơ sở DCR được thành lập tại Châu Âu đã tăng đáng kể:

  • 31 tại 25 thành phố ở Hà Lan;
  • 24 tại 15 thành phố ở Đức;
  • 12 trong hai thành phố ở Tây Ban Nha;
  • 1 ở Na Uy; 1 tại Luxembourg;
  • 5 tại ba thành phố ở Đan Mạch;
  • 12 trong tám thành phố ở Thụy Sĩ.

Bên ngoài Châu Âu còn có hai cơ sở tại Sydney, Úc và là một trung tâm tại Vancouver, Canada.

Phòng tiêu thụ ma túy ở Bern, Thụy Sĩ (ảnh: Alamy)
Phòng tiêu thụ ma túy ở Bern, Thụy Sĩ (ảnh: Alamy)

Phòng DCR đầu tiên ở Paris vừa được thành lập, nhưng vẫn còn tranh cãi

Theo số liệu của Bộ Y tế Pháp từ năm 2011, hơn 10% số người nghiện ma túy ở Pháp có HIV/AIDS và hơn 40% bị nhiễm viêm gan C. Kim tiêm bẩn và quan hệ tình dục là 2 con đường chính để lan truyền các loại virus này.

Vì thế, các nhà lãnh đạo của Pháp mong muốn có thể đưa người nghiện – thường là người nghèo, điều kiện sống kém và mắc bệnh – liên lạc với nhân viên y tế và nhân viên xã hội. Đây là một trong những lý luận chính để thành lập DCR vào ngày 11/10/2016, dự kiến sẽ có khoảng 200 người đến mỗi ngày.

>> Phát hiện hàng trăm kilogram ma túy trong nhà máy Coca-Cola ở Pháp

Ngoài ra, tiêu thụ các loại thuốc thay thế trong một môi trường sạch sẽ cũng làm giảm nguy cơ từ các loại thuốc bị ô nhiễm trên “thị trường đen”.

Người sử dụng sẽ trao đổi thuốc như heroin và crack cho thuốc thay thế, cùng với bộ dụng cụ tiêm vô trùng. Những người nghiện sẽ phải đăng ký, nhưng không bắt buộc phải cung cấp tên thật, và sẽ không bị cảnh sát truy bắt trong khi đi đến đó.

Cơ sở này có hàng chục phòng nhỏ nhằm tạo sự riêng tư cho người nghiện khi họ tiêm. DCR ở Pháp được điều hành bởi Gaia – một hiệp hội giúp cai nghiện, và các chi phí hoạt động hàng năm ước tính khoảng 1,3 triệu USD.

Các nhà phê bình vẫn lo ngại việc này có thể thúc đẩy việc lạm dụng ma túy tại Paris. 

Ở Đức hay Thụy Sĩ, một số phòng DCR đã bị đóng cửa do số người nghiện giảm đi và ít “khách hàng” ghé thăm các cơ sở này. Bồ Đào Nha cũng thông báo giảm được số người nghiện thông qua chương trình hỗ trợ này.

Viên Minh tổng hợp