Có thể làm giảm tình trạng của vết bỏng nhẹ trong miệng bằng một số đồ uống và thuốc không kê đơn. Tránh thực phẩm có tính axit hoặc cay có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm.

an pizza
(Ảnh minh họa: Anna Shvets)

Lớp da bên ngoài không phải là vùng duy nhất trên cơ thể có thể bị bỏng. Cắn một miếng pizza nóng có thể làm bỏng vòm miệng cứng, còn được gọi là vòm miệng, một ngụm cà phê nóng hoặc một miếng thức ăn mới nướng trong lò cũng có thể làm bỏng lưỡi.

Các mô trong miệng dễ bị bỏng hơn vì chúng rất nhạy cảm và mỏng manh. Để tận hưởng được cảm giác khi ăn uống thì làn da này cần phải mỏng. Đó cũng là nguyên nhân làm cho phần vòm miệng dễ bị ảnh hưởng.

Bỏng độ 1 (hoặc bỏng nhẹ) trên vòm miệng không cần phải chăm sóc y tế. Trên thực tế, việc điều trị hầu hết các vết bỏng miệng nhẹ rất đơn giản. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến có thể áp dụng ngay tại nhà:

Thức ăn và đồ uống

Nhấm nháp thứ gì đó mát hoặc đông lạnh, chẳng hạn như đá, có thể giúp giảm đau. Một số đồ uống, chẳng hạn như sữa, khi thấm vào bên trong miệng sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhõm mà nước không thể làm được.

phòng chống loãng xương
Uống sữa có thể mang lại cảm giác khá hơn cho người bị bỏng nhẹ vòm miệng. (Ảnh: Pixabay)

Thực phẩm giúp điều trị vết bỏng nhẹ bao gồm:

  • Kẹo cao su không đường
  • Thực phẩm mịn, nhiều kem như sữa chua, kem, kem sữa chua và pho mát
  • Thực phẩm lạnh hoặc đông lạnh như kem que, bánh pudding và sốt táo

Trong khi đang hồi phục, nên tránh những thực phẩm giòn, thực phẩm có cạnh hoặc đầu nhọn. Những thực phẩm này có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương của da. Tránh các thức ăn nóng hoặc cay. Chọn thực phẩm mềm, mát cho đến khi miệng vết bỏng lành lại.

Nước súc miệng

Những vết bỏng miệng nhẹ hiếm khi xảy ra nhiễm trùng. Tuy nhiên, súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm đau miệng và đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Chuẩn bị nước súc miệng bằng cách hòa 1/2 thìa cà phê muối trong 0,24 lít (8 ounce) nước ấm. Có thể súc miệng nhiều lần trong ngày.

Thuốc không kê đơn

Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giúp giảm đau và viêm.

Các loại thuốc thuốc không kê đơn này phổ biến bao gồm ibuprofen (Advil), acetaminophen (Tylenol) và benzocaine (Orajel). Nên tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì.

Nha đam

Nha đam có thể làm dịu vết bỏng trên da và cũng có thể dùng bằng đường uống. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh công dụng của nha đam trong điều trị bỏng miệng.

Nên dùng loại nước súc miệng có chứa chiết xuất nha đam, được bán trên mạng. Nha đam cũng có dạng gel và nước ép.

nha đam
(Ảnh: Nikolay Litov/ Shutterstock)

Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho việc bỏng vòm miệng nên làm gì, bạn cũng nên ngăn ngừa nguy cơ bỏng vòm miệng bằng cách kiểm tra nhiệt độ đồ ăn, thức uống trước khi dùng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn dùng đồ uống hoặc thực phẩm sau khi hâm nóng trong lò vi sóng vì những món này có thể không nóng đều.

Những điều cần tránh khi chữa bệnh

Viết bỏng trên miệng thường lành hoàn toàn trong khoảng 1 tuần. Để giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành, bạn có thể thử tránh:

  • Thực phẩm và đồ uống có tính axit như cà chua, nước cam và cà phê
  • Đồ ăn cay
  • Sản phẩm có bạc hà hoặc quế
  • Sản phẩm rượu và thuốc lá

Làm sao để biết vết bỏng ở miệng có nghiêm trọng không

Bỏng độ 1 gây tổn thương da ở mức tối thiểu và được gọi là “bỏng bề mặt” vì chỉ ảnh hưởng đến lớp da ngoài cùng. Dấu hiệu bỏng độ 1 bao gồm:

  • Đỏ
  • Sưng nhẹ
  • Đau
  • Da khô, tróc vảy khi vết bỏng lành

Những vết bỏng nặng hơn, chẳng hạn như bỏng độ 2 hoặc độ 3, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng của những vết bỏng này bao gồm:

  • Đau dữ dội
  • Phồng rộp
  • Sưng tấy
  • Đỏ

Ngoài các mụn nước, còn thấy các túi mủ trong khoang miệng nếu bị nhiễm trùng.

Nếu bị bỏng độ 3, sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh trong miệng và làm hỏng các cấu trúc khác. Các dây thần kinh bị ảnh hưởng có thể không thể truyền tín hiệu đau đến não. Những loại bỏng này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Hội chứng miệng bỏng rát

Bạn có thể cảm thấy nóng rát trong miệng mà không có nguyên nhân rõ ràng. Nếu cơn đau này kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tháng, có thể là bạn đã mắc hội chứng miệng bỏng rát (BMS).

Một số triệu chứng thường gặp của BMS bao gồm:

  • Đau rát hoặc bỏng rát trong miệng mà không rõ lý do
  • Tê miệng
  • Khô miệng
  • Có vị kim loại, vị đắng hoặc vị bất thường khác trong miệng
  • Đau hoặc tê ở lưỡi, môi hoặc nướu

BMS khiến bạn có cảm giác như bị bỏng hoặc bỏng các mô trong miệng nhưng không có bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào trên da. Triệu chứng có thể nhẹ hoặc đau, giống như bạn vừa cắn vào thứ gì đó cực kỳ nóng. Triệu chứng này có thể kéo dài nhiều ngày liên tục mà không dừng lại, hoặc có thể chỉ xuất hiện vài ngày hoặc vài tháng một lần.

Có 2 loại BMS: BMS nguyên phát không phải do một tình trạng bệnh lý khác gây ra và có thể do các đường dẫn thần kinh bị tổn thương, trong khi BMS thứ phát là do các tình trạng bệnh lý như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Vấn đề về tuyến giáp
  • Thiếu vitamin
  • Nhiễm trùng miệng
  • Điều trị ung thư
  • Trào ngược axit
  • Tổn thương

Nếu cảm thấy nóng rát trong miệng trong một thời gian dài, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra về BMS. Bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm khác nhau như xét nghiệm máu, sinh thiết mô, xét nghiệm nước bọt hoặc xét nghiệm dị ứng.

Phương pháp điều trị BMS phụ thuộc vào nguyên nhân và không có cách chữa trị đặc thù cho chứng bệnh này. Bác sĩ đề xuất một số phương pháp điều trị sau:

  • Lidocain hoặc các thuốc bôi khác
  • Clonazepam, thuốc chống co giật
  • Thuốc uống trị đau thần kinh
  • Liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) để làm dịu cơn đau

BMS ảnh hưởng đến tới 1/3 phụ nữ mãn kinh, phụ nữ cảm giác bỏng rát liên tục trên lưỡi, môi, hoặc toàn bộ miệng. Tình trạng này thường xuất hiện mà không có vấn đề sức khỏe răng miệng nào nhìn thấy được.

Bác sĩ thường chẩn đoán BMS sau khi loại trừ các tình trạng khác. Nghiên cứu đang tiến hành cho thấy thiếu hụt các vitamin quan trọng như vitamin B12, D, sắt và acid folic góp phần gây ra BMS.

Theo trang Hello Bác sĩ, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải hội chứng này, bao gồm :

  • Nữ giới, nhất là đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh
  • Trên 50 tuổi
  • Mới bị ốm dậy
  • Bị một số bệnh mạn tính như đau cơ xơ hóa, bệnh Parkinson, rối loạn tự miễn hoặc bệnh về hệ thần kinh
  • Có thực hiện các thủ thuật nha khoa trước đó
  • Gặp các chấn thương tâm lý trầm trọng, căng thẳng, lo âu, trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Trong một số trường hợp, vết bỏng ở miệng có thể trở nên đau đớn đến mức các biện pháp điều trị tại nhà không giúp ích được gì. Các triệu chứng thể hiện bị bỏng nặng gồm:

  • Vết loét hoặc mảng trắng xuất hiện trong miệng 
  • Bị sốt
  • Vết bỏng không lành nhanh chóng
  • Gặp khó khăn khi nuốt

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên điều trị y tế. Bỏng có thể được điều trị tại phòng cấp cứu hoặc đến khám tại phòng khám, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Khi nghi ngờ bị bệnh, nên gọi cho bác sĩ hoặc đến trung tâm chăm sóc khẩn cấp, mô tả các triệu chứng, phương pháp điều trị mà bạn đã thử và hiệu quả của các phương pháp này. Bạn và bác sĩ có thể quyết định được phương pháp điều trị tốt nhất.

Nếu bạn bị bỏng nặng, nên dùng thuốc kháng sinh để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn trong miệng. Một số loại kháng sinh phổ biến được sử dụng bao gồm penicillin, amoxicillin, oxacillin, cefazolin và ampicillin.

Nếu khoang miệng hoặc các cấu trúc xung quanh bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện ghép da hoặc các phẫu thuật khác để khôi phục chức năng cho khu vực đó.

Trị bỏng miệng ở trẻ em

Nếu con bạn bị bỏng cấp độ 1 ở miệng, nên xử lý vết bỏng như với người lớn. Bắt đầu bằng cách cho trẻ uống sữa hoặc các chất lỏng lạnh hoặc đông lạnh khác và cho trẻ dùng liều lượng thuốc thích hợp như ibuprofen và acetaminophen. Nên hạn chế dùng benzocaine vì loại thuốc này đã được chứng minh là gây ra các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Da có thể bong tróc trong vài ngày trước khi bắt đầu lành và có thể khiến con bạn đau đớn, khó chịu. Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày thì nên đưa con đến bác sĩ.

Nếu con bạn bị bỏng độ 2 hoặc độ 3 hoặc có mủ rỉ ra từ vết bỏng, nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay để điều trị và có đánh giá đầy đủ. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá xem có bị tổn thương dây thần kinh hoặc bất kỳ mô nào khác hay không.

Tóm lại

Hầu hết các vết bỏng miệng nhẹ có thể được điều trị tại nhà và khỏi sau vài ngày. Bạn có thể điều trị tại nhà bằng đồ uống lạnh và thuốc giảm đau OTC.

Bỏng miệng nghiêm trọng có thể cần điều trị lâu dài để bảo tồn mô da và giúp chữa lành các dây thần kinh bên trong miệng. Nếu bạn cho rằng bị bỏng nặng thì nên liên hệ với bác sĩ.

Khánh Ngọc (dịch và t/h), theo The Healthline và The Epoch Times