Cận thị: Nguyên nhân và các phương pháp hỗ trợ, phòng ngừa
- Ths.BS Đỗ Trường Giang
- •
Nhiều người thường đặt câu hỏi vì sao người cổ đại rất ít bị cận thị, liệu cận thị có liên quan đến lối sống hiện đại? Có loại thuốc nào chữa được cận thị hay không và hiện đang có những phương pháp nào để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển cận thị?

Cận thị là tật khúc xạ của mắt khiến các vật ở xa trở nên mờ, trong khi các vật gần lại rõ. Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của cận thị là có cha mẹ cũng mắc vấn đề này. Vì vậy, lâu nay cận thị được coi là một tình trạng chủ yếu do di truyền – cho đến gần đây.
Thực trạng cận thị tại Việt Nam
Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất tại Việt Nam, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh và thanh thiếu niên, với tỷ lệ gia tăng đáng báo động trong những năm gần đây.
Theo các số liệu thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ cận thị học đường tăng theo bậc học:
- Tiểu học: 21,6-27,1%
- Trung học cơ sở: 34,5-36,7%
- Trung học phổ thông: 41,9-43,8%.
Tại một số trường học nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh cận thị đạt tới 50%, và ở các trường đại học lớn hơn 70% sinh viên bị cận thị, trong đó nhiều trường hợp cận nặng
Trên thế giới, cận thị đang gia tăng nhanh chóng, với dự báo 50% dân số thế giới bị ảnh hưởng vào năm 2050, theo WHO.
Gánh nặng của cận thị lên đôi mắt trong tương lai
Nhiều người tin rằng chúng ta có thể sửa tật cận thị bằng đeo kính hoặc các biện pháp hỗ trợ khác, do vậy ít khi coi cận thị là một bệnh hay vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra cận thị có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị các bệnh mắt nghiêm trọng trong tương lai, cụ thể:
- Nguy cơ bị tăng nhãn áp cao gấp 4 lần với người bị cận nhẹ, gấp 14 lần với người cận nặng, so với người không cận thị.
- Nguy cơ bị bong võng mạc cao gấp 3 lần với người cận nhẹ, cao gấp 22 lần với người cận nặng.
Đặc biệt độ tuổi khởi phát cận thị càng nhỏ thì càng dễ bị cận nặng.
Các yếu tố nguy cơ gây cận thị
Nguyên nhân và cơ chế thực sự gây cận thị vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ của đại dịch cận thị ở trẻ em trong những năm gần đây.
Yếu tố di truyền: Con có bố hoặc mẹ bị cận thị thì nguy cơ bị cận thị cao hơn 7-8 lần bình thường.
Nhìn gần: Nhìn với khoảng cách dưới 30 cm và khoảng cách gần trong 30 phút trở lên làm tăng nguy cơ cận thị lên lần lượt 2,5 và 1,5 lần. Nhìn gần và nhìn liên tục trong thời gian dài đang diễn ra phổ biến ở trẻ em khi áp lực học ngày càng cao cùng với sự hấp dẫn của các thiết bị điện tử.
Giảm thời lượng hoạt động ngoài trời: Các nghiên cứu chỉ ra đây là yếu tố quan trọng bên cạnh việc nhìn gần, cũng là một điểm khác biệt lớn giữa trẻ em thời nay so với thời cổ đại.
Thời lượng nhìn màn hình điện tử: Sử dụng điện thoại, máy tính, xem tivi dễ khiến trẻ nhìn gần và nhìn trong thời gian dài, giảm hoạt động ngoài trời, do đó làm tăng nguy cơ cận thị.
Các phương pháp phòng ngừa cận thị
Các phương pháp phòng ngừa được xây dựng dựa trên nền tảng những yếu tố nguy cơ đã biết, có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ bị cận thị cũng như làm chậm tiến triển của bệnh.
Tăng thời lượng ngoài trời
Một nghiên cứu lớn về sức khỏe cộng đồng cho thấy rằng nếu trẻ em được cho ra ngoài trời chơi đầy đủ trong thời gian đi học, thì nguy cơ bị cận thị giảm đi 1/2, và nếu đã bị cận thì mức độ nặng lên cũng giảm khoảng 1/3. Đài Loan và Singapore khuyến khích học sinh dành 2 giờ ngoài trời mỗi ngày trong trường học, với hiệu quả đem lại khá tích cực.
Hạn chế nhìn gần và nghỉ ngơi
Giảm thời gian nhìn gần, như đọc sách hoặc dùng màn hình, bằng cách nghỉ ngơi thường xuyên (quy tắc 20-20-20: nghỉ 20 giây, nhìn xa 6 mét sau mỗi 20 phút). Ngoài ra cần duy trì khoảng cách mắt đến màn hình tới sách từ 30-60 cm.
Giới hạn thời gian nhìn gần, như đọc sách hoặc dùng màn hình, xuống 1-2 giờ/ngày cho mục đích giải trí ở trẻ em.
Tư thế và môi trường học tập
Duy trì tư thế học tập đúng (mắt cách sách 25-35 cm, lưng thẳng) và ánh sáng đủ (200-500 lux) để giảm căng thẳng mắt. Đảm bảo chiếu sáng không gây lóa cũng quan trọng. Ngoài ra sau mỗi 30 phút đọc nên nghỉ ngơi, đứng dậy và nhìn ra xa qua cửa sổ.
Dinh dưỡng và khám mắt
Theo Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ, thực đơn ăn giàu vitamin A, C, E (rau xanh, cà rốt, cá) giúp hỗ trợ sức khỏe mắt và bảo vệ võng mạc, dù không trực tiếp ngăn ngừa cận thị.
Theo y học cổ truyền, dưỡng mắt không chỉ là dùng thuốc mà còn là ăn uống đúng cách để bổ Can, dưỡng Huyết, ích Tinh, vì Can khai khiếu ra mắt — nghĩa là gan có liên quan chặt chẽ đến thị lực. Một số thực phẩm tốt cho mắt bao gồm: câu kỷ tử, táo đỏ, long nhãn, gan động vật. Đồng thời nên tránh ăn quá nhiều đồ chiên, cay nóng, nước ngọt có gas làm tăng mỏi mắt, kích thích thần kinh thị giác.
Trẻ em cần được khám mắt ít nhất 1 lần/năm, trẻ cận thị cần kiểm tra 3-6 tháng/lần để điều chỉnh kính. Ngoài ra cần đảm bảo đeo kính đúng độ, tránh dùng kính sai hoặc kém chất lượng.
Hiện nay, không có loại thuốc nhỏ mắt nào có thể “chữa khỏi” cận thị hoàn toàn, vì cận thị là do thay đổi cấu trúc giải phẫu của mắt. Tuy nhiên, có một số loại thuốc nhỏ mắt được dùng để làm chậm tiến triển cận thị, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các bậc cha mẹ hoặc người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào.
5 bài tập tốt cho chứng cận thị
1. Bài tập điều tiết: Nhìn xa – nhìn gần
Mục đích: Rèn luyện khả năng thay đổi tiêu cự của mắt, giảm mỏi điều tiết.
Cách tập: Cầm một vật nhỏ (bút, ngón tay…) cách mắt khoảng 25–30cm. Nhìn tập trung vào vật này trong 10 giây. Sau đó nhìn ra một vật ở xa (trên 6 mét) trong 10 giây. Lặp lại động tác 15–20 lần mỗi lần tập.
2. Bài tập xoay nhãn cầu
Mục đích: Tăng cường độ linh hoạt và tuần hoàn máu quanh mắt.
Cách tập: Ngồi thẳng lưng, mắt mở. Nhìn lên trên – rồi từ từ xoay tròn mắt theo chiều kim đồng hồ 5 vòng. Đổi ngược chiều, xoay ngược kim đồng hồ 5 vòng. Có thể nhắm mắt nghỉ ngơi 10–20 giây giữa các lần tập.
3. Bài tập nhắm mắt – mở mắt
Mục đích: Thư giãn cơ vận nhãn và thần kinh thị giác.
Cách tập: Nhắm chặt mắt trong 5 giây. Mở to mắt trong 5 giây. Lặp lại động tác này 10 lần.
4. Bài tập day ấn huyệt quanh mắt (theo Trung y)
Mục đích: Kích thích lưu thông máu, dưỡng mắt.
Cách làm: Dùng đầu ngón tay trỏ nhẹ nhàng day ấn các huyệt dưới đây từ 10–15 lần, mỗi lần khoảng 1–2 phút, lực vừa phải.
Tinh minh (chỗ lõm gần khóe mắt trong).
Toản trúc (đầu trong của lông mày).
Ty trúc không (đuôi ngoài của lông mày).
Thái dương (hõm phía sau lông mày đuôi).
5. Bài tập palming – ủ mắt
Mục đích: Thư giãn thần kinh thị giác sâu.
Cách làm: Xoa hai lòng bàn tay cho nóng lên. Nhắm mắt, áp lòng bàn tay che kín mắt (không tỳ đè vào nhãn cầu), hít thở sâu. Giữ trong khoảng 2–3 phút.
Lưu ý khi thực hiện các bài tập:
Tập đều đặn 2–3 lần mỗi ngày.
Không tập ngay sau khi vừa làm việc nặng hoặc lúc mắt đang rất mệt.
Kết hợp với việc giảm thời gian nhìn gần, tăng thời gian hoạt động ngoài trời (ít nhất 1–2 tiếng/ngày nếu có thể).
Ths.BS Đỗ Trường Giang
Từ khóa cận thị
