Dâu tằm: Hương vị quê hương và những lợi ích bất ngờ
- Tú Liên
- •
‘Mùa ngâm’ lại về, khẽ khàng gõ cửa từng gian bếp Việt. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quen với hình ảnh những chiếc hũ thuỷ tinh ửng màu đỏ tím với đầy dâu tằm, lặng lẽ ủ mình trong góc bếp. Không có gì lạ, bởi dâu tằm từ lâu đã là một phần đặc sắc của ẩm thực và y học dân gian Việt Nam. Ngoài trái mọng ngọt, lá, vỏ rễ và thân cây dâu tằm cũng đều được tận dụng tinh tế trong các món ăn truyền thống và bài thuốc cổ phương.

Trái dâu tằm: Hạ đường huyết, bổ gan thận
Trái dâu tằm chín có vị ngọt bình, giàu dưỡng chất và mang nhiều công dụng y học như sinh tân dịch, giải khát, dưỡng gan thận, bổ huyết, hạ huyết áp và hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Theo y thư cổ, dùng trái dâu thường xuyên giúp tóc đen, mắt sáng, giảm đau nhức khớp, tinh thần minh mẫn.
Các cách sử dụng trái dâu tằm:
- Chọn trái chín mọng có màu sắc đen vị ngọt thuần là tốt nhất.
- Ăn sống (nên trộn với một ít muối ăn).
- Sên thành mứt, hoặc phơi khô dùng dần.
- Ngâm với đường hoặc mật ong để lấy nước.
- Ép nước uống: Dùng vải lọc trái chín lấy nước, dùng dụng cụ sứ sên đặc, pha với một muỗng nước trong hoặc rượu trắng uống.
Công thức trà hoa cúc dâu tằm kỷ tử bổ gan thận:
Thành phần:
- 5 bông hoa cúc khô
- 10 trái kỷ tử
- 10 trái dâu tằm
Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào 500ml nước nóng, đậy nắp chén và ngâm trong 5 phút trước khi uống.
Vỏ rễ cây dâu tằm: Thanh nhiệt phổi, tiêu phù thũng
Vỏ rễ dâu tằm (Tang bạch bì) có vị ngọt, tính hàn, thuộc về Phế kinh, thường được dùng trong các bài thuốc trị ho khan, viêm phổi, phù thũng do phế nhiệt, chảy máu cam và cao huyết áp do gan hỏa vượng. Ngoài ra, còn có tác dụng hỗ trợ điều trị rụng tóc, trị gàu và tóc khô xơ khi dùng để gội đầu. Sau khi gội đầu với nước vỏ cây dâu tằm thì không cần gội lại nước trong, cũng không cần dùng dầu gội. Phương pháp này đối với chứng rụng tóc tiết bã nhờn rất hiệu quả.
Cành dâu tằm: Trị ho khan, phong thấp, đau nhức xương khớp
Cành dâu (Tang chi) có vị đắng, tính bình, thuộc về Can kinh, giúp trừ phong, thông kinh mạch, trị ho khan, giảm đau khớp, co rút chân tay, đặc biệt điều trị chứng đau nhức vai gáy kéo dài; chứng hàn, nhiệt đều có thể dùng.
Theo “Bản Thảo Cương Mục”, dùng cành dâu tằm sẽ lợi tiêu hóa và tiểu tiện, dùng lâu khỏe người, thông tai sáng mắt, làm cho người khỏe khoắn.
Trong “Dưỡng kỳ mạn bút” của Triệu Tấn có ghi chép một y án Tang chi trị ho khan: Ở Việt Châu có một thiếu niên bị ho đau rát, dùng nhiều thuốc mà không hiệu quả. Có người bảo dùng một nắm cành dâu tằm ở hướng nam, bẻ khúc cho vào nồi, dùng 5 chén nước sắc còn 1 chén, rót vào bình chứa bằng đất nung, uống khi khát, uống 1 tháng thì khỏi bệnh.
Lá dâu tằm: Trị chứng mồ hôi trộm, hỗ trợ giấc ngủ, ổn định huyết áp
Lá dâu tằm được hái lúc còn sương, nghiền nát rồi lấy nước uống có hiệu quả điều trị chứng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm đặc biệt tốt.
Rất nhiều người hiện đại gặp khó khăn và rối loạn giấc ngủ, có thể dùng lá dâu tằm sương (hái vào lúc sớm, khi còn đọng sương trên lá) hong khô làm thành gối đầu, có thể trị chứng váng đầu mờ mắt, giúp an thần ngủ ngon.
Ngoài ra, lá dâu tằm còn hỗ trợ điều hòa huyết áp, cải thiện đường huyết, tăng cường giấc ngủ, chống cảm cúm và làm đẹp da. Dân gian thường rang lá dâu làm gối hoặc dùng để nấu cháo phục hồi sức khỏe, đặc biệt tốt với những người mới bệnh dậy và sau khi sinh, người già yếu, tuy thân thể không khỏe nhưng không có bệnh, chỉ là “ban ngày thường ra mồ hôi, đêm ngủ tâm thần không yên”.
Bài thuốc Trung y cổ điều trị thân thể suy nhược:
Nguyên liệu: Lá dâu sương 6 gram, đạm đậu thị (đậu nành lên men) 10 gram giã nát, hạt kê 50 gram.
Cách nấu: Cho vào nồi 2 chén nước, rồi cho lá dâu sương, đạm đậu thị vào, đun với lửa lớn, sôi lên thì cho lửa nhỏ liu riu rồi nấu tiếp khoảng 15 phút. Sau đó lọc bỏ bã, cho kê vào nấu thành cháo. Dùng nóng trước khi ngủ, mỗi ngày ăn 1 lần. Dùng liên tục trong 5 ngày.
Theo kinh nghiệm của thầy thuốc Trung y lâu năm Cố Triệu Nông ở Sơn Tây, người bị bệnh kéo dài thì cần phải dùng nhiều, mỗi đợt dùng một tháng mới có thể dần dần khôi phục sức khỏe.
Từ khóa dâu tằm
