Nghiên cứu: Đồ uống có đường và ung thư khoang miệng ở phụ nữ
- Nguyên Khang
- •
Theo nghiên cứu mới, những phụ nữ tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày có khả năng mắc ung thư khoang miệng cao hơn gần gấp 5 lần so với những người thỉnh thoảng mới uống.
Nguy cơ này vẫn không thay đổi, bất kể phụ nữ có hút thuốc hay uống rượu hay không. Phát hiện này thách thức sự hiểu biết truyền thống về các yếu tố nguy cơ ung thư khoang miệng.
“Kết quả cho thấy, chúng ta cần xem xét tác động của phương thức ăn uống đối với nguy cơ ung thư khi xây dựng các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng”, các nhà nghiên cứu viết.
Nguy cơ không mong đợi
Ung thư khoang miệng là một trong 15 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, ảnh hưởng đến 2.449 người mỗi năm.
Theo truyền thống, ung thư khoang miệng thường liên quan đến nam giới lớn tuổi hút thuốc lá và uống nhiều rượu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố gần đây trên JAMA Otolaryngology–Head & Neck Surgery (Tập san Tai mũi họng – Phẫu thuật Đầu & Cổ của JAMA) cho thấy, căn bệnh này đang ngày càng ảnh hưởng đến những phụ nữ không hút thuốc.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, tất cả những phụ nữ tiêu thụ 1 hoặc nhiều đồ uống có đường mỗi ngày sẽ có nguy cơ cao hơn 4,87 lần so với những người tiêu thụ ít hơn 1 đồ uống có đường mỗi tháng.
Đối với những người không hút thuốc nhiều hoặc uống nhiều rượu, việc thường xuyên uống đồ uống có đường làm tăng nguy cơ lên hơn 5 lần.
Các tác giả nghiên cứu đã lưu ý một số lý do có thể dẫn đến phát hiện của họ.
Một yếu tố chính là siro ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS) – là một thành phần phổ biến trong nhiều loại đồ uống có đường. Lượng HFCS cao có liên quan đến bệnh viêm nha chu, một bệnh nướu răng nghiêm trọng, cũng có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Ngoài ra, việc tiêu thụ một lượng lớn HFCS có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu và tăng mức insulin, có khả năng dẫn đến tình trạng kháng insulin và tăng mức yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), một loại hormone có liên quan đến sự phát triển ung thư.
Cuối cùng, HFCS có thể dẫn đến tình trạng viêm, phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong miệng, cũng được coi là một yếu tố nguy cơ gây ung thư khoang miệng.
Mối lo ngại sức khỏe ngày càng tăng do đồ uống có đường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất rằng, lượng đường bổ sung không nên chiếm quá 5% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày, tương đương khoảng 20-25 gram mỗi ngày. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mức độ tiêu thụ đường bổ sung thường vượt quá con số này.
Lượng đường bổ sung trong một số đồ uống phổ biến:
– Trà sữa: 15-20g/ly size M
– Nước hoa quả dứa kiwi cam: 12g/100ml
– Nước ngọt hương cam: 12g/100ml
– Nước tăng lực Red Bull: 11g/100ml
– Trà chanh Nestea: 7.2g/100ml
– Coca Cola: 10.6g/100ml
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng, việc tiêu thụ nhiều đường bổ sung và đồ uống có đường liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở người trẻ tuổi. Đây là một nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư bao gồm ung thư đại tràng và ung thư phổi. Nguyên nhân có thể là do tình trạng viêm mạn tính lan rộng ra ngoài miệng, có khả năng góp phần vào sự phát triển của các tế bào ung thư.
Các chuyên gia cho biết, hướng dẫn của WHO là “một điểm khởi đầu tốt”, nhưng cần được điều chỉnh với mỗi người, tùy theo độ tuổi, giới tính và nhu cầu năng lượng.
Khi lượng đường tiêu thụ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, những phát hiện của nghiên cứu mới củng cố lời cảnh tỉnh rằng, mọi người nên hạn chế lượng đường bổ sung để có sức khỏe tốt hơn.
Những chất thay thế lành mạnh cho siro chứa nhiều fructose và đường bổ sung bao gồm cỏ ngọt (stevia), quả la hán, và đường tự nhiên từ trái cây.
Từ khóa đồ uống có đường ung thư khoang miệng
