Lợi ích sức khỏe của dầu cá có thể không phù hợp với tất cả mọi người, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Lưu Trung Bình tại Đài Loan đã chia sẻ trong chương trình Sức khỏe 1+1 của NTDTV về kết hợp các nghiên cứu mới nhất để thảo luận về tác dụng, rủi ro và chống chỉ định của dầu cá, đồng thời đề xuất các khuyến nghị an toàn khi sử dụng dầu cá.

dau ca
Lợi ích sức khỏe của dầu cá có thể không phù hợp với tất cả mọi người, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Là một loại thực phẩm bổ sung, dầu cá được ưa chuộng nhờ chứa nhiều axit béo Omega-3 không bão hòa đa. Thành phần chính của nó, EPA (Eicosapentaenoic acid) và DHA (Docosahexaenoic acid), được coi là có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Dầu cá và nguy cơ rung nhĩ, đột quỵ

Một nghiên cứu tiền cứu được công bố vào tháng 5 năm nay cho thấy, ở những người không có bệnh tim mạch, việc thường xuyên dùng dầu cá làm tăng nguy cơ rung nhĩ lên 13% và nguy cơ đột quỵ lên 5%. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tim mạch, việc dùng dầu cá định kỳ giúp giảm nguy cơ chuyển từ rung nhĩ sang các biến cố tim mạch nghiêm trọng, nhồi máu cơ tim, và tử vong do suy tim. Nghiên cứu này đã theo dõi 416.000 người từ 40 đến 69 tuổi trong cơ sở dữ liệu sinh học Anh Quốc trong 12 năm.

Bác sĩ Lưu Trung Bình nói, tác động của dầu cá hoặc bổ sung axit béo Omega-3 đối với sức khỏe tim mạch vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Ngoài thành phần của dầu cá, hàm lượng EPA và DHA, liều lượng sử dụng, cũng như nguy cơ nhiễm kim loại nặng cũng là các yếu tố ảnh hưởng quan trọng.

Đối với nguy cơ rung nhĩ, một phân tích tổng hợp năm 2021 trên 7 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn đã xác nhận rằng việc bổ sung axit béo Omega-3 từ hải sản trong trung và dài hạn có liên quan đến tăng nguy cơ rung nhĩ.  Hơn nữa khi liều lượng vượt quá 1 gram mỗi ngày thì nguy cơ này càng lớn.

Đối với nguy cơ đột quỵ, một phân tích tổng hợp công bố vào tháng 1 năm nay trên 29 nghiên cứu tiền cứu cho thấy mức EPA, DHA và EPA+DHA trong cơ thể có mối tương quan nghịch với nguy cơ tổng thể và nguy cơ đột quỵ do thiếu máu, nhưng không liên quan đến nguy cơ đột quỵ do xuất huyết. Nghiên cứu kết luận rằng việc tiêu thụ nhiều DHA và EPA có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ không tìm thấy mối liên quan giữa Omega-3 từ hải sản (với tỷ lệ EPA:DHA = 1,2:1) và nguy cơ tăng hay giảm rung nhĩ, hoặc nguy cơ đột quỵ. Cuộc thử nghiệm có tên VITAL, đã theo dõi 25.871 người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên trên khắp Hoa Kỳ trong hơn 5 năm để nghiên cứu tác động của việc bổ sung axit béo omega-3 từ hải sản đối với bệnh tim mạch.

Một phân tích tổng hợp hồi cứu của tất cả các nghiên cứu do nhóm nghiên cứu công bố vào tháng 6 năm ngoái cho thấy rằng việc bổ sung axit béo omega-3 từ hải sản với liều 1g/ngày, so với giả dược bằng dầu ô liu, không làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong tổng hợp do bệnh tim mạch, nhưng xác thực có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim toàn phần, can thiệp mạch vành qua da, nhồi máu cơ tim gây tử vong và nhập viện tái phát vì suy tim.

Những ai nên bổ sung dầu cá?

Axit béo Omega-3 trong dầu cá, đặc biệt là EPA và DHA, rất cần thiết để duy trì chức năng cơ thể. Các lợi ích sức khỏe bao gồm, cải thiện một số hội chứng chuyển hóa liên quan đến béo phì, chẳng hạn như kháng insulin, cao huyết áp và rối loạn mỡ máu; các đặc tính hạ huyết áp, chống viêm và cải thiện chức năng mạch máu của nó có thể mang lại tác dụng bảo vệ tim mạch, bằng cách giảm triglyceride huyết tương.

Tiến sĩ JoAnn E. Manson, trưởng nhóm nghiên cứu thử nghiệm VITAL, đồng thời là Giám đốc Khoa Y học Dự phòng tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ và Trường Y Harvard, cho biết vào tháng 10 năm nay cho biết: “Chúng tôi cho rằng Omega-3 có lợi cho động mạch vành hoặc tim, và một số người dường như hưởng lợi nhiều hơn so với những người khác”, bao gồm những người tiêu thụ ít cá, những người có từ hai yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim trở lên, và người Mỹ gốc Phi.

Bác sĩ Lưu Trung Bình cho rằng việc bổ sung dầu cá có thể không mang lại lợi ích đáng kể cho người khỏe mạnh, đặc biệt với những người ăn cá ít nhất hai lần một tuần. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tim mạch, bổ sung dầu cá có thể mang lại lợi ích lớn hơn.

Một phân tích tổng hợp khác tại Hoa Kỳ vào năm 2021 kết luận rằng bổ sung EPA và DHA có thể ngăn ngừa hiệu quả các biến cố tim mạch bất lợi, đặc biệt với bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim. Tác dụng bảo vệ của EPA+DHA dường như tăng lên khi tăng liều và nhanh chóng chững lại.

fish oil
Nhiều người không phù hợp khi dùng dầu cá, đặc biệt là người dị ứng với cá. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những người không phù hợp bổ sung dầu cá 

Bác sĩ Lưu Trung Bình cho biết, dầu cá không phù hợp với tất cả mọi người, chẳng hạn như: 

– Những người dị ứng với cá.

– Những người có cơ địa dễ chảy máu. Dầu cá có tác dụng chống đông máu, không phù hợp với người bị chảy máu do trĩ hoặc phụ nữ có kinh nguyệt nhiều, cũng không phù hợp với phụ nữ mang thai hoặc người chuẩn bị phẫu thuật.

– Những người dùng aspirin. Nhiều người dùng aspirin để giảm nhẹ hoặc phòng ngừa bệnh tim mạch. Có nghiên cứu cho thấy aspirin và dầu cá có thể có tương tác, do đó cần thận trọng khi sử dụng đồng thời.

Bác sĩ Lưu nhấn mạnh, nguyên tắc quan trọng là aspirin có tác dụng bảo vệ và hiệu quả rất quan trọng đối với bệnh nhân tim mạch, tuyệt đối không nên ngừng dùng aspirin để bổ sung dầu cá. Nếu bạn đã dùng aspirin và muốn bổ sung dầu cá, nhất định phải thảo luận trước với bác sĩ của mình.

Bổ sung Omega-3 từ thực phẩm tự nhiên

So với thực phẩm bổ sung, việc bổ sung axit béo Omega-3 từ thực phẩm tự nhiên có thể an toàn và hiệu quả hơn. Bác sĩ Lưu Trung Bình khuyến nghị các thực phẩm tự nhiên giàu axit béo Omega-3 sau:

– Cá và hải sản: Cá hồi, cá thu, cá mòi giàu DHA và EPA.

– Dầu thực vật: Dầu hạt lanh, dầu óc chó chứa ALA (axit alpha-linolenic) – một loại axit béo cần thiết cho cơ thể. Trong cơ thể, ALA có thể chuyển hóa thành EPA và DHA, dù tỷ lệ chuyển hóa không cao nhưng vẫn là nguồn Omega-3 thực vật tốt.

– Hạt và quả hạch: Hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia giàu Omega-3.

Cách bổ sung dầu cá an toàn

Để bổ sung dầu cá và axit béo Omega-3 an toàn và hiệu quả, Bác sĩ Lưu Trung Bình  gợi ý bạn cần chú ý những điểm sau:

– Kiểm soát liều lượng: Mỗi ngày nên duy trì lượng dầu cá dưới 1 gram để tránh nguy cơ rung nhĩ.

– Ưu tiên thực phẩm tự nhiên: Bổ sung Omega-3 từ cá và thực phẩm thay vì phụ thuộc vào thực phẩm bổ sung.

– Chú ý chọn nguồn an toàn: Chọn các loại cá ít thủy ngân như cá hồi, cá mòi, tránh cá chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá thu.

– Sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ: Việc dùng dầu cá bổ sung nên được thực hiện dưới hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt với người có bệnh tim mạch hoặc các vấn đề sức khỏe khác.