Hội chứng buồng trứng đa nang: Một rối loạn nội tiết cần được chăm sóc toàn diện
- Tú Liên
- •
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hiện đang ảnh hưởng tới khoảng 1/5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh quan trọng trong điều trị – đặc biệt là sức khỏe tâm thần – vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiếp cận một cách toàn diện, từ thay đổi chế độ ăn, hỗ trợ tâm lý đến áp dụng các liệu pháp tự nhiên và thay đổi lối sống có thể đem lại sự cải thiện rõ rệt cho người bệnh.
Tỷ lệ phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) đang có xu hướng gia tăng qua từng năm. Đây là một rối loạn nội tiết chuyển hóa phức tạp, với các triệu chứng thường gặp như rối loạn kinh nguyệt, mụn trứng cá, rậm lông ở mặt và thân, rụng tóc kiểu nam giới, kháng insulin, tăng cân khó kiểm soát và rối loạn ăn uống. Nếu không được điều trị thích hợp, PCOS có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, và các rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Do ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể, PCOS không thể điều trị bằng cách chỉ nhắm vào từng triệu chứng riêng lẻ. Việc chăm sóc cần có hướng tiếp cận toàn diện.
Tác động đến sức khỏe tâm thần: Mảnh ghép bị lãng quên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm và suy giảm chất lượng cuộc sống cao hơn. Một phân tích gộp trên 31.000 phụ nữ đã khẳng định mối liên hệ rõ rệt giữa PCOS và rối loạn tâm thần, trong đó có cả những triệu chứng tương tự rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Một trong những nguyên nhân là do sự mất cân bằng nội tiết tố – cụ thể là nồng độ androgen (hormone nam) tăng cao – có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não bộ. Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa tryptophan (một axit amin cần thiết để tổng hợp serotonin – chất điều hòa tâm trạng) cũng làm tăng nguy cơ viêm và trầm cảm.
Tình trạng kháng insulin – đặc trưng ở PCOS – còn ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và GABA. Khi những chất này bị rối loạn, não bộ dễ rơi vào trạng thái thiếu năng lượng, gây bất ổn cảm xúc và suy giảm khả năng điều tiết tâm trạng.
Rối loạn ăn uống và vấn đề hình ảnh cơ thể
Nhiều phụ nữ mắc PCOS phải đối mặt với việc tăng cảm giác thèm ăn, thất thường cảm xúc và rối loạn ăn uống. Việc này không chỉ do nội tiết tố androgen cao mà còn do đường huyết dễ tụt mạnh do kháng insulin. Những thay đổi sinh lý này, cộng với áp lực ngoại hình và kỳ thị về cân nặng trong xã hội hiện nay, có thể dẫn đến thói quen ăn uống cực đoan như ăn kiêng quá mức, ăn uống vô độ, hoặc luân phiên giữa hai trạng thái.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Yasi Ansari (Mỹ), nhiều phụ nữ trẻ khi được chẩn đoán mắc PCOS thường bị yêu cầu thay đổi chế độ ăn nghiêm ngặt hoặc giảm cân cấp tốc, khiến họ cảm thấy quá tải và mơ hồ. Điều này vô tình tạo ra mối quan hệ tiêu cực giữa người bệnh và thức ăn, cũng như hình ảnh cơ thể của chính mình.
Các triệu chứng như mụn nặng hoặc rậm lông kiểu nam giới (mặt, ngực…) cũng làm tổn hại đến sự tự tin và lòng tự trọng của người bệnh.
Cách tiếp cận toàn diện và cá nhân hóa
Bác sĩ Licy Yanes Cardozo, chuyên gia nội tiết tại Đại học Mississippi (Hoa Kỳ), nhấn mạnh rằng chăm sóc PCOS cần sự phối hợp đa ngành – bao gồm bác sĩ nội tiết, phụ khoa, dinh dưỡng và cả chuyên gia tâm lý.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy sức khỏe tâm thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong điều trị PCOS. Mpho Tshukudu, chuyên gia dinh dưỡng tích hợp, cho biết mặc dù các hướng dẫn điều trị đã khuyến nghị bổ sung chuyên gia tâm lý vào đội ngũ, nhưng phần lớn các trường hợp điều trị vẫn chỉ xoay quanh vấn đề nội tiết, cân nặng và khả năng sinh sản.
Trong khi đó, các can thiệp tâm lý đã cho thấy hiệu quả thực sự. Một nghiên cứu tại Iran cho thấy chương trình giảm căng thẳng bằng chánh niệm trong 8 buổi học (90 phút mỗi buổi) giúp phụ nữ PCOS giảm lo âu rõ rệt. Hiệu quả được ghi nhận ngay sau khóa học và duy trì sau một tháng.
Tập thể dục cũng được chứng minh là có tác động tích cực đến tình trạng lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân PCOS.
Chế độ ăn: Hướng tới sức khỏe, không ép cân
Theo chuyên gia Ansari, tư vấn dinh dưỡng cho người mắc PCOS không nên chỉ tập trung vào giảm cân mà cần hướng đến việc duy trì năng lượng, hỗ trợ nội tiết và ổn định đường huyết. Việc ăn uống lành mạnh có thể cải thiện bệnh đáng kể mà không cần gây áp lực về hình thể.
Các mô hình ăn uống như chế độ Địa Trung Hải (tốt cho sức khỏe tim mạch và chống viêm) hoặc DASH (giúp ngăn ngừa tăng huyết áp) được xem là phù hợp với PCOS. Chế độ ăn Địa Trung Hải nhấn mạnh vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, dầu ô liu, kèm theo một lượng vừa phải cá và gia cầm. Trong khi đó, chế độ ăn DASH tập trung vào việc ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít béo trong khi hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa.
Chế độ ăn phù hợp cho PCOS nên bao gồm:
- Trái cây và rau có chỉ số đường huyết thấp
- Cá béo chứa omega-3 (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích)
- Thịt nạc, sữa ít béo, đậu đỗ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám
- Hạn chế thực phẩm siêu chế biến và nhiều đường
- Uống đủ nước, trà thảo mộc không đường
Liệu pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Bên cạnh điều trị y khoa chính thống, nhiều phụ nữ mắc PCOS đã tìm thấy hiệu quả tích cực khi kết hợp các liệu pháp tự nhiên, bao gồm thảo dược, thực phẩm chức năng và thay đổi lối sống. Những liệu pháp này không thay thế thuốc nhưng có thể góp phần cải thiện triệu chứng, cân bằng nội tiết, giảm viêm và hỗ trợ tâm lý.
1. Thảo dược hỗ trợ điều hòa nội tiết
Một số loại thảo mộc đã được nghiên cứu về tác dụng điều hòa hormone và cải thiện chức năng buồng trứng:
- Cây trinh nữ châu Âu: Thường được dùng để điều hòa kinh nguyệt, giảm prolactin và cải thiện rụng trứng. Trên thị trường hiện có dạng viên uống rất tiện lợi.
- Quế: Hỗ trợ tăng độ nhạy insulin, ổn định đường huyết – đặc biệt hữu ích với người bị kháng insulin.
- Bạc hà lục (Spearmint): Uống trà bạc hà hàng ngày được ghi nhận giúp giảm nồng độ androgen và cải thiện tình trạng rậm lông, mụn.
- Berberine: Một hợp chất chiết xuất từ cây hoàng liên hoặc hoàng bá, có tác dụng tương tự metformin trong kiểm soát đường huyết và hỗ trợ giảm cân ở những người bị PCOS.
Lưu ý: Cần sử dụng thảo dược dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền. Không nên tự ý kết hợp nhiều loại cùng lúc.
2. Thực phẩm chức năng hữu ích cho phụ nữ bị PCOS
Một số dưỡng chất bổ sung đã cho thấy hiệu quả đáng kể:
- Inositol (Myoinositol và D-chiro-inositol): Hỗ trợ rụng trứng, giảm kháng insulin, cải thiện khả năng sinh sản. Đây là dưỡng chất nổi bật trong các sản phẩm dành cho PCOS hiện nay.
- Omega-3 (EPA & DHA): Có trong dầu cá, giúp giảm viêm, cải thiện lipid máu và hỗ trợ điều hòa hormone.
- Vitamin D: Phụ nữ PCOS thường thiếu vitamin D, làm tăng kháng insulin và nguy cơ rối loạn rụng trứng. Việc cung cấp đủ vitamin D có thể cải thiện nhiều chỉ số chuyển hóa.
- Magie và kẽm: Cần thiết cho chức năng nội tiết, chuyển hóa glucose, giảm mụn và điều tiết cảm xúc.
- Probiotics: Lợi khuẩn hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột – yếu tố ngày càng được chứng minh có vai trò trong nội tiết, miễn dịch và cả tâm trạng ở người mắc PCOS.
Lối sống: Nền tảng không thể thiếu
Ngoài dinh dưỡng, các yếu tố như giấc ngủ, quản lý căng thẳng và vận động thể chất đều đóng vai trò quan trọng trong điều trị PCOS.
Phụ nữ mắc PCOS thường có chất lượng giấc ngủ kém, mệt mỏi ban ngày, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Các thay đổi về nhịp sinh học có thể làm trễ giờ ngủ và kéo dài thời gian tiết melatonin vào ban đêm.
Một số phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để quản lý căng thẳng bao gồm:
- Hít thở sâu
- Dành thời gian ngoài thiên nhiên
- Các hoạt động sáng tạo (vẽ, đan lát, thủ công)
- Yoga, thiền
Về vận động, nên kết hợp:
- Cardio (aerobic): giúp tăng độ nhạy insulin
- Tập tạ: tăng khối cơ, hỗ trợ chuyển hóa
- Các bài tập nhẹ như Pilates: cải thiện dẻo dai, giảm căng thẳng
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp ổn định nội tiết, giảm viêm mà còn cải thiện sức khỏe tâm thần, giảm lo âu và trầm cảm.
Từ khóa rối loạn kinh nguyệt hội chứng buồng trứng đa nang
