Làm thế nào để cấp ẩm khi bạn lười uống nước trắng?
- Minh Minh
- •
Cơ thể bạn cần được cấp ẩm, nhưng cốc nước lọc không mùi vị lại chẳng có chút quyến rũ nào. Khi cảm thấy khát nước, đôi khi bạn thấy ngại đi lấy một cốc nước trắng nhưng lại sẵn sàng đứng lên pha một cốc cà phê sữa…
Nhiều người chọn đồ uống có đường, nước ngọt, nước soda, nước trái cây đóng hộp để dùng khi thấy khát nước. Tuy nhiên, uống quá nhiều calo sẽ tác động không tốt đến trọng lượng và sức khỏe cơ thể của bạn. Về lâu dài, lượng đường dư thừa sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh mãn tính, thậm chí trầm cảm.
Có nhiều cách để cấp nước cho cơ thể mà bạn không cần phải đụng đến đường hay trung thành với cốc nước trắng. Dưới đây là một số lựa chọn lành mạnh cho bạn tham khảo:
1. “Ăn nước”
Nếu bạn ngại uống nước thì hãy ăn thực phẩm có chứa nhiều nước. Thông qua các bữa ăn hàng ngày, cơ thể bạn có thể được cung cấp đủ nước, không nhất thiết phải uống thêm nhiều nước trắng nữa. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ khiến cơ thể giữ ẩm mà không làm tăng nhu cầu uống nước thông thường. Bạn nên chọn trái cây và rau có hàm lượng nước cao như dưa (dưa hấu, dưa chuột…), dâu tây, rau diếp, cần tây và bắp cải.
2. Tạo mùi vị cho nước
Đừng mua các loại thức uống ngọt, có phẩm màu và có hương vị nhân tạo, bạn có thể tự tạo ra hương vị cho cốc nước của mình. Bạn chỉ cần vắt một ít nước cốt chanh, hoặc thả một lát chanh là cốc nước trắng của bạn đã có thay đổi đáng kể. Ngoài ra bạn cũng có thể thả thảo mộc hoặc hoa nhài để tránh sự nhàm chán từ mùi chanh. Một số người còn thả thêm ‘đồ ăn nhẹ’ vào đáy cốc (như hoa quả). Mẹo nhỏ: trái cây đông lạnh có hương vị cuốn hút hơn khi đã tan băng.
3. Trà không đường
Cho dù bạn pha nóng hay đá, trà không đường vẫn mang đến hương vị tuyệt vời và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Mỗi loại trà có một tác dụng riêng, bạn nên chọn loại phù hợp với nhu cầu của mình (ví dụ trà hoa cúc an thần dễ ngủ, trà xanh hỗ trợ giảm mỡ máu, trà ô long đẹp da mượt tóc, trà atiso thanh lọc thải độc…). Đối với những người ưa đồ uống ngọt, bạn nên điều chỉnh lượng đường dần dần trước khi uống sang trà không đường. Tuần đầu bạn chỉ cho 3/4 lượng đường mình thường dùng, sau đó chuyển sang 1/2, sau đó là 1/4, rồi cắt hẳn đường ra khỏi chén trà của mình.
4. Chọn nước trái cây phù hợp
Không phải tất cả các loại nước trái cây đều không làm tăng lượng đường khi bạn uống vào. Về cơ bản, các loại nước ép ngọt như táo, cam và bưởi là soda không ga. Bạn nên chọn chanh, nam việt quất (không đường), một số loại rau xanh để làm nước ép uống thay nước trắng. Nếu không chắc chắn liệu nước trái cây đang uống có nhiều đường hay không, bạn hãy tìm đọc về chúng trước khi uống. Ví dụ như nước ép táo có 24 gram đường trên 226,8 gram uống vào, Coca Cola chứa 26 gram đường trên 226,8 gram uống vào.
5. Làm đồ uống tạo bọt (bubble)
Nhắc đến đồ uống có bọt bong bóng (bubble), bạn sẽ liên tưởng ngay đến soda hoặc trà sữa trân châu, nhưng không phải như vậy. Trước đây, một số cửa hàng tại Đài Loan đã thêm vị hoa quả vào công thức pha trà để kích thích vị giác của khách hàng, tránh nhàm chán. Để có thể hòa quyện các nguyên liệu với nhau, người bán cho tất cả nguyên liệu vào một chiếc bình, sau đó lắc mạnh để hương vị được hòa đều. Hành động lắc mạnh đã tạo ra bọt bong bóng, trong tiếng anh là ‘bubble’ nên từ đó khái niệm ‘bubble tea’ đã ra đời.
Mọi người thường hiểu nhầm ‘bubble tea’ nghĩa là ‘trà sữa trân châu’, mà món uống này lại nhiều đường nên không nên uống thường xuyên. Nếu hiểu đúng nghĩa của từ ‘bubble’, thì tức là bạn có thể chọn các loại đồ uống có bọt bong bóng lành mạnh để tránh khỏi ly nước trắng nhạt nhẽo.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa uống nước trái cây Chăm sóc sức khỏe