Lòng dũng cảm không phải là không sợ hãi – mà là hành động đầy ý nghĩa bất chấp nỗi sợ hãi.

Du an moi 2024 10 30T071753.288
Ba yếu tố tạo nên những hành động dũng cảm gồm: ý định, mục tiêu cao cả và một số biện pháp xử lý rủi ro. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đây là phần 7 trong loạt bài “Mỹ đức Y học”. (xem phần 6)

Phương thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một chút thay đổi tinh tế trong góc nhìn để phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối quan hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.

Một cậu bé 8 tuổi ngồi lặng lẽ bên cô em gái 6 tuổi khi cô bé nằm trong phòng bệnh. Cô bé đang hấp hối vì bệnh bạch cầu. Cơ hội sống sót duy nhất của cô bé là được truyền máu. Khi các bác sĩ xác nhận rằng máu của người anh trai hoàn toàn phù hợp, họ đã hỏi liệu cậu bé có muốn hiến một pint (tương đương 473 ml theo đơn vị đo lường của Mỹ) để cứu sống cô bé không. Sau một đêm suy nghĩ, cậu bé đã đồng ý.

Ngày hôm sau, hai anh em được đặt đường truyền tĩnh mạch và máu của cậu bé được truyền vào cơ thể ốm yếu của cô em gái. Sau đó, trong sự im lặng tiếp theo, cậu bé quay sang bác sĩ và hỏi, “Bao lâu nữa thì cháu sẽ chết?”

Khoảnh khắc này được nhà văn người Mỹ Anne Lamott kể lại trong cuốn sách “Bird by Bird”, lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật do Jack Kornfield của Trung tâm Thiền Spirit Rock ở Woodacre, California kể lại. Câu chuyện mô tả lòng dũng cảm và sự ngây thơ đáng kinh ngạc của một đứa trẻ khi nghĩ rằng việc cứu em gái mình sẽ khiến mình mất tất cả.

Mặc dù ít người trong chúng ta có thể phải đối mặt với những quyết định quan trọng như vậy, nhưng bản chất của lòng dũng cảm vẫn liên quan đến những thử thách hàng ngày của chúng ta. Lòng dũng cảm thể hiện khi chúng ta thử thách bản thân vượt qua sự thoải mái, tuân theo các nguyên tắc của mình hoặc khởi đầu mới hướng tới sự tự hoàn thiện.

Lòng dũng cảm là gì?

Theo hiểu biết thông thường, lòng dũng cảm là hành động của một người trước nỗi sợ hãi. Theo Cynthia Pury, nhà tâm lý học và là nhà nghiên cứu về lòng dũng cảm, có 3 yếu tố hình thành nên những hành động dũng cảm gồm: ý định, mục tiêu cao cả hoặc có ý nghĩa và một số biện pháp xử lý rủi ro.

Lòng dũng cảm phải có chủ ý; không thể là ngẫu nhiên; phải là sự lựa chọn của một người, không phải là điều gì đó xảy đến với họ. Hành động tự nguyện cũng phải phục vụ cho một mục đích có ý nghĩa. Chạy vào một tòa nhà đang cháy để cứu một đứa trẻ – hầu hết mọi người sẽ gọi đó là lòng dũng cảm. Lao vào cùng ngọn lửa đó để quay video TikTok? Không hẳn vậy.

Như bà Pury đã nói với tờ The Epoch Times, “Có một số hành động được mọi người coi là tốt hoặc đáng giá”.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, lòng dũng cảm có bản chất chủ quan cố hữu. Những gì mà người này coi là bước nhảy vọt của đức tin thì người khác có thể lại coi là bước tiến được tính toán. Điều này dẫn đến sự phân biệt giữa lòng dũng cảm “phổ quát” và “cá nhân”.

Rủi ro vô hình

Lòng dũng cảm nói chung thường liên quan đến mục đích và rủi ro được khẳng định về mặt xã hội hoặc văn hóa, như những hành động anh hùng trong chiến trận, được ghi nhận bằng tượng đài, huy chương và được ca ngợi rộng rãi.

Lòng dũng cảm cá nhân thì mang tính cá thể hơn. Đối với một diễn giả thì việc phát biểu trước đám đông là việc thường lệ và không có rủi ro. Tuy nhiên, đối với một người nhút nhát thì việc bước lên sân khấu có thể giống như đặt cược mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm.

Một lá thư được đăng trên The Sun Magazine (Tập san The Sun) do bà Pury chia sẻ trong tác phẩm của bà minh họa cho lòng dũng cảm cá nhân như sau:

“Cô con gái 9 tuổi của tôi đã khóc rất nhiều, liên tục nói rằng con không muốn đi học vì hôm đó có bài kiểm tra Khoa học Xã hội quan trọng. Con sợ rằng việc thiếu kiến thức trong học tập của mình sẽ cản trở con làm bài, thậm chí con còn không thể đọc được câu hỏi, chứ đừng nói đến việc trả lời.

Nỗi sợ hãi của con ngày càng lớn đến nỗi làm cho con phát ốm. Tôi đã mất hơn một giờ để thuyết phục con mặc quần áo. … Khi chúng tôi đến trường, con bé cầu xin tôi đừng bắt con vào trong: ‘Con không thể làm được, mẹ ạ. Con không thể làm bài kiểm tra đó. Tôi sợ mình sẽ phải lôi con bé ra khỏi xe nhưng đột nhiên con bé lau nước mắt, bước ra ngoài và cùng tôi đi đến cửa. Tôi vô cùng kinh ngạc trước lòng dũng cảm của con bé… Liệu có ai hiểu được con gái bé bỏng của tôi phải can đảm đến mức nào để đối mặt với một bài kiểm tra đơn giản như vậy không?”

Khoảng cách dũng cảm

Margie Warrell, một chuyên gia về lãnh đạo có bằng tiến sĩ về Phát triển Con người, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, bộ não của chúng ta được lập trình để tự bảo vệ và thường mặc định ở những thứ quen thuộc, dễ đoán và an toàn. Nhưng bà cho rằng sự phát triển thực sự và sự chuyển đổi đích thực lại được tạo ra trong sự thử thách, trong việc vượt qua những giới hạn mà chúng ta nhận thức được.

Bà Warrell coi thách thức của việc hành động trong khi sợ hãi là một “khoảng cách dũng cảm”.

Trong cuốn sách “Khoảng cách dũng cảm: 5 bước để hành động dũng cảm hơn”, bà Warrell đã kể lại những bài học từ thời thơ ấu của mình. Lớn lên trong một trang trại bò sữa, bà khao khát được cưỡi những chú ngựa con, nhưng ước mơ của bà đã trở thành nỗi sợ hãi khi được cha mẹ tặng cho Roby – một chú ngựa già và oai vệ.

Mỗi ngày, bà đến với Roby, đối mặt với nỗi sợ hãi và nỗi lo thất bại. Quá trình này không hề thú vị chút nào – chỉ là những nỗ lực lặp đi lặp lại, sự thất vọng và những chiến thắng nhỏ. Nhưng cuối cùng thì nỗi sợ hãi từng chế ngự bà cũng đã bắt đầu nới lỏng, thay vào đó là sự tự tin và tự do.

“Sự phát triển và sự thoải mái không thể đi cùng trên một con ngựa”, bà viết.

Nghiên cứu trước đây của bà Pury đã củng cố nhận định rằng khi mọi người có hành động dũng cảm, nỗi sợ hãi sẽ giảm đi và sự tự tin sẽ tăng lên.

Picture1
Ảnh minh hoạ của The Epoch Times

Bà Warrel lý giải rằng, việc sẵn sàng đối mặt với rủi ro bất chấp sự không chắc chắn có thể định hình toàn bộ quỹ đạo của chúng ta, vì thành công trong cuộc sống tỷ lệ thuận với việc sẵn sàng chấp nhận thử thách.

Bà cho biết, “Khoảng cách [dũng cảm] là khoảng cách giữa con người hiện tại của chúng ta và con người mà chúng ta có thể trở thành nếu chúng ta liên tục rèn luyện lòng dũng cảm”.

Trong ngắn hạn, việc tránh rủi ro mang lại cảm giác an toàn. Về lâu dài, nó hạn chế chúng ta, hạn chế tiềm năng và sự tự do của chúng ta.

Lòng dũng cảm được đền đáp

Lòng dũng cảm mang lại những lợi ích có thể đo lường được. Các nghiên cứu về doanh nhân cho thấy lòng dũng cảm góp phần nâng cao mức vốn tâm lý (PsyCap) – sự kết hợp giữa sự tự tin, hy vọng, lạc quan và khả năng phục hồi.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, những doanh nhân có lòng dũng cảm có chỉ số PsyCap cao hơn và thường báo cáo về mức độ hài lòng nhiều hơn đáng kể, ngay cả trong bối cảnh kinh doanh vốn thường có nhiều bất ổn. Hơn nữa, những doanh nhân này trải qua mức độ căng thẳng và lo lắng thấp hơn chứ không phải cao hơn so với dân số trung bình.

Lợi ích này không chỉ giới hạn ở những người sáng lập doanh nghiệp. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, lòng dũng cảm chiếm gần 1/4 sự khác biệt trong hiệu suất công việc.

Theo nghiên cứu được công bố trên European Journal of Investigation in Health, Psychology and Education (Tập san Nghiên cứu Sức khỏe, Tâm lý và Giáo dục Châu Âu), lòng dũng cảm giúp nhân viên giải quyết các thách thức, chủ động và đưa ra quyết định táo bạo. Nó cũng có lợi thế trong các tình huống xã hội, chẳng hạn như đưa ra phản hồi trung thực hoặc giải quyết xung đột, giúp thúc đẩy tinh thần đồng đội và năng suất.

Lòng dũng cảm cũng mang lại lợi ích trong môi trường học thuật. Trong một nghiên cứu lớn với hơn 7.600 học sinh trung học, hành vi dũng cảm có mối tương quan với thành tích học tập tốt hơn và sự kiên trì hơn khi đối mặt với khó khăn.

Người bạn đồng hành thân thiết của lòng dũng cảm

Bà Pury định nghĩa lòng dũng cảm là “chấp nhận rủi ro xứng đáng”. Bà chia sẻ câu chuyện về một gia đình dừng xe dọc theo xa lộ Bờ Tây, trèo lên vách đá để lấy lại chú gấu bông của đứa con đã bay ra ngoài cửa sổ.

Những gì bắt đầu như một rủi ro có vẻ dễ kiểm soát được đã nhanh chóng xảy ra, khiến cả hai cha mẹ bị mắc kẹt trên mép vách đá – cuối cùng phải gọi đến trực thăng cứu hộ. Giá trị của mục tiêu (lấy lại chú gấu bông) có thể không biện minh được cho những rủi ro thực tế đã xảy ra. Điều này phản ánh một khía cạnh khác của lòng dũng cảm: Mục tiêu và rủi ro cần được đánh giá lại một cách cẩn thận – và liên tục.

Ông Aristotle mô tả lòng dũng cảm là “mức trung dung” giữa sự hèn nhát và sự liều lĩnh. Theo ông Aristotle, người dũng cảm không chỉ sợ hãi một cách chính đáng mà còn tự tin vào những điều đúng đắn, theo đúng cách và vào đúng thời điểm.

“[Vì vậy,] lòng dũng cảm và trí tuệ nên là những người bạn tốt nhất của con người”, bà Pury nói.

“[Lòng dũng cảm] giống như học cách nướng bánh soufflé hoặc chơi đàn piano”, bà Warrell nói.

Đây là một kỹ năng có thể học được và có thể cải thiện được thông qua thực hành, tuy nhiên những nỗ lực ban đầu có thể khiến bạn cảm thấy gượng ép. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, việc bước vào phòng tập thể dục có thể khiến bạn sợ bị phán xét hoặc xấu hổ, và việc sắp xếp lại lối sống để hỗ trợ các thói quen lành mạnh hơn có thể liên quan đến rủi ro về mặt xã hội và tài chính. Nhưng khi bạn vượt qua được những thách thức đó, bạn sẽ học được rằng, sự kiên trì sẽ tạo nên sự tiến bộ. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và chấp nhận những rủi ro có thể kiểm soát được. Hãy thử công thức mới đó, bắt đầu cuộc trò chuyện khó khăn đó, lên tiếng trong cuộc họp đó và ứng tuyển vào công việc mơ ước đó.

Bà Pury khuyến khích bạn nên tự hỏi: “Tại sao tôi muốn điều này? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chấp nhận rủi ro này? Nếu tôi nhìn lại những gì mình đã làm, liệu tôi có tự hào về điều đó không?”

Theo thời gian, những hành động này sẽ xây dựng sự tự tin và sáng suốt, giảm bớt lo lắng và giúp chúng ta phân biệt được giữa điều gì thực sự có ý nghĩa và điều gì đơn thuần chỉ là hấp dẫn bề ngoài – theo thời gian, lòng dũng cảm sẽ tự nhiên tuôn trào.

Bà Warrell gợi ý nên xây dựng một cộng đồng ủng hộ xung quanh bạn – những người ủng hộ sự phát triển của bạn và tôn vinh lòng dũng cảm của bạn. Ghi lại những hành động dũng cảm của bạn trong nhật ký có thể đóng vai trò là bằng chứng về sự tiến bộ của bạn và phát triển bản sắc dũng cảm bên trong bạn. Khi bạn tự thấy mình dũng cảm, bạn sẽ ngày càng dũng cảm lên.

Từ đứa trẻ do dự khi đối mặt với bài kiểm tra đến doanh nhân đang mở ra con đường mới cho đến người ở phòng tập thể dục đang nỗ lực vượt qua sự thoải mái – mỗi bước đi dũng cảm sẽ thu hẹp khoảng cách giữa khát vọng và hiện thực.

“Chất lượng cuộc sống của bạn sẽ tăng lên theo mức độ dũng cảm mà bạn dành cho mọi quyết định”, bà Warrell viết.

Makai Allbert, theo The Epoch Times

Khánh Ngọc biên dịch