“Mất” xương khi nuôi con bằng sữa mẹ?
- Thanh Long
- •
Tình mẫu tử thật thiêng liêng, được thể hiện một cách kỳ diệu qua dòng sữa mẹ ngọt ngào, nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi con khôn lớn. Mặc dù quá trình cho con bú có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ thể mẹ, bao gồm cả việc mất một lượng canxi từ xương. Song, những phát hiện gần đây đã mang đến thông tin tích cực, giúp các bà mẹ hoàn toàn có thể yên tâm trên hành trình ý nghĩa này.
Mối liên hệ giữa nuôi con bằng sữa mẹ và mật độ xương
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận sự giảm mật độ xương ở phụ nữ trong thời gian cho con bú, đặc biệt là trong 6 tháng đầu. Điều này được giải thích là do cơ thể người mẹ phải huy động một lượng lớn canxi và phốt phát từ xương để sản xuất sữa, dưới sự điều phối của hormone PTHrP (peptide liên quan đến hormone tuyến cận giáp).
Một số kết quả từ các nghiên cứu ước tính rằng phụ nữ có thể mất từ 4-6% khối lượng xương trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là đây thường là sự mất xương tạm thời. Các nhà khoa học phát hiện rằng mật độ xương của người mẹ có xu hướng phục hồi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn sau khi cai sữa.
Cơ thể người mẹ cũng có những cơ chế bù trừ đáng chú ý trong thời gian cho con bú, bao gồm tăng cường hấp thụ canxi từ chế độ ăn uống và giảm bài tiết canxi qua nước tiểu. Thậm chí, hormone osteocalcin, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xương mới, còn có xu hướng tăng lên ở những bà mẹ cho con bú kéo dài.
Những bằng chứng mới
Mặc dù có sự sụt giảm mật độ xương tạm thời, các nghiên cứu lớn gần đây đã mang đến những tin tức tích cực cho các bà mẹ.
Một phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng việc cho con bú thực tế có thể làm giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương ở phụ nữ. Cụ thể, báo cáo cho thấy cứ mỗi tháng cho con bú, nguy cơ gãy xương do loãng xương giảm 0,9% và nguy cơ gãy xương hông giảm 1,2%.
Điều này cho thấy rằng, về lâu dài, những thay đổi sinh lý trong quá trình mang thai và cho con bú có thể mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe xương của phụ nữ.
Những trường hợp cần lưu ý
Tuy nhiên, các bà mẹ cũng cần lưu ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ loãng xương ngay cả khi không cho con bú. Những yếu tố này bao gồm tiền sử gia đình bị loãng xương, tiền sử rối loạn ăn uống, các bệnh lý tiêu hóa gây kém hấp thu, hoặc chế độ ăn uống thiếu hụt canxi và vitamin D. Trong những trường hợp này, việc theo dõi sức khỏe xương và có các biện pháp phòng ngừa phù hợp là rất quan trọng.
Một báo cáo tại Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng việc cho con bú kéo dài trên 37 tháng có thể liên quan đến mật độ khoáng xương thấp hơn ở cột sống thắt lưng và tỷ lệ loãng xương cao hơn. Điều này cho thấy thời gian cho con bú cũng có thể là một yếu tố cần được xem xét.
Lời khuyên cho các bà mẹ
Để bảo vệ sức khỏe xương trong và sau thời gian cho con bú, các bà mẹ nên:
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và giàu canxi: Bổ sung các thực phẩm giàu canxi như sữa và các sản phẩm từ sữa, rau xanh đậm, cá nhỏ nguyên xương, đậu và các loại hạt.
- Đảm bảo đủ vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Mẹ có thể tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc bổ sung vitamin D theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Vận động thường xuyên: Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là các bài tập chịu trọng lượng như đi bộ, có thể giúp duy trì và cải thiện mật độ xương.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe xương hoặc có các yếu tố nguy cơ loãng xương, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Mặc dù việc cho con bú có thể dẫn đến sự giảm mật độ xương tạm thời, các bằng chứng khoa học hiện tại cho thấy nó không làm tăng nguy cơ loãng xương về lâu dài, thậm chí còn có thể mang lại lợi ích bảo vệ.
Điều quan trọng là các bà mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, đồng thời theo dõi sức khỏe xương của mình để đảm bảo một thai kỳ và hành trình nuôi con khỏe mạnh.
Từ khóa loãng xương sữa mẹ
