Nếu không tới nấm mồ, vậy ý thức sẽ đi đâu?
- Đổng Vũ Hồng, Makai Allbert
- •
Nhiều chi tiết xác minh được từ người nhận nội tạng và người có trải nghiệm cận tử đã cung cấp thông tin cho các hướng dẫn y khoa, làm sáng tỏ bản chất của ý thức con người.
Đây là phần 2 trong “Ý thức đến từ đâu?” (Phần 1)
Loạt bài này đi sâu vào nghiên cứu của các bác sĩ y khoa nổi tiếng để khám phá những câu hỏi sâu sắc về ý thức, sự tồn tại và hơn thế nữa.
“Khi con ôm tôi, tôi có thể cảm nhận được con trai mình”, mẹ của Jerry kể lại. “Con đã ở đó”.
Khi Jerry được 16 tháng tuổi, bé đã gặp bi kịch chết đuối. Trái tim của cậu đã được ghép cho Carter, một cậu bé 7 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhiều năm sau, khi mẹ của Jerry, một bác sĩ và tự nhận là “người hoài nghi bẩm sinh”, gặp Carter, bà đã bị ấn tượng bởi những điểm tương đồng với con trai mình. Bà nhận xét: “Carter mới 6 tuổi, nhưng thằng bé nói tiếng trẻ con của Jerry và nghịch mũi tôi giống như Jerry đã từng làm”.
Mẹ của Carter cũng chứng kiến những hành vi phi thường ở con trai mình sau ca ghép tim. “Tôi thấy Carter đến chỗ bà ấy,” bà kể lại, ám chỉ đến mẹ của Jerry. “Nó không bao giờ làm thế. con rất, rất nhút nhát, nhưng con đến chỗ bà ấy giống như từng chạy đến chỗ tôi khi còn là một đứa trẻ. Khi bé thì thầm ‘Không sao đâu, mẹ ơi’, tôi đã suy sụp. Con đã gọi mẹ của mình”.
Phản ứng của Carter với cha của Jerry còn đáng kinh ngạc hơn nữa. “Khi chúng tôi cùng nhau đến nhà thờ, Carter chưa từng gặp cha của Jerry”, bà giải thích. “Chúng tôi đến muộn, và cha của Jerry đang ngồi với một nhóm người ở giữa giáo đoàn. Carter buông tay tôi và chạy thẳng đến chỗ người đàn ông đó. Con trèo lên đùi, ôm ông ấy và nói ‘Bố ơi.’ Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Làm sao con có thể biết ông ấy? Tại sao con lại gọi ông ấy là bố?”
Trường hợp của Carter đặt ra một câu hỏi đáng chú ý về bản chất của ý thức: Liệu ý thức có giới hạn ở não không? Một lượng lớn nghiên cứu y khoa lại cho thấy điều ngược lại, cho thấy ý thức có thể mở rộng đến các cơ quan khác, chẳng hạn như tim của chúng ta, và thậm chí vượt ra ngoài cơ thể ở trạng chuyển tiếp đặc biệt giữa sự sống và cái chết.
Một trái tim mới, một con người mới?
Paul Pearsall, một nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng tại Đại học Hawaii, cùng với Gary Schwartz và Linda Russek, từ khoa tâm lý và y học tại Đại học Arizona, Tucson, là những người đầu tiên ghi chép lại các trường hợp của Jerry và Carter.
Nghiên cứu của họ dựa trên hơn 74 trường hợp ghép tạng, bao gồm 23 ca ghép tim, được Pearsall theo dõi trong khoảng thời gian 10 năm. Ông phát hiện ra người nhận nội tạng đôi khi có những đặc điểm của người hiến tặng, bao gồm sở thích, cảm xúc, đặc điểm tính cách, ký ức và thậm chí là các khía cạnh về nhân dạng. Thiết kế nghiên cứu của Pearsall rất kỹ lưỡng, kết hợp các cuộc phỏng vấn với người nhận ghép tạng, vòng tròn xã hội của họ và những người liên hệ thân thiết với người hiến tặng.
Các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết các quan sát chính từ 10 cặp bệnh nhân chia sẻ trải nghiệm của họ về những thay đổi tính cách sau khi cấy ghép nội tạng, bao gồm trường hợp của “Danielle”.
Danielle, một cô gái 18 tuổi, đã được ghép tim từ một chàng trai 18 tuổi tên là Paul. Trước khi ghép tim, Danielle không có năng khiếu âm nhạc. Tuy nhiên, sau khi nhận được trái tim của Paul, cô đã có tình yêu sâu sắc với âm nhạc và cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ muốn chơi guitar – loại nhạc cụ mà Paul đã chơi.
Khi Danielle gặp gia đình Paul, cô ấy kể rằng đã cảm thấy có một mối liên hệ sâu sắc, cô nói, “Tôi đã biết anh ấy [Paul] ngay lập tức”.
Một trường hợp nổi bật khác là Claire Sylvia, người đã viết cuốn “A Change of Heart” (Sự đổi thay của trái tim), một hồi ký về những trải nghiệm của cô sau khi ghép tim. Cô viết rằng đã có cơn thèm ăn bất ngờ sau khi ghép tim. Là một “vũ công có ý thức về sức khỏe”, Sylvia đột nhiên có “cơn thèm không thể kiểm soát” đối với gà viên, một món ăn mà trước đây cô ấy không thích. Cơn thèm ăn này sau đó được phát hiện là trùng khớp với sở thích của người hiến tặng.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 1992 cho thấy trong số 47 bệnh nhân ghép tạng ở Úc, sáu phần trăm có những thay đổi rõ rệt về tính cách do nhận được trái tim mới.
Một nghiên cứu năm 2024 đã điều tra những thay đổi về tính cách của 23 người được ghép tim so với 24 người nhận các cơ quan khác, bao gồm thận, phổi và gan. Nghiên cứu cho thấy 89 phần trăm người nhận nội tạng đã trải qua những thay đổi về tính cách, mặc dù các tác giả không liên hệ những thay đổi này với các đặc điểm của người hiến tặng.
Kết quả còn cho thấy 47,8 phần trăm người nhận ghép tim đã trải qua ít nhất bốn thay đổi đáng kể về tính cách, còn với người nhận cơ quan khác tỷ lệ này là 25%.
Những thay đổi về tính cách bao gồm tham gia hoặc xem các hoạt động thể thao, thay đổi tính khí và sở thích về thực phẩm.
Các nghiên cứu khác nhau báo cáo những phát hiện khác nhau, có thể phát sinh từ sự khác biệt trong thiết kế và phương pháp nghiên cứu. Cần lưu ý rằng một số báo cáo không có sự thay đổi về tính cách sau khi cấy ghép.
Bộ não trái tim
Tiến sĩ Mitchell B. Liester, phó giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần học thuộc Trường Y khoa Đại học Colorado, đưa ra giả thuyết rằng trong quá trình cấy ghép tim, ý thức hoặc ký ức của người hiến tặng lưu trữ trong cơ quan này có thể được chuyển sang người nhận.
Ông cho rằng người nhận có thể tiếp thu các đặc điểm tính cách từ người hiến tặng thông qua trí nhớ tế bào, mà ông phân loại thành sáu loại: ngoại di truyền, DNA, RNA, trí nhớ protein, dây thần kinh tim và năng lượng điện từ.
Về mặt giải phẫu, hệ thần kinh của tim có sự tương đồng đáng kinh ngạc với hệ thần kinh của não. Cả hai hệ thống đều có cấu trúc phức tạp, chia sẻ các chất dẫn truyền thần kinh tương tự và thể hiện khả năng thích ứng theo thời gian. Do những điểm tương đồng này, tim thường được gọi là bộ não trái tim.
Y học cổ truyền Trung Quốc, với lịch sử 5.000 năm, có một câu ngạn ngữ tương tự: “Trái tim làm chủ tâm trí và tinh thần”, ám chỉ rằng trái tim của chúng ta là một phần của ý thức.
Có những lời giải thích khác cho các thay đổi về tính cách, chẳng hạn như tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch, căng thẳng của ca phẫu thuật và sự trùng hợp thống kê. Những điều này có thể giải thích một số trường hợp, nhưng không đủ để giải thích những ca mà người hiến tặng và người nhận có mức độ tương đồng cao.
Tiến sĩ Eben Alexander, cựu bác sĩ phẫu thuật thần kinh và giáo sư tại Trường Y Harvard, đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, “Xem xét đây như một ‘ý thức của trái tim’ là hoàn toàn hợp lý.”
Ông nói thêm rằng việc giới hạn ý thức chỉ ở tim hoặc não có thể không phải là bức tranh toàn cảnh. Các cơ quan đóng vai trò như “một máy thu phát, một bộ lọc”, ông nói. “Cơ thể vật lý của chúng ta chỉ là một cách thể hiện ý thức này”.
Quan điểm của Giáo sư Alexander tương đồng với Tiến sĩ Larry Dossey, cựu giám đốc nhân sự tại Bệnh viện Medical City Dallas, người cho rằng ý thức không phải chỉ cục bộ—không giới hạn ở những vị trí cụ thể như tim hay não.
Đặc biệt, khi cả tim và não đều không hoạt động, ý thức vẫn có thể tồn tại.
Ngoài cơ thể
Một trường hợp hấp dẫn do cựu bác sĩ tim mạch là Tiến sĩ Michael Sabom báo cáo, liên quan đến Pam Reynolds (bút danh) 35 tuổi, người đã trải qua phẫu thuật não để điều trị phình động mạch. Để đảm bảo ca phẫu thuật thành công, tất cả máu đã được rút khỏi não và thậm chí tim cũng ngừng đập.
Trong quá trình phẫu thuật, không có sóng điện não đồ và thân não không có hoạt động. Ngoài ra, cô đã được gây mê sâu, với nhiệt độ cơ thể hạ xuống còn 15.5 độ C. Theo tất cả các định nghĩa lâm sàng, cô đã hoàn toàn mất ý thức.
Tuy nhiên, như được kể lại sau đó trong cuốn sách “Ánh sáng và cái chết” của Sabom, ngay sau khi bắt đầu ca phẫu thuật, Pam nghe thấy tiếng vo ve và cảm thấy như thể cô ấy đã rời khỏi cơ thể mình, cuối cùng quan sát ca phẫu thuật từ một điểm quan sát cao hơn như thể cô ấy đang ngồi trên vai của bác sĩ phẫu thuật.
Sau ca phẫu thuật, cô đã kể lại một số chi tiết sống động. Cô đã mô tả chính xác những công cụ mà bác sĩ phẫu thuật thần kinh sử dụng để mở hộp sọ và có thể kể lại cuộc trò chuyện giữa các nhân viên y tế. Cô khẳng định đã nghe thấy bài hát “Hotel California” mặc dù đã có một thiết bị 100 decibel đưa vào tai cô, khiến não không thể hoạt động. Tất cả các quan sát của cô sau đó đã được đội ngũ y tế xác minh.
Tiến sĩ Pim van Lommel, một bác sĩ tim mạch người Hà Lan, đã báo cáo một trường hợp khác tại Hà Lan trên tạp chí The Lancet vào năm 2001.
Một người đàn ông 44 tuổi đã bị ngừng tim và hôn mê. Trong quá trình hồi sức, một y tá đã tháo răng giả của bệnh nhân và đặt chúng lên một chiếc xe đẩy gần đó. Vài giờ sau, đội ngũ y tế đã thành công hồi phục lại nhịp tim của người đàn ông.
Một tuần trôi qua trước khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh lại. Khi nằm trên giường bệnh, anh ấy nhận thấy các nhân viên đang tìm kiếm thứ gì đó. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh đột nhiên nói, “Cô ấy biết răng giả của tôi ở đâu”, và chỉ vào một trong những y tá. Anh ấy nhớ chính xác rằng răng giả đã được cất vào một ngăn kéo trượt bên dưới xe đẩy.
Không phải là trải nghiệm hiếm gặp
Những hiện tượng này gọi là “trải nghiệm cận tử” hay NDE và đã được nhiều người thuật lại một cách sống động trong những khoảnh khắc tử vong lâm sàng hoặc cực kỳ nguy hiểm.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Sam Parnia và các đồng nghiệp đã kiểm tra 2.060 trường hợp ngừng tim và phát hiện ra rằng ở 9% số bệnh nhân, ý thức vẫn hoạt động ngay cả khi tim đã ngừng đập. Cứ 10 người thì có 1 người đã trải nghiệm cận tử, cho thấy hiện tượng này không phải là hiếm.
Tương tự, tác giả van Lommel báo cáo rằng 18 phần trăm trong số 344 bệnh nhân được hồi sức sau khi ngừng tim đã báo cáo những trải nghiệm sống động.
Một điểm khá thường gặp trong trải nghiệm cận tử là cảm giác “tách biệt ý thức khỏi cơ thể vật lý”, thường được gọi là “trải nghiệm thoát xác”. Những sự kiện như vậy đã được 13% người trải nghiệm cận tử trong nghiên cứu của Parnia và 24% người trong nghiên cứu của van Lommel báo cáo.
Những cá nhân này mô tả rằng họ trôi nổi bên ngoài cơ thể và quan sát các chi tiết xung quanh, nhiều chi tiết trong số đó được nhân viên y tế xác minh độc lập, chẳng hạn như trường hợp của Pam.
Độ chính xác vượt trội
Tiến sĩ Janice Holden đã tập trung nghiên cứu vào ý nghĩa của những trải nghiệm cận tử, giao tiếp sau khi chết và các trải nghiệm siêu cá nhân khác. Bà đã tiến hành phỏng vấn 93 bệnh nhân từng trải qua những tình huống cận tử. Bà yêu cầu người tham gia mô tả quan sát của họ về các sự kiện xảy ra xung quanh. Sau đó, nhân viên bệnh viện đã xác minh độ chính xác của những quan sát này.
Kết quả cho thấy 92,5 phần trăm các quan sát là hoàn toàn chính xác, nghĩa là chúng khớp với các sự kiện thực tế do nhân viên bệnh viện xác nhận. Ngoài ra, 6,5 phần trăm các quan sát gần như chính xác, tức là mặc dù hầu hết là chính xác, nhưng vẫn có những điểm khác biệt nhỏ. Chỉ có 1,1 phần trăm các quan sát được coi là không chính xác, tương ứng với một bệnh nhân trong nghiên cứu.
Tiến sĩ Jeffrey Long, một bác sĩ chuyên khoa xạ trị ung thư đang hành nghề tại Kentucky, đã nghiên cứu về NDE trong 25 năm. Trong cuốn sách của mình, “Bằng chứng về thế giới bên kia: Khoa học về trải nghiệm cận tử”, Tiến sĩ Long đã mô tả một cuộc khảo sát 617 người trải nghiệm cận tử, trong số đó có 46,5% ngừoi mô tả trải nghiệm thoát xác. Trong số những trải nghiệm này, 97,6% quan sát đã được xác minh là có thật.
“Khi họ kiểm tra những gì đã quan sát được sau sự kiện đe dọa tính mạng của mình, về cơ bản, nó luôn chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Tiến sĩ Long, người đã nghiên cứu hơn 4.000 trường hợp NDE, nói với The Epoch Times.
Ông cho biết, những điểm tương đồng, nhất quán và độ chính xác quan sát được trong các trải nghiệm cận tử sẽ khuyến khích chúng ta coi những nghiên cứu và hiện tượng này là các nghiên cứu khoa học chính thống.
Trong cuốn sách của mình, Sabom tuyên bố rằng ban đầu ông hoài nghi về NDE. Ông thậm chí còn bắt đầu bác bỏ chúng. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu, quan điểm của ông đã thay đổi.
Khoa học về cơ bản dựa trên nguyên tắc rằng sự thực được thiết lập thông qua các quan sát lặp đi lặp lại, có thể xác minh được. Với hàng ngàn trường hợp được báo cáo, NDE xứng đáng được khoa học xem xét nghiêm túc.
Đến những chiều không gian khác
Ngoài những trải nghiệm thoát xác, các tạp chí y khoa và bác sĩ nổi tiếng đã báo cáo lại các trường hợp du hành vượt ra ngoài thế giới vật chất hiện tại.
Trong nghiên cứu của van Lommel, 29% cá nhân có NDE báo cáo rằng ý thức của họ đã du hành vào các chiều không gian khác và trở về với những trải nghiệm sống động. Trong khi đó, 7% người tham gia trong nghiên cứu của Parnia báo cáo rằng họ dường như đã bước vào một thế giới siêu nhiên nào đó.
Alexander đã có hơn 25 năm kinh nghiệm làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, với 15 năm làm việc tại Bệnh viện Brigham và Phụ Nữ ở Boston, Bệnh viện Nhi và Trường Y Harvard ở Boston.
Vào sáng sớm ngày 10 tháng 11 năm 2008, Alexander rơi vào tình trạng hôn mê sâu do viêm màng não bởi vi khuẩn hiếm gặp. Các bác sĩ nói rằng ông “chỉ còn 2% cơ hội [sống sót] và không có cơ hội hồi phục”, ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.
Mặc dù tình trạng xấu đi nhanh chóng, ông đã tỉnh lại sau 7 ngày.
Trong tuần hôn mê, khi mạng sống của ông dần mất đi, Alexander đã có một trải nghiệm cực kỳ sống động. Theo hồi ức, ông cảm thấy mình được tái sinh thành một chất nguyên thủy, nhớt nháp, sau đó cưỡi trên cánh của một con bướm dẫn ông đến một cõi “hoàn toàn khác biệt về bản chất vĩnh cửu bên ngoài Trái đất”.
Thế giới mà ông nhìn thấy có những đám mây khổng lồ màu hồng và trắng, trong suốt, lấp lánh, di chuyển theo hình vòng cung trên bầu trời, để lại những vệt cầu vồng, ông nói với tờ The Epoch Times. Trong cuốn sách của mình, “Bằng chứng về Thiên đường: Hành trình của một bác sĩ phẫu thuật thần kinh vào thế giới bên kia”, Alexander đã giải thích thế giới này là thiên đường. Ông cũng mô tả cảm giác về tình yêu của Chúa và sự hiện diện của các thiên thần.
Tiến sĩ Mary C. Neal, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Nam California, đã báo cáo một trải nghiệm tương tự trong cuốn sách của bà “To Heaven and Back” (Tới Thiên Đàng và Trở Lại).
Năm 1999, trong một vụ tai nạn chèo thuyền kayak, Neal đã chết đuối và ý thức của cô dường như rời khỏi cơ thể, bước vào một cõi ánh sáng. Ở đó, cô đã gặp những sinh mệnh tâm linh và nhìn lại, chiêm nghiệm cuộc đời đã qua của mình.
Trong “Hướng dẫn và tiêu chuẩn nghiên cứu về tử vong và trải nghiệm hồi tưởng về tử vong” của Tiến sĩ Sam Parnia và một nhóm chuyên gia y tế, bao gồm các nhà khoa học thần kinh, chuyên gia chăm sóc đặc biệt, bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học từ Đại học Harvard, Đại học Baylor, Đại học California, Riverside và Đại học Virginia, đã tổng kết rằng các trải nghiệm cận tử tuân theo một mô hình tương tự nhau một cách đáng kinh ngạc.
Một số nhà khoa học đã đề xuất những lời giải thích khác cho những trải nghiệm này, như đã nêu chi tiết trong bài viết trước.
‘Phi vật lý’
Cả phẫu thuật ghép tim và trải nghiệm cận tử đều cho thấy sự lưu động đáng kể của ý thức. Ý thức của con người có thể là một thực thể tự do di chuyển trong cơ thể chúng ta. Ý thức có thể di chuyển đến trái tim chúng ta, di chuyển ra ngoài cơ thể chúng ta và thậm chí di chuyển đến các chiều không gian khác mà mắt người không thể nhận thấy.
“Giống như cầu vồng, bạn có thể thấy là thật, nhưng bạn không thể chạm tới”. Tiến sĩ Peter Walling từ Trung tâm Y tế Đại học Baylor đã nói với The Epoch Times.
Tiến sĩ Long chia sẻ rằng nếu mọi người thực sự hiểu được rằng có bằng chứng áp đảo về sự tồn tại của ý thức độc lập với cơ thể, “thì rất dễ chấp nhận rằng chúng ta thực sự là những sinh vật bất diệt có sự tồn tại vật lý trên trái đất, nhưng trạng thái thực sự cao hơn của chúng ta là phi vật lý và trong ý thức phi vật lý đó.”
Bất kể ý thức có thể du hành đến đâu, nó phải có nguồn gốc—một điểm khởi đầu.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá nguồn gốc của ý thức con người thông qua lăng kính nghiên cứu y học và khoa học.