Nghiên cứu mới: Chứng sa sút trí tuệ hiếm gặp ảnh hưởng đến khả năng đồng cảm
- George Citroner
- •
Nghiên cứu đã khám phá ra cách chứng sa sút trí tuệ tiền đình thái dương ảnh hưởng đến hoạt động của não và khả năng đồng cảm, từ đó đưa ra những hiểu biết mới về tình trạng thần kinh phức tạp này.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cách mà chứng sa sút trí tuệ tiền đình thái dương (FTD) làm thay đổi cơ bản khả năng đồng cảm của con người, tiết lộ những hiểu biết mới về tình trạng có thể xảy ra ở những người tuổi đời chỉ mới 40.
Nghiên cứu mới của Thụy Điển, được công bố vào ngày 3/12 trên JAMA Network Open (Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), cho thấy những bệnh nhân mắc chứng FTD (một chứng rối loạn não tiến triển ảnh hưởng đến thùy trán và thái dương) có các cơ chế hoạt động não khác thường khi quan sát nỗi đau của người khác. Thùy trán và thuỳ thái dương là những vùng quan trọng đối với tính cách, hành vi và ngôn ngữ.
Ông Olof Lindberg, một nhà nghiên cứu về não bộ và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố báo chí: “Điều đặc biệt thú vị là chúng ta có thể tìm được sự liên quan giữa phương thức hoạt động của não với mức độ thiếu đồng cảm của các bệnh nhân thông qua người chăm sóc. Hóa ra là có một mối tương quan mạnh mẽ và điều đó rất quan trọng. Nó cho thấy những gì xảy ra trong não có liên quan đến hành vi của mọi người”.
Chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến cả những người trẻ tuổi
Mặc dù FTD chiếm khoảng 20% trong số các ca sa sút trí tuệ nhưng không giống như các loại bệnh não tiến triển khác, FTD phổ biến nhất ở những người dưới 60 tuổi.
Các triệu chứng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 40 đến 65. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở cả người lớn tuổi và trẻ tuổi, nam giới và nữ giới đều có nguy cơ như nhau.
Một dạng của FTD, được gọi là chứng sa sút trí tuệ tiền đình thái dương biến thể hành vi (bvFTD), được đặc trưng bởi tình trạng mất khả năng đồng cảm nghiêm trọng – một triệu chứng ban đầu và cốt lõi. bvFTD là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng sa sút trí tuệ ở những người dưới 65 tuổi và là nguyên nhân gây ra khoảng một nửa số ca FTD.
Những bệnh nhân mắc bvFTD thường phản ứng kém với cảm xúc của người khác, thiếu hứng thú xã hội và có biểu cảm khuôn mặt vô cảm. bvFTD cũng có thể dẫn đến những bình luận vô cảm hoặc hành vi ích kỷ.
Bệnh nhân thiếu sự đồng cảm đối với nỗi đau của người khác
Nghiên cứu mới tập trung vào việc phát triển những hiểu biết sâu hơn về bvFTD.
Các nhà nghiên cứu Lindberg từ Viện Karolinska và Alexander Santillo của Đại học Lund đã phân tích hoạt động não bộ của 28 bệnh nhân FTD được chẩn đoán bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) – một loại hình chụp não không xâm lấn phổ biến, được sử dụng để đo hoạt động của não bằng cách phát hiện những thay đổi liên quan đến lưu lượng máu – với 28 người đối chứng khỏe mạnh.
Cuộc kiểm tra của họ tập trung vào phản ứng của bệnh nhân đối với hình ảnh bàn tay bị kim đâm, một kích thích có thể kích hoạt các vùng não liên quan đến quá trình xử lý nỗi đau và sự đau khổ. Bệnh nhân mắc bvFTD giảm phản ứng ở các vùng não liên quan đến quá trình xử lý sự đồng cảm.
Mặc dù chứng sa sút trí tuệ thường liên quan đến sự suy giảm trí nhớ, nhưng việc mất đi sự đồng cảm liên quan đến FTD có thể dẫn đến chẩn đoán sai thành các tình trạng tâm thần khác, chẳng hạn như bệnh lý tâm thần – một loại rối loạn nhân cách thể hiện sự thiếu đồng cảm, hối hận và ít hoặc không quan tâm đến các chuẩn mực xã hội.
Ông Lindberg nhấn mạnh rằng, những hiểu biết mới về hoạt động của não có thể nâng cao sự hiểu biết về căn bệnh phức tạp này.
“Nghiên cứu này đã nắm bắt được một triệu chứng quan trọng ở bệnh nhân và với sự thiếu đồng cảm thì việc hoà nhập với xã hội sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nó có thể ảnh hưởng đến quyết định là có nên chăm sóc các bệnh nhân sa sút trí tuệ tại nhà hay không”, ông lưu ý trong thông cáo báo chí.
Nguyên Khang biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa sa sút trí tuệ Đồng cảm