Nghiên cứu mới của Hàn Quốc: Gừng giúp xương chắc khỏe
- Thiệu Diệc
- •
Ngoài việc được sử dụng rộng rãi như một loại gia vị, gừng còn có lịch sử lâu đời trong việc giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh. Một nghiên cứu gần đây ở Hàn Quốc cho thấy vị cay của gừng có thể giúp xương chắc khỏe.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Jang Won-koo, tại Khoa Kỹ thuật sinh học Đại học Daegu, Hàn Quốc, đã đăng một bài báo trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc vào ngày 4/10. Nội dung bài viết chỉ ra rằng, thành phần cay zingerone của gừng có thể thúc đẩy sự phân hóa tế bào và hình thành xương, giúp xương chắc khỏe.
Nghiên cứu đã xác nhận sự gia tăng biểu hiện của các gen biệt hóa trong nguyên bào xương (tế bào tạo xương) cũng như cơ chế truyền tín hiệu nội bào thông qua xử lý bằng zingerone. Ngoài ra, vai trò của zingerone trong việc thúc đẩy sự hình thành xương cũng đã được tìm thấy trong các mô hình động vật.
Giáo sư Jang Won-goo hiện đang sở hữu một số bằng sáng chế tại Hàn Quốc về lĩnh vực nghiên cứu các thành phần có thể ăn được của gừng mang lại hiệu quả đối với sự chắc khỏe của xương. Ông cho biết, có nhiều thành phần khác nhau trong gừng, trong đó zingerone có tác dụng thúc đẩy sự chắc khỏe của xương, vì vậy cần phải tiến hành nghiên cứu và phát triển thêm.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều một lúc để tăng độ cay, bạn sẽ gặp một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, ông không khuyến khích việc tăng tiêu thụ gừng quá nhiều trong mỗi lần.
Ông cho rằng không chỉ gừng mà có rất nhiều nguyên liệu tạo ra vị cay giúp tăng cường sức khỏe và hình thành xương. Nếu các phương pháp khác như tiêm hoặc miếng dán được sử dụng tốt hơn là thực phẩm, thì có thể tiến hành nghiên cứu ứng dụng trên những bệnh nhân bị loãng xương hoặc gãy xương trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu của nhóm ông đã được công bố vào đầu tháng này trên ấn bản trực tuyến của tạp chí học thuật quốc tế trong lĩnh vực sinh lý học và dược học Clinical and Experimental Pharmacology and Physiology.
Ngoài ra, vào năm 2018, trên một bài báo liên quan đã được xuất bản trong tạp chí học thuật quốc tế In Biochem Biophys Res Commun, nhóm nghiên cứu cũng đã xác nhận cơ chế mà piperine, một thành phần cay của hạt tiêu, cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình biệt hóa nguyên bào xương thông qua hoạt động của AMP-active protein kinase.
Sự hiểu biết của người cổ đại đối với tác dụng chữa bệnh của gừng
Ở nước ta, cũng như các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, gừng đã được sử dụng hàng ngàn năm như một loại thực phẩm và thuốc thảo dược cho sức khỏe.
Ở Trung Quốc từ xa xưa, gừng đã được dùng làm thuốc và gia vị. Hơn 2.500 năm trước, triết gia Khổng Tử đã sống đến 73 tuổi, được xem là rất thọ vào thời cổ đại, bởi vì vào thời đó tuổi thọ trung bình rất thấp. Khi các thế hệ sau nghiên cứu về bí quyết trường thọ của ông, họ kết luận rằng ngoài việc tự kiềm chế bản thân thông qua “tu thân”, “tu tâm” và không bao giờ buông thả dục vọng, thì ông còn chú ý đến việc dùng gừng để giữ gìn sức khỏe.
Trong cuốn sách ‘Luận Ngữ’ của ông có đoạn: “Bất triệt khương thực, bất đa thực” ý là, mỗi bữa nên ăn chút gừng, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều.
Y học Trung Quốc rất coi trọng gừng. Trong tác phẩm ‘Bản thảo cương mục’, của đại danh y thời nhà Minh là Lý Thời Trân, đã từng ca ngợi gừng như sau: “Gừng có vị cay mà không huân, có thể trấn tà và trừ ác, ăn sống, nấu chín, tương, dấm, tao, muối, sắc mật, đều được; có thể ăn cũng có thể làm thuốc, nhiều lợi ích như vậy.”
Là một vị thuốc Đông y, gừng có tác dụng làm toát mồ hôi và giải biểu, làm ấm giảm nôn, làm ấm phổi giúp giảm ho và làm thuốc giải độc. Phù hợp với cảm ngoại phong hàn, nhức đầu, nhiều đờm, ho, lạnh bụng và nôn mửa. Sau khi gặp băng tuyết, ẩm ướt, nhiễm lạnh, cần khẩn cấp uống canh gừng để tăng tuần hoàn máu, xua tan tà lạnh.
Dược học hiện đại tin rằng gừng có tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư, chống oxy hóa và chống lão hóa. Thành phần cay độc đáo của nó “Gingerol” có thể điều trị hiệu quả chứng đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy do ăn thức ăn lạnh, và giúp giảm nôn mửa. Ngoài ra, gừng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy quá trình tiết dịch tiêu hóa; gingerol còn chứa dầu dễ bay hơi nên có tác dụng lợi mật mạnh.
Từ khóa vị cay củ gừng chắc xương