Người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ sinh con sau khi được cấy ghép tử cung
- Thành Đô
- •
Lần đầu tiên ở Mỹ, một phụ nữ được cấy ghép tử cung đã sinh con. Mẹ tròn con vuông, cô đã sinh đứa bé ở Trung tâm Y tế Đại học Baylor tại thành phố Dallas, bang Texas, Hoa Kỳ.
Ca cấy ghép tử cung ấn tượng
Trong chương trình thử nghiệm, đây là lần đầu tiên bệnh viện Baylor thành công trong việc cấy ghép tử cung. Điều này nghĩa là họ có thể giúp những phụ nữ không có tử cung hoặc tử cung không hoạt động, có hi vọng mang thai và sinh con.
“Chúng tôi đã đón chờ giây phút này từ rất lâu, tôi nghĩ mọi người đều mừng rơi nước mắt khi đứa bé chào đời. Tôi cũng đã khóc,” Liza Johannesson, bác sĩ sản khoa và phụ khoa phẫu thuật cấy ghép tử cung tại Baylor nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Time.
Theo ông Giuliano Testa, một trong những người đứng đầu ngành trong phẫu thuật cấy ghép tử cung, đây là loại cấy ghép khác biệt và khó nhất. Ông nói: “Chúng tôi đã làm rất nhiều phẫu thuật cấy ghép, nhưng loại này thì khác. Tôi đã đánh giá thấp tác động của loại cấy ghép này lên phụ nữ. Đó là điều chỉ có thể hiểu bằng cảm xúc, không thể nói thành lời.”
Cô Taylor Siler là người đã hiến tử cung của mình trong ca phẫu thuật này. Cô là một y tá tại Dallas và đã có con cái, do vậy cô muốn gửi quà tặng cuộc sống này tới người khác. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể giúp được nhiều người hơn trong việc này, thì đó là một điều rất tuyệt vời,” cô chia sẻ với thời báo Time.
Các bác sĩ cần 5 giờ để tách tử cung khỏi cơ thể người cho và 5 giờ nữa để cấy lên cơ thể người nhận. Các nhà nghiên cứu dùng tử cung của cả người sống và người đã chết. Cho đến nay, bệnh viện Đại học Baylor đã hoàn tất 8 ca phẫu thuật cấy ghép tử cung. Và mặc dù 3 ca bị thất bại nhưng bệnh viện Baylor cho biết hiện đang có một người phụ khác với tử cung được cấy ghép đang mang thai.
Theo thống kê, hiện có khoảng 13.500 phụ nữ Mỹ bẩm sinh không có tử cung; 15,4% phụ nữ hoàn toàn không có khả năng sinh sản trong độ tuổi mang thai, nghĩa là hoàn toàn không có tử cung hoặc tử cung không hoạt động.
Trên thế giới, Thụy Điển đã phẫu thuật thành công 7 ca cấy ghép tử cung, nhờ đó các bà mẹ đã sinh ra được 5 đứa trẻ.
>> Ghép đầu ở Trung Quốc: Ai sẽ ‘tự nguyện’ hiến cả thân xác cho mục đích y học?
Tương lai của ngành sản khoa
Mặc dù đã có được những thành công nhất định, vẫn còn một chặng đường dài. Năm ngoái, ở bệnh viện Cleverland, một ca ghép tử cung đầy hứa hẹn đã thất bại, và các bác sĩ phải loại bỏ tử cung này. Thất bại này là rất lớn nhưng có thể nó đã giúp các bác sĩ rút kinh nghiệm cho các nghiên cứu sau này.
Hầu hết các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu này bị hội chứng thiếu tử cung (Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser), và nghĩ rằng cả đời sẽ không thể có con nữa.
Ngoài những tiến bộ trong việc cấy ghép tử cung, còn có những bước tiến trong việc tạo tử cung ngoài cơ thể. Vẫn chưa biết nó sẽ phát triển thế nào trong tương lai, nhưng hiện nay kỹ thuật này đã được áp dụng thành công với cừu.
Cũng có thể sau này người ta sẽ chế tạo thành công tử cung nhân tạo cho người. Hiện giờ việc cấy ghép tử cung rất đắt, chi phí là khoảng 500.000 đô la. Ngoài ra công ty bảo hiểm cũng không chi trả nếu xảy ra rủi ro. Sẽ cần một khoảng thời gian nữa thì kỹ thuật này mới trở nên phổ biến hơn với chi phí thấp hơn.
Theo Futurism,
Thành Đô
Xem thêm:
Từ khóa Cấy ghép nội tạng cấy ghép tử cung