Nguyên nhân khiến trí nhớ kém đi và những biện pháp khắc phục
- Minh Minh
- •
Bạn có hay làm mất chìa khóa xe hay quên tên người khác không? Dưới đây là những điều bạn cần biết về chứng mất trí nhớ, cũng như một số biện pháp đơn giản giúp bạn tăng cường sức khỏe não bộ.
1. Nguyên nhân khiến trí nhớ của bạn kém đi
– Lão hóa: Người lớn tuổi thường phải mất nhiều sức hơn để ghi nhớ một việc nào đó. Đây chỉ là một phần của quá trình lão hóa và không phá vỡ khả năng làm việc, sống độc lập hoặc duy trì đời sống xã hội của bạn.
– Suy giảm nhận thức nhẹ: Suy giảm nhận thức nhẹ (Mild Cognitive Impairment – MCI) là giai đoạn trung gian giữa suy giảm trí nhớ, nhận thức về già và tình trạng mất trí nhớ trầm trọng (dementia). Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ thường có các vấn đề về sự ghi nhớ, ngôn ngữ, suy nghĩ và sự quyết đoán nhiều hơn suy giảm trí nhớ bình thường do quá trình lão hóa. Nếu có các dấu hiệu kéo dài sau thì bạn có thể đã bị suy giảm nhận thức nhẹ:
+ Bạn thường xuyên quên mọi thứ hơn
+ Bạn quên các sự kiện quan trọng trong gia đình và công việc
+ Bạn mất khả năng ghi nhớ lại các cuộc đối thoại, hoặc các chi tiết của phim hay sách bạn đã đọc
+ Bạn cảm thấy khó khăn khi phải quyết định, lập kế hoạch để hoàn thành mục tiêu hay diễn giải tài liệu
+ Bạn thấy khó khăn khi tìm đường quanh khu bạn đang sống
+ Bạn trở nên hấp tấp hay chậm ra quyết định hơn
+ Bạn bè và gia đình bạn có để ý đến các thay đổi của bạn
– Sa sút trí tuệ: Bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến sự suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống xã hội hay làm việc bình thường của người bệnh. Dấu hiệu phân biệt của bệnh sa sút trí tuệ là việc mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán đây là bệnh sa sút trí tuệ nếu có hai hoặc nhiều chức năng nhận thức bị hư hại một cách đáng kể. Các chức năng nhận thức bị ảnh hưởng có thể bao gồm trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, việc thông hiểu thông tin, kỹ năng về không gian, khả năng phán đoán và chú ý. Người bị sa sút trí tuệ có thể gặp trở ngại về việc giải quyết vấn đề và kiểm soát các cảm xúc của mình. Họ cũng có thể trải nghiệm những sự thay đổi về cá tính. Các triệu chứng chính xác mà người bị sa sút trí tuệ trải nghiệm tùy thuộc vào khu vực não bộ bị hư hại do căn nguyên gây ra sa sút trí tuệ.
– Chấn thương đầu hoặc bệnh về não: Một chấn thương đầu do ngã hoặc tai nạn không làm bạn mất ý thức nhưng vẫn có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ. Tương tự như vậy, các bệnh về não – chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc khối u – có thể gây ra chứng mất trí nhớ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
– Thuốc và rượu: Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, một số loại thuốc huyết áp có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Lạm dụng rượu cũng làm suy giảm trí nhớ của bạn, kể cả khi bạn đã tỉnh táo và sinh hoạt bình thường.
– Thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là yếu tố tiên quyết để bạn có một bộ não khỏe mạnh. Đặc biệt sự thiếu hụt vitamin B12 (có tác dụng duy trì các tế bào thần kinh và tế bào hồng cầu khỏe mạnh) là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các vấn đề về trí nhớ.
– Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm: Khi một người đang chán nản, sẽ rất khó khăn để tập trung và nhớ lại nhiều thứ vì mối bận tâm của họ hiện tại là những cảm xúc tiêu cực kia. Trên thực tế, không ai có thể miễn nhiễm với trầm cảm. Trầm cảm có thể xảy ra ngay cả với trẻ con nếu chúng phải thường xuyên tiếp xúc với các tình huống căng thẳng.
– Suy giáp: Tuyến giáp hoạt động kém có thể gây ra chứng hay quên và các vấn đề nhận thức khác. Suy giáp cũng có thể dẫn đến giấc ngủ kém và trầm cảm, làm suy giảm trí nhớ của bạn.
– Thiếu ngủ: Ngủ là thời gian cho các tế bào và mô được phục hồi. Bên cạnh đó, sóng não được tạo ra khi bạn ngủ, đây là cơ chế quan trọng trong việc lưu trữ những kỷ niệm trong bộ não. Các sóng não cũng có thể chuyển những kỷ niệm này đến vỏ não trước trán, đó là nơi lưu trữ giống như các “cửa hàng ký ức” trong thời gian dài. Khi bạn không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ), những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán, tình trạng này dẫn đến sự lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Vì vậy, người lớn nên dành ít nhất 7-8 giờ mỗi ngày để ngủ nhằm cải thiện trí nhớ và ngăn chặn sự suy giảm nhận thức.
2. Những biện pháp giúp cải thiện trí nhớ
– Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ làm tăng lưu lượng máu lên não giúp bạn duy trì tinh thần thoải mái. Mặc dù có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao khác nhau, nhảy là lựa chọn số một nếu bạn muốn tăng cường sức khỏe cho não. Các bài học khiêu vũ thường xuyên sẽ cải thiện đáng kể chức năng não bằng cách giúp tăng cường các kết nối thần kinh. Chưa kể sự tương tác giữa nhóm bạn học nhảy cũng giúp bạn vui vẻ hơn.
– Tập luyện tinh thần: Cách đơn giản nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần là chơi trò chơi. Bạn hãy rèn luyện thói quen chơi đố ô chữ, chơi cờ vào cuối tuần.
– Ăn thực phẩm tốt cho não: Cá mòi, quả óc chó, dầu ô liu, quả mọng, cà phê, rau bina, socola đen, quả bơ, lúa mì, củ cải đường, tỏi.
– Hòa nhập với xã hội: Tham gia các hoạt động cộng đồng cũng giữ cho bộ não của bạn hạnh phúc và khỏe mạnh. Tương tác xã hội giúp giảm bớt trầm cảm và căng thẳng, từ đó góp phần đẩy lùi chứng mất trí nhớ. Bạn có thể bắt đầu với một nhóm đọc sách, làm vườn, học nhảy hoặc board game.
– Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng vì nhiều lý do – giấc ngủ báo hiệu cơ thể bạn giải phóng hormon và các hợp chất giúp quản lý cơn thèm ăn (có lợi cho những người hay ăn vặt giữa đêm), duy trì hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện trí nhớ. Ngoài việc điều chỉnh chức năng miễn dịch và sự thèm ăn, ngủ cũng giúp bảo vệ và tăng cường trí nhớ. Có một giấc ngủ tốt hỗ trợ quá trình lưu giữ bộ nhớ, những người có thói quen ngủ kém thường gặp khó khăn khi tiếp thu các thông tin mới, và nhớ lại các thông tin cũ. Giấc ngủ tốt giúp cải thiện tư duy sáng tạo và trí nhớ dài hạn.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa mất trí nhớ suy giảm trí nhớ nâng cao trí nhớ