Tin thầy lang “cào dại”, bé trai 7 tuổi ở Quảng Nam tử vong
- Minh Sơn
- •
Gần một tháng kể từ khi bị chó cắn vào tay, gia đình không đưa cháu đi tiêm phòng mà tới thầy lang ở thành phố đoán bệnh, cháu bé 7 tuổi ở Quảng Nam bắt đầu phát bệnh dại, nửa tháng sau tử vong tại nhà.
Ngày 31/10, theo tin từ Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nạn nhân mới nhất mắc bệnh dại do chó cắn dẫn đến tử vong là cháu Nguyễn Hữu Th. (SN 2017, ở khối Thanh Quýt 4, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn).
Theo lời kể của người nhà và nhà trường, khoảng 14h ngày 13/9, khi đi học ở Trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống (ở khối Thanh Quýt 3, phường Điện Thắng Trung), cháu Th. bị chó hoang vào trường cắn vào tay.
Cháu Th. được giáo viên trong trường rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối; đồng thời báo tin cho gia đình và tư vấn đưa cháu đi tiêm chủng để phòng bệnh. Nhưng người nhà không đưa cháu bé đi tiêm phòng mà dẫn đến nhà thầy lang ở TP. Đà Nẵng chữa trị .
Đến ngày 10/10, cháu Th. có các triệu chứng sốt, sốt kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần. Người nhà đưa cháu Th. vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam điều trị. Tại bệnh viện, bệnh nhân có sốt, nôn, kèm theo sưng nề lưỡi, rối loạn hành vi trẻ cắn lưỡi bên trái.
Ngày 11/10, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt, sợ ánh sáng và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Cháu Th. được chuyển ra Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng, lấy mẫu xét nghiệm lần 1 vào ngày 11/10, kết quả âm tính ngày 16/10.
Ngày 22/10, tiếp tục lấy mẫu lần 2, cho kết quả nghi ngờ. Đến sáng 26/10, bệnh nhân được lấy mẫu lần 3 cho kết quả dương tính. Đến trưa 26/10, bệnh nhân được đưa về nhà và tử vong tại nhà.
Cũng trong sáng 13/9, con chó nói trên cắn anh Lê Tự T. (SN 1997), sống ở gần Trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống. Sau đó, anh T. đã tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng dại.
Theo Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, con chó dại nói trên là chó hoang, không được xích nhốt, không rọ mõm, đã cắn ít nhất 2 người và chạy rông ngoài đường, hiện chưa rõ tung tích.
Trong căn nhà riêng vào chiều 31/10, nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ, cả mẹ cháu Th. cùng nhiều người thân nói rằng lâu nay mọi người ở quê vẫn tìm tới “thầy lang cào dại” mỗi khi bị chó cắn. Chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với đi viện (mẹ cháu Th. trả cho thầy lang – bà V. ở gần chợ Lệ Trạch, TP. Đà Nẵng 50.000 đồng). Theo cách chữa này, “thầy lang” dùng một vật cứng rồi cào lên vết thương nhiều lần. Sau đó, dùng một hạt nhỏ giống như hạt đậu ép lên vị trí vừa cào. Nếu hạt bám chặt vào vết thương là có bệnh dại, nếu không dính vào thì không có bệnh dại. Với cháu Th., sau khi thầy lang “cào dại”, hạt không dính vào, bà lang nói trong người cháu T. “không có mầm bệnh dại”. Ông ngoại của cháu Th. – người hối thúc mẹ cháu đưa đi thầy lang nói vì cháu Th. vốn chậm nói, không được lanh lẹ nên cả nhà lo nếu tiêm vắc xin sẽ khiến trí não cháu đã chậm lại chậm hơn. Mẹ cháu Th. cho hay cháu Th. chậm nói, trí não kém linh hoạt, thường ngày rất thích ôm chó, mèo. |
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Vi rút dại thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao, gần như 100%.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước thông thường, với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Từ khóa Bệnh dại tử vong vì bệnh dại chó dại