Nhóm máu và sức khỏe tim mạch: Người không phải nhóm máu O có nguy cơ cao hơn
- Ellen Wan
- •
Biết được nhóm máu của mình có thể hữu ích hơn so với tưởng tượng của nhiều người. Điều này có thể giúp đánh giá nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nhất định, đặc biệt là bệnh tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác nhau tùy theo nhóm máu, trong đó nhóm máu không phải O có nguy cơ cao hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhóm máu đóng vai trò quan trọng trong nhiều bệnh khác nhau.
Nhóm máu của một người phụ thuộc vào loại protein hoặc kháng nguyên có trên bề mặt của các tế bào hồng cầu và thường được xác định bằng hệ thống ABO và RhD. Hệ thống ABO bao gồm bốn nhóm máu chính: A, B, AB và O, mỗi nhóm có thể là RhD dương tính hoặc RhD âm tính. Việc xác định nhóm máu là điều cần thiết để truyền máu an toàn, đồng thời có thể được sử dụng để xác định mức độ dễ mắc một số bệnh nhất định.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports (Báo cáo khoa học) phát hiện thấy nhóm máu ABO không chỉ liên quan đến nguy cơ xơ vữa động mạch tăng cao (một tình trạng động mạch bị hẹp và cứng lại) mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hội chứng mạch vành cấp tính và đau tim (nhồi máu cơ tim).
Các nhà nghiên cứu tin rằng nhóm máu đóng vai trò quan trọng trong nhiều bệnh khác nhau. Cơ chế có thể là do liên quan đến việc điều chỉnh hệ thống cầm máu và phản ứng viêm, do đó ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh của một người.
Mối quan hệ giữa nhóm máu và nguy cơ mắc bệnh tim
Đại học Harvard đã tiến hành hai nghiên cứu lớn trong hơn 20 năm. Các phát hiện cho thấy, ngay cả sau khi đã xét đến các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch, những người có nhóm máu A, B và AB có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với những người có nhóm máu O. Cụ thể, nguy cơ tăng 6 phần trăm đối với nhóm máu A, 15 phần trăm đối với nhóm máu B và 23 phần trăm đối với nhóm máu AB.
Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Suy tim 2017 và Đại hội Thế giới lần thứ 4 về Suy tim cấp đã phân tích dữ liệu từ hơn 1,36 triệu người. Người ta phát hiện ra rằng những người có nhóm máu không phải O (A, B và AB) có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn những người có nhóm máu O. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm máu không phải O có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và các biến cố bệnh tim mạch tăng 9 phần trăm (đặc biệt là nhồi máu cơ tim).
Nhóm máu và nguy cơ đột quỵ
Một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Neurology (Thần kinh học) năm 2022 bao gồm 48 tài liệu liên quan đến hơn 16.000 bệnh nhân đột quỵ và khoảng 600.000 người tham gia không bị đột quỵ. Các phát hiện cho thấy nhóm máu O có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm (EOS), trong khi nhóm máu A có liên quan đến việc tăng nguy cơ EOS.
Nhóm máu và nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong sớm ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, đặc biệt là ở những người bị bệnh thận do tiểu đường, trong đó microalbumin niệu là tiền thân của bệnh thận. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cardiovascular Diabetology năm 2020 liên quan đến hơn 4.000 bệnh nhân tiểu đường loại 1. Kết quả cho thấy trong số những bệnh nhân bị microalbumin niệu, so với những người nhóm máu O, những bệnh nhân không phải nhóm máu O (A, B và AB) có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu (IHD) cao hơn 81% và những bệnh nhân nhóm máu A có khả năng mắc IHD cao hơn 93%.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi chia theo nhóm máu, những bệnh nhân nhóm máu A bị microalbumin niệu có nguy cơ mắc IHD cao nhất, với nguy cơ cao hơn 94% so với những bệnh nhân có albumin niệu bình thường. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhóm máu A là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với IHD ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1 và microalbumin niệu.
Phòng ngừa bệnh tim mạch thông qua thay đổi lối sống
Nghiên cứu về nhóm máu giúp mọi người hiểu được nguy cơ mắc một số bệnh ở cấp độ di truyền để có thể phòng ngừa và điều trị bệnh sớm.
Đồng thời, lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên thực hiện những bước đơn giản sau để giảm các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra gây ra bệnh tim và đột quỵ.
1. Bỏ hút thuốc
Các nghiên cứu đã phát hiện hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc hầu hết các loại bệnh tim mạch và ít nhất là tăng gấp đôi nguy cơ bị các loại bệnh đó, bao gồm bệnh mạch máu não và suy tim, và không hút thuốc cũng sẽ làm giảm những nguy cơ này.
2. Chọn chế độ dinh dưỡng tốt
Chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tim. Những gì bạn ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng đến các yếu tố quan trọng như cholesterol, huyết áp, lượng đường trong máu và cân nặng, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Hãy chọn thực phẩm ít calo nhưng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, thịt gà không da, cá, đậu và các loại hạt. Cố gắng cắt giảm thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường bổ sung và muối. Điều chỉnh chế độ ăn dựa trên mức độ hoạt động để đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đủ calo.
3. Hạ huyết áp
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Để giúp hạ huyết áp, bạn nên:
- Giảm lượng muối tiêu thụ.
- Dùng thuốc kê đơn theo chỉ dẫn.
- Tập thể dục thường xuyên.
Mức huyết áp lý tưởng nên dưới 120/80 mm Hg.
4. Hoạt động thể chất
Cố gắng ngồi ít và hoạt động nhiều hơn mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy đi bộ với tốc độ vừa phải trong 20 đến 40 phút, 3 đến 5 lần một tuần, có thể giúp hạ huyết áp. Hãy đặt mục tiêu đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần trong khoảng ba tháng.
Nếu bạn mới bắt đầu tập thể dục, bạn có thể bắt đầu từ từ. Ngay cả những buổi tập ngắn chỉ kéo dài vài phút cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.
5. Đặt mục tiêu cân nặng phù hợp
Ăn quá nhiều calo và không hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì. Giảm cân có thể giúp hạ huyết áp, cải thiện mức cholesterol và kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Ngay cả khi giảm một lượng cân nhỏ – chẳng hạn như 5 đến 10 phần trăm trọng lượng cơ thể – cũng có thể tác động tích cực đến sức khỏe. Để đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh, hãy tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt, kiểm soát lượng calo nạp vào và luôn vận động.
6. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu bạn bị tiểu đường, điều quan trọng là phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Hãy lắng nghe chuyên gia y tế tư vấn để thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên. Bạn cũng có thể cần dùng thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu hoặc mức insulin.
7. Ngủ đủ giấc
Ngủ ngon vào ban đêm rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch của bạn. Thời lượng và chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, tâm trạng, trí nhớ và sức khỏe tổng thể của bạn. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây hại, vì vậy người lớn nên cố gắng ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, hãy tập thể dục nhiều hơn vào ban ngày, tạo thói quen trước khi đi ngủ và tránh xa các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
8. Giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh như hút thuốc, ăn quá nhiều và không tập thể dục, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Để kiểm soát căng thẳng theo cách lành mạnh, hãy thử:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Dành thời gian cho bạn bè và gia đình.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn.
Những chiến lược này có thể giúp bạn giảm căng thẳng và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
9. Hạn chế uống rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp và có liên quan đến nguy cơ đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên cao hơn. Thói quen này cũng có thể dẫn đến các vấn đề như nghiện rượu, béo phì và tai nạn.
Để duy trì sức khỏe, phụ nữ nên hạn chế uống rượu ở mức một ly mỗi ngày và nam giới ở mức hai ly mỗi ngày. Một ly tiêu chuẩn chứa khoảng 14 gam (15ml) cồn nguyên chất, tương đương với khoảng:
- 355ml bia thường
- 148ml rượu vang
- 45ml rượu mạnh chưng cất
Theo Ellen Wan, The Epoch Times
Đại Hải biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa bệnh tim mạch nhóm máu