Trước tình hình dịch bệnh đậu khỉ tiếp tục lan rộng ở miền đông và miền trung châu Phi, cũng như khả năng lây lan thêm trong và ngoài châu Phi, vào ngày 14/8/2024, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm” (PHEIC).

dau mua khi 2
Bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Phi. (Ảnh chụp màn hình video Reuters)

TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ SỨC KHỎE TOÀN CẦU LÀ GÌ?

“Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đang được quốc tế quan tâm” hay PHEIC là hình thức cảnh báo cao nhất của WHO. PHEIC được công bố khi dịch bệnh đang lây lan theo những cách mới hoặc bất thường, nhằm mục đích đẩy mạnh sự hợp tác và tài trợ quốc tế để giải quyết dịch bệnh. Tuyên bố này giống với tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi vào đầu tuần này.

TẠI SAO BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ (MPOX) LẠI LÀ KHẨN CẤP?

Hai năm trước, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp khi một dạng bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, phần lớn là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Đợt bùng phát đó đã được kiểm soát sau khi thay đổi hành vi và thực hành tình dục an toàn, kết hợp với vắc-xin, đã giúp những người có nguy cơ tự bảo vệ mình ở nhiều quốc gia.

Nhưng bệnh đậu mùa khỉ đã là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều nơi tại Châu Phi trong nhiều thập niên. Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trên người xảy ra ở Congo vào năm 1970 và bùng phát kể từ đó.

Đợt bùng phát hiện nay là nghiêm trọng nhất, với 27.000 ca nhiễm và hơn 1.100 ca tử vong kể từ tháng 01/2023, phần lớn là trẻ em. Bệnh gây ra các triệu chứng giống cúm và tổn thương chứa đầy mủ, thường nhẹ nhưng có thể gây tử vong. Trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV, đều có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.

Hai chủng mpox hiện đang lây lan trong nước: chủng đặc hữu (chủng đang lưu hành) và một chủng mới.

Chủng virus mới này đã gây ra mối lo ngại toàn cầu vì nó dường như lây lan nhanh chóng và ít người biết đến. Nó lây truyền qua quan hệ tình dục cũng như các tiếp xúc gần gũi khác – chẳng hạn như ở trẻ em trong các trại tị nạn ở các vùng của Congo. Những đứa trẻ này hiện đã di chuyển từ miền đông Congo đến Rwanda, Uganda, Burundi và Kenya.

ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA?

Các nhà khoa học hy vọng rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ đẩy nhanh nỗ lực cung cấp thêm thiết bị y tế và tài trợ cho Congo để giúp chính quyền nước này giải quyết dịch bệnh. Cần có sự giám sát tốt hơn để nghiên cứu virus và giúp ngăn chặn sự lây lan.

Nhưng vào năm 2022, lời kêu gọi 34 triệu USD của WHO để chống lại bệnh đậu mùa khỉ đã không nhận được sự ủng hộ từ các nhà tài trợ và không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với vắc-xin như nhau. 

Các nước châu Phi không có quyền tiếp cận hai loại vắc-xin được sử dụng trong đợt bùng phát toàn cầu do Bavarian Nordic và KM Biologics sản xuất. Hai năm sau, điều đó vẫn xảy ra, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thay đổi, WHO cho biết vào hôm thứ Tư khi tổ chức này kêu gọi quyên góp vắc-xin từ các quốc gia có kho dự trữ. CDC Châu Phi cũng cho biết họ có kế hoạch để bảo đảm nguồn vắc-xin nhưng không nói chi tiết, hiện lượng dự trữ trong kho vẫn đang bị hạn chế.

MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH

Bệnh đậu mùa khỉ là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang giết chết một số người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bao gồm cả trẻ em. Một dạng mpox mới có thể đang lan rộng theo những cách mới và ở những vùng mới ở Châu Phi.

Nhưng đó không phải là COVID-19. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus đậu mùa khỉ lây lan trong không khí dễ dàng như COVID. Đồng thời có nhiều công cụ đã được chứng minh là giúp ngăn chặn sự lây lan và hữu ích cho những người có nguy cơ lây nhiễm.

Thách thức hiện nay mà các tuyên bố khẩn cấp nhấn mạnh là bảo đảm những công cụ đó đến được với những người cần nhất ở Congo và các nước lân cận.

Tú Liên biên dịch, theo Reuters