Các chất rối loạn nội tiết có trong những sản phẩm hàng ngày có thể gây ức chế hoặc hoạt động tương tự như hormone.

mang thai
Tiếp xúc với hóa chất trong giai đoạn trước sinh có liên quan đến nguy cơ bị hen. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Một nghiên cứu từ Đại học Kumamoto, Nhật Bản đã liên hệ việc tiếp xúc các hóa chất phenol từ trước khi sinh với tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn sau này.

Các phenol được sử dụng rộng rãi trong những sản phẩm tiêu dùng như đồ trang điểm, kem dưỡng da, chất tẩy rửa và nhựa, và việc tiếp xúc với một lượng nhỏ được coi là an toàn. Tuy nhiên, chúng có khả năng làm rối loạn hệ thống nội tiết, bộ phận sản xuất và giải phóng hormone của cơ thể. Điều này có thể gây ra những tác hại lâu dài cho sức khỏe, bao gồm nguy cơ cao bị các tình trạng liên quan đến dị ứng, trong đó có hen suyễn.

Phụ nữ mang thai cần hành động qua các bước khả thi để giảm tiếp xúc và bảo vệ đứa con chưa chào đời của mình.

Tiếp xúc trước khi sinh và bệnh hen suyễn

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Pollution (Ô nhiễm môi trường) vào ngày 15 tháng 11, tập trung vào 24 phenol, bao gồm các paraben như butylparaben và alkylphenol như 4-nonylphenol. Paraben được tìm thấy trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân, bao gồm đồ trang điểm, kem dưỡng da và dầu gội, trong khi alkylphenol được tìm thấy trong nhựa và các sản phẩm làm sạch.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu lớn, Nghiên cứu về Môi trường và Trẻ em Nhật Bản (JECS). Để đánh giá mức độ phơi nhiễm, họ đã đo hàm lượng các phenol này trong nước tiểu của khoảng 3.500 phụ nữ trong ba tháng đầu của thai kỳ. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi sức khỏe của con những người phụ nữ này trong vòng bốn năm sau khi sinh.

Phân tích dữ liệu cho thấy phơi nhiễm nhiều với butylparaben có liên quan đến tăng 1,45 lần khả năng mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.

Ngoài ra, phơi nhiễm với 4-nonylphenol có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn tăng gấp 2,09 lần ở trẻ trai nhưng không tăng ở trẻ gái. Điều này cho thấy có sự khác biệt về giới tính trong khả năng phản ứng với phơi nhiễm phenol trước khi sinh của trẻ em.

Những phát hiện này phù hợp với các báo cáo trước đó, rằng phơi nhiễm phenol trước khi sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Các tác giả lưu ý rằng một số báo cáo cho thấy một số phenol nhất định có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và làm tăng khả năng mắc bệnh viêm da dị ứng, một tình trạng da làm tăng nguy cơ bị hen suyễn.

Các nhà khoa học thừa nhận rằng nghiên cứu của họ có thể là chưa đủ để chứng minh mối liên hệ thực sự và cần phải nghiên cứu thêm trong tương lai. Ngoài ra công trình này cũng tồn tại một số hạn chế.

“Những kết quả này nhấn mạnh đến nhu cầu đánh giá cẩn thận mức độ phơi nhiễm hóa chất trong thời kỳ mang thai”, Tiến sĩ Shohei Kuraoka, nhà nghiên cứu chính, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Hiểu được những rủi ro này cho phép chúng ta xây dựng các hướng dẫn tốt hơn để bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em”.

tre bi hen
Phụ nữ mang thai có tiếp xúc với hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe của con sau này, đặc biệt là bệnh hen. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

‘Một cơn bão hoàn hảo’

Để hiểu được tác động của việc phơi nhiễm phenol trong giai đoạn trước khi sinh, cần phải làm quen với khái niệm rối loạn nội tiết.

“Hệ thống nội tiết giống như trung tâm kiểm soát hormone của cơ thể, điều chỉnh mọi thứ từ tăng trưởng đến chức năng miễn dịch đến phản ứng căng thẳng”, bác sĩ quản lý cơn đau Tiến sĩ Taher Saifullah, người sáng lập Viện cột sống và đau ở Los Angeles, đã chia sẻ với tờ The Epoch Times trong một email. “Khi hệ thống nội tiết bị rối loạn sẽ phá vỡ sự cân bằng tinh tế của cơ thể”.

Ông giải thích rằng các chất gây rối loạn nội tiết có thể bắt chước hoặc ngăn chặn các hoạt động của hormone trong cơ thể chúng ta. Ngay cả một sự gián đoạn nhỏ trong hệ thống này cũng có thể dẫn đến các vấn đề như vấn đề phát triển, hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường hoặc các tình trạng như hen suyễn. Về cơ bản, những chất gây rối loạn này sẽ gây nhầm lẫn cho hệ thống truyền tin của cơ thể.

Theo ông Saifullah, các phenol được nêu trong nghiên cứu này đánh lừa cơ thể nghĩ rằng nồng độ hormone cao hơn hoặc thấp hơn mức thực tế. Sự rối loạn này có thể đặc biệt nguy hiểm trong thời kỳ mang thai khi hệ thống miễn dịch và hô hấp của em bé vẫn đang phát triển.

Để minh họa, ông nêu rằng sự mất cân bằng hormone do phenol gây ra có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch đang phát triển, khiến hệ thống này dễ mắc các tình trạng như hen suyễn hơn sau này. Hệ thống miễn dịch có thể trở nên phản ứng quá mức, nghĩa là nó phản ứng quá mức với các chất vô hại như bụi hoặc phấn hoa, gây ra tình trạng viêm và hẹp đường thở—các triệu chứng đặc trưng của bệnh hen suyễn.

Ngoài ra, ông cho biết những hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi trẻ sơ sinh. Nếu phổi không được hình thành đúng cách, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

“Đó là một cơn bão hoàn hảo: điều hòa miễn dịch bị rối loạn, sự phát triển của phổi bị thay đổi và độ nhạy cảm cao hơn với các yếu tố môi trường, tất cả đều có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh

hen khi trẻ lớn lên”, ông Saifullah kết luận.

“Mặc dù rõ ràng là yếu tố di truyền ảnh hưởng việc mắc bệnh hẹn, nhưng các yếu tố môi trường, như các phenol gây rối loạn nội tiết này, có thể thúc đẩy cơ thể theo hướng mắc bệnh”, ông cho hay. “Đây là lý do tại sao cần coi trọng những phơi nhiễm trong giai đoạn đầu đời này, khi nghĩ đến kết cục sức khỏe trong dài hạn. Ngay cả trước khi sinh ra, cơ thể đã bị môi trường định hình theo những cách mà chúng ta vẫn đang cố tìm hiểu”.

Các bước bảo vệ

“Giảm tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết như phenol trong thời kỳ mang thai là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của em bé”, ông Turner khuyên. Ông khuyến nghị những thay đổi sau đây có thể giúp tất cả mọi người giảm tiếp xúc, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai:

  • Chọn các sản phẩm chăm sóc cá nhân an toàn hơn: Chuyển sang các sản phẩm chăm sóc cá nhân được dán nhãn “không chứa paraben” hoặc “không chứa hương liệu”, vì những sản phẩm này thường không chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết, chẳng hạn như paraben. Hãy chọn các sản phẩm tự nhiên hoặc hữu cơ được chứng nhận bất cứ khi nào có thể. Những thay đổi nhỏ khi lựa chọn kem dưỡng da, dầu gội và đồ trang điểm có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
  • Tìm nhãn Safer Choice Label (Lựa Chọn An Toàn Hơn) của EPA: Đối với các sản phẩm làm sạch, hãy kiểm tra nhãn Safer Choice Label của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), một nhãn hiệu đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt đối với sức khỏe con người và môi trường. Tránh các chất tẩy rửa kháng khuẩn có triclosan, một phenol khác được biết đến là chất gây rối loạn nội tiết.
  • Hạn chế sử dụng nhựa: Tránh sử dụng hộp nhựa để bảo quản hoặc hâm nóng thực phẩm, đặc biệt là nếu chúng chứa bisphenol A (BPA) hoặc các hóa chất tương tự. Hãy lựa chọn các vật dụng an toàn hơn và bền vững hơn như thủy tinh hoặc thép không gỉ.
  • Lưu ý đến bao bì thực phẩm: Nên chọn sản phẩm tươi hoặc đông lạnh thay vì đồ hộp khi có thể. Nhiều hộp được lót bằng vật liệu chứa BPA, có thể làm nhiễm bẩn thực phẩm. Nếu cần thực phẩm đóng hộp, hãy tìm loại có nhãn “không chứa BPA”.
  • Sử dụng bộ lọc nước: Bộ lọc nước chất lượng cao có thể giúp giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại, bao gồm phenol và thuốc trừ sâu vốn thường có trong nước máy. Để an tâm hơn, hãy tìm bộ lọc được chứng nhận giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm này.
  • Chuyển sang chất tẩy rửa gia dụng tự nhiên: Nên bỏ các chất tẩy rửa hóa học thông thường để chuyển sang các loại thay thế tự nhiên như giấm, baking soda và tinh dầu. Những loại này đáp ứng hầu hết các nhu cầu vệ sinh gia dụng đồng thời an toàn hơn cho bạn và gia đình.
  • Ăn thực phẩm hữu cơ bất cứ khi nào có thể: Hãy tìm đến trái cây và rau hữu cơ được trồng mà không có thuốc trừ sâu tổng hợp, vì nhiều loại thuốc này có thể gây rối loạn nội tiết. Nếu không có sẵn hoặc không đủ khả năng chi trả cho sản phẩm hữu cơ, hãy tập trung vào rửa và gọt vỏ các sản phẩm thông thường để giảm lượng thuốc trừ sâu còn sót lại.
  • Tránh sử dụng hương liệu tổng hợp: Nến thơm, nước xịt phòng và nước hoa thường chứa phthalate, một loại hóa chất khác có thể ảnh hưởng đến hormone cơ thể. Để hạn chế tiếp xúc, hãy chọn các sản phẩm thay thế không mùi hoặc có mùi tự nhiên.
  • Suy nghĩ lại về dụng cụ bếp chống dính: Nên thay thế chảo chống dính bằng các loại làm từ thép không gỉ hoặc gang. Lớp phủ chống dính có thể giải phóng một loại hóa chất có hại gọi là axit perfluorooctanoic (PFOA) hay hoá chất vĩnh cửu, đặc biệt là khi đun nóng. Đây không phải là phenol, nhưng chúng cũng có liên quan đến sự rối loạn hormone.
  • Cải thiện chất lượng không khí trong nhà: Sử dụng máy lọc không khí HEPA để giảm hóa chất trong không khí trong nhà. Thông gió tốt và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá là điều rất quan trọng để giảm việc tiếp xúc với chất độc hại tại nhà.

“Không ai có thể hoàn toàn tránh được việc tiếp xúc với các hoá chất gây rối loạn nội tiết, nhưng những thay đổi nhỏ này có thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa”, ông Turner kết luận.

“Mục đích là giảm thiểu những rủi ro không cần thiết bất cứ khi nào có thể. Nếu bạn không chắc chắn về một sản phẩm hoặc thói quen nào đó, hãy tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia y tế hoặc chuyên gia sức khỏe môi trường để được hướng dẫn cá nhân hóa nhằm đảm bảo an toàn cho bạn và em bé”. 

Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times