Hai cháu nhỏ 9 tuổi và 11 tuổi đau bụng, nôn mửa sau bữa cơm tối có nấm vừa hái trên nương. Ngày 1/6 và 3/6, hai cháu nhỏ lần lượt tử vong. 

lai chau hai chau nho tu vong sau khi an nam rung ba tu chon o lan nuong
Một số loại nấm độc được khuyến cáo. (Nguồn: soyte.laichau.gov.vn)

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Mường Tè gửi Sở Y tế tỉnh Lai Châu ngày 3/6, vụ việc xảy ra tại lán nương của bà Ly Phì Xó ở bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Chiều tối 31/5, các cháu của bà Xó đi hái nấm trên nương về làm thức ăn. Khoảng 19h cùng ngày, 7 bà cháu ăn cơm, có rau bí nấu nấm với cơm trắng. Vài giờ sau, 2 cháu Phùng Ly D. (SN 2015) và Phùng Mo D. (SN 2013) kêu đau đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Các cháu còn lại đều đau bụng và buồn nôn.

Khoảng 0h ngày 1/6, cháu Ly D. tử vong tại lán nương. Hơn 2 ngày sau, khoảng 9h ngày 36, cháu Mo D. cũng tử vong. Bà Xó không báo chính quyền địa phương mà tự tay chôn cất các cháu ở lán nương.

Trưa 3/6, Công an xã Bum Tở nhận được thông tin đã đưa 4 cháu bé còn lại cùng bà Xó xuống Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc.

Hiện sức khỏe của cả 5 bà cháu đã ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực và Chống độc-phẫu thuật-gây mê hồi sức, Trung tâm Y tế huyện Mường Tè.

Mẫu thức ăn nghi gây ngộ độc đã được gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.

Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho hay hiện nay chưa rõ cách phân biệt nấm độc vì có rất nhiều chủng loại, tuy nhiên theo kinh nghiệm cùng với một số nghiên cứu đã chỉ ra đa số các loại nấm độc đều có màu sắc sặc sỡ, phần gốc nấm phình to hơn thân nấm.

Tuy nhiên, cũng có một số loại nấm độc giống với loại nấm lành thông thường. Chính vì vậy cần nên coi tất cả nấm rừng là loại nấm đốc và chỉ sử dụng khi đã biết chắc chắn đó là loại nấm có thể ăn được.

“Thời gian xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc trong khoảng từ 30 phút sau khi ăn cho đến 40 giờ sau khi ăn. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức độ ngộ độc càng nặng và càng nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy các trường hợp ngộ độc nói chung, ngộ độc nấm nói riêng cần phải được xử trí kịp thời”, theo Sở Y tế tỉnh Lai Châu.

Không ăn thử nấm lạ, chưa có triệu chứng ngộ độc vẫn cần đi viện

Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho hay ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Cả những người cùng ăn nấm, dù chưa có biểu hiện triệu chứng, cũng cần được đưa đến cơ sở y tế.

Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm. Vì mỗi chủng loại nâm có chất độc khác nhau, xác định được chất độc sẽ giúp bác sĩ cấp cứu, điều trị được hiệu quả hơn.

Do mức độ nghiêm trọng của các ca ngộ độc nấm, tốt nhất nên phòng ngừa bị ngộ độc nấm. Sở Y tế tỉnh Lai Châu khuyến cáo người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.

Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả… Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Minh Sơn