Nghiên cứu chứng minh khả năng của gừng đối với bệnh tiểu đường
- Sayer Ji
- •
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng (International Journal of Food Sciences and Nutrition) cho thấy, loại gia vị gừng được nhiều người yêu thích có thể là cách điều trị hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó.
Theo một nghiên cứu được công bố trên ấn phẩm của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ là tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường (Diabetes Care), nghệ gần đây mới được chứng minh là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Trong nghiên cứu về gừng có tiêu đề “Tác động của gừng đối với tình trạng đường huyết, lipid máu và một số dấu hiệu viêm ở bệnh nhân tiểu đường loại 2”, 70 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã tham gia thử nghiệm lâm sàng mù đôi (double-blind study), đối soát với giả dược. Mục đích là để đánh giá tác động của việc tiêu thụ gừng đối với tình trạng lượng đường trong máu, lượng lipid trong máu và một số dấu hiệu viêm phổ biến liên quan.
Những người tham gia thử nghiệm được chia ngẫu nhiên thành nhóm dùng gừng và nhóm đối chứng, trong 12 tuần mỗi ngày dùng 1600 mg gừng hoặc 1.600 mg giả dược. Mức đường huyết, lipid máu, protein phản ứng C, prostaglandin E2 và yếu tố hoại tử khối u (TNFa) của bệnh nhân được đo trước và sau khi can thiệp.
Kết quả của can thiệp cho thấy: So với nhóm dùng giả dược thì việc điều trị bằng gừng làm giảm đáng kể 8 thông số sau:
- Đường huyết lúc đói.
- HbA1C (còn gọi là huyết sắc tố glycated), là chỉ số mức độ tổn hại của đường trong cơ thể đối với các tế bào hồng cầu, phản ánh tổn hại gây ra cho toàn cơ thể do lượng đường trong máu thường xuyên tăng cao.
- Insulin
- HOMA (đánh giá mô hình cân bằng nội môi), đo lường tình trạng kháng insulin và chức năng tế bào beta (tế bào tuyến tụy sản xuất insulin).
- Chất béo trung tính (triglyceride)
- Tổng lượng chất béo (cholesterol)
- Chất dấu hiệu viêm protein phản ứng C (CRP)
- Chất dấu hiệu viêm Prostaglandin E2 (PGE2)
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về lipoprotein mật độ cao (HDL), lipoprotein mật độ thấp (LDL) và TNFα giữa hai nhóm (P> 0,05).
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng gừng cải thiện độ nhạy insulin và một số mức lipid trong máu, đồng thời giảm CRP và PGE2 ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Vì vậy, gừng có thể được coi là phương pháp điều trị hữu hiệu để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Gừng đã được chứng minh về đặc tính chống bệnh tiểu đường
Tất nhiên, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chứng minh giá trị của gừng đối với bệnh tiểu đường. Chỉ cần nhập cụm từ tìm kiếm “diabetes mellitus” và “zingiber offcinale” (“tiểu đường” và “gừng”) vào PubMed.gov sẽ thấy rất nhiều kết quả xuất hiện.
Ngoài ra, còn có nhiều nghiên cứu về nghệ và thành phần chính curcumin của nghệ như một loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Trong cơ sở dữ liệu PubMed.gov của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, hãy tìm kiếm từ khóa “curcumin” và “diabetes mellitus” (“nghệ” và “bệnh tiểu đường”) sẽ có hàng trăm kết quả. (Gừng và nghệ đều là thuộc họ gừng – zingiberaceae).
Dùng bao nhiêu thì tốt?
Công bố cho hay lượng gừng được sử dụng trong nghiên cứu là 1,6 gam, tức là khoảng 1/4 thìa cà phê (những người tham gia dùng hai liều gừng 800 mg, mỗi ngày hai lần dùng qua uống viên nang).
Theo công bố, chế độ dùng này chứng minh liều lượng cao hơn không nhất thiết tốt hơn, thực tế trong một số trường hợp có thể có tác dụng ngược.
Theo Sayer Ji, The Epoch Times
Từ khóa Tiểu đường củ gừng