Trà hoa cúc tốt cho tiêu hóa, chưa được coi trọng đúng mức
- Khánh Ngọc
- •
Trà hoa cúc có tác dụng tốt đối với những người mắc các vấn đề mạn tính về đường tiêu hóa, cũng như các bệnh nhân ung thư.
Khi chuyên gia thảo dược Rosalee de la Forêt nói rằng hoa cúc không được tôn trọng một cách đúng mức, nghĩa là bà đang nói từ kinh nghiệm thực tế của mình.
Có lần bà vô tình để hoa cúc ngâm quá lâu trong nước và phát hiện ra một loại đồ uống có tác dụng tốt cho các vấn đề về tiêu hóa. Đột nhiên, de la Forêt hiểu rằng bà đã không coi trọng hoa cúc đúng mức.
“Tôi luôn nghĩ rằng đó là một loại thảo mộc nhỏ, dễ thương được bán ở mọi quán cà phê và không giống như thuốc thảo dược thực sự,” bà nói với The Epoch Times. “Tôi thực sự đã có được trải nghiệm về tác dụng của hoa cúc. Tôi đã pha một ấm trà hoa cúc rất đậm đặc và cảm nhận được sự tuyệt vời của nước trà cũng như tác dụng của nó đối với sức khỏe tiêu hóa. Tôi yêu hoa cúc và không thể sống thiếu nó.”
Tự nhận mình là người hoài nghi nhưng lại là người yêu thích hoa cúc, giờ đây bà giới thiệu loại thảo mộc này cho hầu hết mọi người.
Một loài hoa mọc ở khắp mọi nơi và được tìm thấy nhiều ở hầu hết các nơi trên thế giới, hoa cúc La Mã được coi là có tác dụng tốt đối với đường tiêu hóa. Hoa cúc có lịch sử lâu đời về công dụng làm thuốc ở nhiều nền văn hóa và cũng được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm vì hương thơm của nó.
Dùng chiết xuất hoa cúc La Mã cho sức khỏe đường tiêu hóa (GI) vì tác dụng chống đầy hơi, nghĩa là giúp tống khí ra ngoài. Tác dụng này làm cho hoa cúc La Mã trở nên hữu ích khi điều trị chứng đau bụng, khó tiêu, đầy hơi. Loại thảo mộc phổ biến này cũng được coi là chất nhầy – được sử dụng trong y học để tạo ra lớp phủ bảo vệ và làm dịu. Loại thảo mộc này có thể được dùng để điều trị chứng niêm mạc ruột bị kích ứng, cũng như tiêu chảy và nôn mửa.
Cơ chế hoạt động
Một bài đánh giá trên International Journal of Food Properties (Tập san Quốc tế về Đặc tính của Thực phẩm) nêu chi tiết về tác dụng chống viêm của các hợp chất thực vật sinh hóa có trong hoa cúc La Mã. Đây là những đặc tính giúp hoa cúc La Mã trở thành liệu pháp thay thế tiềm năng hoặc là thuốc bổ trợ cho các phương pháp điều trị khác đối với các bệnh viêm mạn tính.
Hoa cúc La Mã có dầu bisabolol, một loại dầu có đặc tính chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn, chống ung thư và sát trùng. Bisabolol có khả năng làm giảm pepsin, một loại enzyme tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Theo bài đánh giá, các thành phần này giúp hoa cúc La Mã trở thành phương pháp điều trị thay thế cho các triệu chứng ở dạ dày và đường ruột trên.
Thành phần hóa học của hoa cúc La Mã chứa nhiều terpenoid, hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa – có nghĩa là chúng làm giảm các loài oxy phản ứng có liên quan đến bệnh tật. Theo bài đánh giá, terpenoid là “chất chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa và chống dị ứng.”
Ngoài ra, bài đánh giá lưu ý rằng loại thảo mộc này có khả năng ức chế việc gây viêm của cơ thể bằng cách điều chỉnh giảm cytokine, các protein báo hiệu chỉ đạo phản ứng của hệ thống miễn dịch.
Các hợp chất này giải thích tại sao hoa cúc có thể hữu ích cho nhiều bệnh ở người, chẳng hạn như ung thư, nhiễm trùng do vi khuẩn và loét như những bệnh thường gặp ở bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. IBD cũng gây ra các vết loét viêm dọc theo đường tiêu hóa với các triệu chứng như tiêu chảy, máu trong phân, chán ăn và sụt cân, đau bụng và chuột rút, mệt mỏi.
Hoa cúc và IBS
Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có thể được hưởng lợi từ hoa cúc. Một thử nghiệm lâm sàng mù đôi đã cho kết quả là những người dùng kết hợp hoa cúc, rễ cam thảo và cây ngải cứu đã cải thiện đáng kể về mặt thống kê các triệu chứng của IBS so với nhóm đối chứng.
Được công bố trên Chronic Disease Journal (Tập san Bệnh mạn tính) năm 2023, nghiên cứu trên 102 người tham gia cho thấy, nhóm dùng hỗn hợp hoa cúc đã cải thiện đáng kể tình trạng táo bón, tiêu chảy và bài tiết chất nhầy sau 2 tuần; tình trạng đau bụng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy sau 4 tuần.
Bên cạnh việc giúp giảm các triệu chứng của bệnh tiêu hóa, hoa cúc còn là một công cụ hiệu quả giúp điều trị chứng lo âu. Lo âu có thể góp phần gây ra IBS và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tiêu hóa. Hoa cúc La Mã cũng được biết đến với tác dụng làm dịu – thường được dùng trong các loại trà uống trước khi đi ngủ hoặc như một loại thuốc an thần nhẹ.
“Nếu không tiêu hóa được thức ăn do bị căng thẳng hoặc ăn quá no thì hoa cúc La Mã là một loại thuốc an thần rất hiệu quả,” bà de la Forêt nói và giải thích về thuật ngữ thảo dược để chế biến thành một loại thuốc bổ làm dịu hệ thần kinh.
“Hoa cúc giúp thư giãn hệ thần kinh, thúc đẩy quá trình tiêu hóa lành mạnh đồng thời làm dịu hệ thần kinh và tất nhiên là sẽ giúp tiêu hóa,” bà nói thêm.
Hữu ích cho bệnh nhân ung thư
Khả năng cải thiện cả tâm trạng và các triệu chứng đường ruột của hoa cúc cũng có thể khiến nó trở thành phương pháp điều trị bổ sung tốt cho bệnh nhân ung thư. Đây là câu hỏi trong bài đánh giá được công bố vào năm 2023 trên Integrative Cancer Therapies (Tập san Liệu pháp Ung thư Tích hợp). Phương pháp điều trị bổ sung là phương pháp điều trị được sử dụng ngoài phương pháp điều trị ung thư chính.
Bài đánh giá bao gồm 15 thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên, xem xét trên nhiều ứng dụng khác nhau như nước súc miệng, thuốc bôi, viên nang và thuốc nhỏ giọt. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận những lợi ích chung về chất lượng cuộc sống, cũng như tác dụng đối với ruột – não trong việc giảm trầm cảm, nôn mửa và loét miệng.
Theo bài đánh giá, các tác dụng này là do đặc tính chống ung thư, hóa trị và chống oxy hóa của hoa cúc.
Bài đánh giá nêu rõ: “Trong thập niên qua, hoa cúc là một loại thuốc thảo dược ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc dùng hoa cúc như một liệu pháp điều trị không dùng thuốc và an toàn đã mang lại lợi ích to lớn trong việc giảm thiểu các biến chứng ung thư ở bệnh nhân ung thư.”
Bắt đầu một cách từ từ
Theo bà de la Forêt, bất kỳ ai muốn thử dùng hoa cúc cũng nên bắt đầu với liều lượng thấp và nên pha trà ở mức nhạt.
Theo ấn bản dành cho người tiêu dùng của Merck Manual – một tài liệu tham khảo y khoa – hoa cúc có thể thay đổi cách thức hoạt động của thuốc chống đông máu, tăng tác dụng an thần của rượu và các loại thuốc khác can thiệp vào các hormone có trong thuốc tránh thai và liệu pháp hormone. Những bệnh nhân đang dùng các loại thuốc này nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng.
Mặc dù thường được coi là một loại thảo mộc an toàn nhưng hoa cúc cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, đặc biệt đối với những người bị dị ứng với phấn hương hoặc hoa hướng dương. Cả ba loại hoa này đều thuộc họ Asteraceae.
Các phản ứng thường xuất hiện như ngứa mắt, hắt hơi, chảy nước mũi và kích ứng da. Các phản ứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp.
Theo bà de la Forêt, nên chú ý đến tình trạng ngứa cổ họng. Bà cho biết, vì các phản ứng dị ứng thường nhẹ nên cần thử một vài lần trước, sau đó mới tăng dần liều lượng là cách tiếp cận hợp lý để đánh giá khả năng chịu đựng.
Một lý do khác cho việc nên bắt đầu một cách tư từ là cần phải xem xét tác dụng và hương vị của hoa cúc tác động đến cơ thể khi áp dụng liều lượng mạnh hơn, bà nói.
“Tôi thực sự thích hoa cúc vì đó là loài hoa rất phổ biến. Có một mẹo giúp hoa cúc thoát khỏi phạm trù bị đánh giá thấp và trở thành một loại thảo mộc tuyệt vời hơn là liều lượng có thể tạo nên sự khác biệt lớn, cũng như cách chúng ta chế biến nó,” bà nói.
Cách dùng hoa cúc La Mã
Có nhiều cách dùng hoa cúc La Mã nhưng cách phổ biến nhất vẫn là trà, thuốc nhỏ giọt và thực phẩm bổ sung.
Bà de la Forêt cho biết, đây là một loại thảo mộc dễ tìm thấy trong một số sản phẩm và cửa hàng. Bạn có thể dùng hoa khô để tự pha trà, làm thuốc nhỏ giọt hoặc thậm chí là thuốc mỡ bôi ngoài da.
Nếu bạn muốn có một thức uống thư giãn, thú vị với tác dụng tối thiểu thì công thức pha trà hoa cúc là: ngâm từ 1 thìa cà phê đến 1 thìa canh hoa cúc La Mã trong một cốc nước nóng và uống sau bữa tối.
Tuy nhiên, như bà de la Forêt đã nói: bà sẽ không đặt cược vào tác dụng của hoa cúc La Mã nếu chỉ ngâm trong 3 phút – đặc biệt là đối với các vấn đề về đường tiêu hóa mạn tính. Sức mạnh của hoa cúc La Mã thường nằm ở thời gian ngâm lâu hơn.
Để làm cho hoa cúc có tác dụng mạnh hơn, nên ngâm nửa cốc hoa khô trong 1 lít nước nóng từ 10 đến 15 phút. Bạn cũng có thể cân nhắc tăng dần thời gian ngâm để chuyển vị giác của bạn từ hương thơm dễ chịu sang vị đắng của biến thể mạnh hơn.
“Loại nước này sẽ mạnh hơn và đắng hơn nhiều, nhưng đó thực sự là một loại thuốc rất mạnh. Loại nước thực sự mạnh đó sẽ tạo nên sự khác biệt,” bà de la Forêt nói.
Trong cuộc sống hiện đại với bề bộn những khó khăn, căng thẳng, lo âu thì những tách trà thảo mộc là một lựa chọn hoàn hảo, không những giúp cơ thể thải bỏ độc tố gây bệnh mà còn giúp thư giãn và mang lại sự thư thái trong tâm hồn. Bên cạnh trà hoa cúc, bạn có thể tham khảo các loại trà thảo mộc khác như:
Trà sữa nghệ (Golden Latte)
Nghệ vừa là gia vị vừa là màu tự nhiên, Golden Latte có màu vàng vì nghệ là thành phần chính. Nghệ là một loại cây thuộc họ Khương (gừng), có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Các loại gia vị (hương liệu) nói chung đều có tác dụng chống viêm, là một thành viên của hương liệu, trong y học cổ truyền có rất nhiều ghi chép về tác dụng tiêu viêm và an thần của nghệ.
Nếu bạn muốn thưởng thức đồ uống ấm áp, thư giãn trước khi đi ngủ hoặc đang tìm kiếm một loại đồ uống thay thế cho đồ uống có chứa caffeine, hãy thử loại thức uống Golden Latte dễ làm này. Trong những năm gần đây, Golden Latte có thể được mua ở các cửa hàng đồ uống trên khắp thế giới, nhưng ở Ấn Độ có một công thức đã được lưu truyền lâu đời.
Các nhà ẩm thực Ấn Độ giới thiệu một cách làm phổ biến: Chuẩn bị một lượng vừa đủ bột nghệ, bột quế, bột tiêu đen (thêm tiêu đen có thể giúp cơ thể hấp thụ curcumin tốt hơn), sữa (hoặc thay thế bằng sữa hạnh nhân, sữa đậu nành…) và Siro lá phong. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi và nấu trên lửa vừa (nhưng không đun sôi) trong khoảng 5 phút. Công thức này cũng có thể được dùng cho lò vi sóng.
Trà hoa oải hương(Lavender Tea)
Hoa oải hương (Lavender) có màu xanh tím, tên của nó bắt nguồn từ động từ tiếng Latinh “lavare”, có nghĩa là “rửa sạch”. Ở La Mã cổ đại, hoa oải hương được sử dụng như một vật phẩm cho thêm vào bồn tắm. Hiện nay nó thường được sử dụng như một loại hương liệu trong thực phẩm, đồ uống, xà phòng và mỹ phẩm, các sản phẩm chiết xuất của nó cũng rất phổ biến trong liệu pháp hương thơm. Trong các thí nghiệm nhỏ, các sản phẩm dầu oải hương dạng uống có thể có lợi trong việc giảm lo lắng.
Trà hoa oải hương là một loại trà nhẹ nhàng bán rất chạy. Sau khi ngâm, hương thơm độc đáo sẽ dần dần lan tỏa, thưởng thức sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Trà lựu (Pomegranate Tea)
Nếu bạn đang tìm kiếm chất chống oxy hóa polyphenol, hãy cân nhắc pha trà lựu, một loại trái được mệnh danh là “hồng ngọc trong các loại trái cây”. UCLA Health đã nghiên cứu lựu trong 20 năm và phát hiện ra rằng, lựu rất giàu các chất chống oxy hóa, có thể giúp duy trì chức năng nhận thức cùng nhiều lợi ích khác, bao gồm sức khỏe tim mạch, chống viêm, chống ung thư (tương tự bông cải xanh), kháng khuẩn đường miệng, v.v.
Pha trà lựu cũng rất đơn giản, chỉ cần lấy một ít cùi lựu nấu thành trà, rồi cho thêm một lượng mật ong thích hợp là có thể uống.
Trà vỏ chanh bạc hà (Citrus Mint Tea)
Sau một ngày bận rộn, uống một tách trà làm dịu dạ dày và giảm căng thẳng chính là điều chúng ta nên làm. Bạc hà từ lâu đã được dùng để làm dịu sự khó chịu ở dạ dày, mà vỏ chanh thơm cũng là một chất trợ giúp tiêu hóa. Dùng trà vỏ chanh bạc hà trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Có thể tự pha tại nhà hoặc mua trà túi lọc.
Trà hoa lạc tiên (Passionflower Tea)
Hoa lạc tiên là một loại cây dây leo có nguồn gốc ở đông nam Hoa Kỳ và Trung – Nam Mỹ. Người Mỹ bản địa đã dùng hoa lạc tiên như một loại thuốc an thần. Vào thế kỷ 16, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã phát hiện ra hoa lạc tiên ở Nam Mỹ và mang nó đến Châu Âu.
Ngày nay, lạc tiên đã được trồng rộng rãi ở Châu Âu và được đưa vào y học dân gian. Chiết xuất của lạc tiên thường được sử dụng như một thực phẩm chức năng cho các vấn đề về lo âu và giấc ngủ. Ngoài việc mua túi trà lạc tiên có bán trên thị trường, bạn cũng có thể pha trà từ lá tươi hoặc khô.
Lưu ý: Trà thảo mộc được làm từ rễ, thân, lá, hoa và các bộ phận khác của hoa cỏ tự nhiên. Tuy gọi là trà nhưng nó khác với trà xanh, hồng trà… truyền thống, do đó là một loại trà nhưng cũng không phải trà. Mặc dù liệu pháp trà thảo mộc đã có lịch sử lâu đời nhưng vẫn có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống, nhất là phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em, bệnh nhân, người đang lo lắng về tác dụng phụ hoặc dị ứng đối với loại thuốc bản thân đang dùng.
Khánh Ngọc (dịch và t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Trà hoa cúc trà thảo mộc