Vài thay đổi đơn giản để giảm tình trạng bệnh tiểu đường trong đại dịch
- Mộc Lan
- •
Các số liệu mới cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường toàn cầu đã tăng 16% trong 2 năm qua, kể từ khi đại dịch tấn công. Ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành (từ 20 – 79 tuổi) hiện đang sống chung với tình trạng mãn tính.
Chính sách phong tỏa đã dẫn đến việc hạn chế đáng kể các hoạt động của người dân. Điều này cũng gây hại cho sức khỏe của dân số thế giới khi mà mọi người thường dành nhiều thời gian trong ngày hơn để ở nhà. Vấn đề ít vận động vốn đã là một vấn đề đối với sức khỏe của dân số thế giới trước đó, xảy ra đại dịch đã càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Một cuộc khảo sát ước tính rằng đại dịch đã gia tăng thời gian ngồi của mỗi người trung bình 3 tiếng một ngày.
Giờ đây, khi tình trạng phong tỏa được dỡ bỏ ở nhiều nơi, điều quan trọng là phải thúc giục mọi người tiếp tục các hoạt động của họ. Giảm thời gian ngồi là bước đầu tiên giúp những người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường và các bệnh mãn tính khác đạt được lượng hoạt động lành mạnh.
Một vấn đề toàn cầu đang gia tăng
Ấn bản lần thứ 10 của “Bản đồ bệnh tiểu đường” do Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế phát hành gần đây cho thấy khoảng 10% người từ 20 đến 79 tuổi trên thế giới mắc bệnh đái tháo đường. Đến năm 2045, khoảng 784 triệu người sẽ mắc phải căn bệnh này.
Đa số các bệnh nhân trên sống chung với bệnh tiểu đường Loại 2. Căn bệnh mãn tính này ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý lượng đường trong máu (glucose), với sự dao động lặp đi lặp lại của mức đường huyết, cuối cùng khiến cơ thể phản ứng sai với insulin – loại hormone kiểm soát việc truyền glucose từ máu đến tế bào.
Bệnh có khả năng gây ra các biến chứng như mù lòa, tổn thương thần kinh, bệnh tim, bệnh thận. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều bệnh khác, bao gồm bệnh gan, sa sút trí tuệ, trầm cảm và ung thư.
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đứng dậy và vận động thường xuyên là một cách tuyệt vời để kiểm soát bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng. Vận động có thể giúp kiểm soát mức đường huyết, huyết áp, sức khỏe tim mạch và trí nhớ.
Thoát khỏi lối sống ít vận động trong thời kỳ phong tỏa
Khi tình trạng phong tỏa được dỡ bỏ ở nhiều nơi trên thế giới, mọi người cần thoát khỏi tình trạng ít vận động và không hoạt động thể chất của mình. Giảm thời gian ngồi là bước đầu tiên dễ thực hiện nhất và nó dễ dàng hơn nhiều so với việc bắt đầu một chương trình thể dục mới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người ít vận động hoặc có các vấn đề sức khỏe mãn tính.
Chiến lược đơn giản nhất là bắt đầu bằng cách tăng thời gian đứng của bạn, mặc dù tốt hơn là bạn nên tham gia vào các hoạt động đơn giản giúp cải thiện sự trao đổi chất. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường Loại 2, điều này có thể ngăn ngừa và giúp “làm dịu” mức đường huyết tăng nếu không có insulin được sản xuất đúng cách.
Hãy nhớ đứng lên và đi lại khoảng 2 hoặc 3 phút mỗi giờ, điều này có thể rất hữu ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hoạt động hàng ngày đơn giản như làm việc nhà, chơi với thú cưng và dọn dẹp sân vườn có hiệu quả hơn đối với việc kiểm soát lượng đường huyết trong 24 giờ so với tập thể dục có hệ thống.
Chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu những hoạt động đơn giản này ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào. Mục tiêu của chúng tôi là giúp nhân viên văn phòng mắc bệnh tiểu đường giảm bớt hoặc chia nhỏ thời gian ngồi của họ.
Câu chuyện của ông Lorys
Ông Lorys, 64 tuổi, là một trong những người tham gia thử nghiệm của chúng tôi. Ông được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường Loại 2 cách đây 11 năm và rất thất vọng.
Giống như nhiều người, ông cũng đã trong lối sống ít vận động thời gian dài. Công việc đòi hỏi nhiều giờ bên máy tính có nghĩa là ông phải ngồi gần như cả ngày, căng thẳng và lo lắng về sức khỏe của mình. Thuốc trị tiểu đường cũng ít hiệu quả trong việc cải thiện lượng đường huyết. Sau đó, đại dịch đến và làm việc ở nhà càng làm trầm trọng thêm vấn đề, vì ông ít thực hiện các hoạt động hàng ngày hơn, chẳng hạn như đi bộ đến văn phòng hoặc đi xung quanh.
Trong khi tham gia thử nghiệm, ông Lorys đã bắt đầu sử dụng máy trạm ngồi và máy theo dõi hoạt động để khuyến khích đi bộ ngắn thường xuyên trong ngày. Từ một thay đổi nhỏ hàng ngày, ông đã thấy được sự khác biệt ở bản thân.
Từ đầu năm 2021, mức HbA1c của ông Lorys, một chỉ số sức khỏe quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đã giảm một nửa. Ông đã giảm cân và trạng thái tinh thần được cải thiện. Ông cho biết bản thân đã không còn coi bệnh tiểu đường là “bản án tử hình”.
5 cách để thoát khỏi tình trạng ít vận động
Cho dù bạn mắc bệnh tiểu đường Loại 2, tiền tiểu đường hay chỉ muốn thoát khỏi lối sống không lành mạnh trong thời kỳ phong tỏa, sau đây là một số thay đổi bạn có thể thử:
- Sử dụng bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao, bắt đầu với vài phút đứng làm việc mỗi ngày và dần dần chuyển sang đứng hoặc đi bộ trong 30 phút mỗi giờ.
- Đứng trong cuộc họp hoặc gọi điện thoại.
- Đi bộ xung quanh trong cuộc họp làm việc hoặc khi gặp gỡ bạn bè.
- Sau khi hoàn thành công việc hoặc xem một tập của chương trình truyền hình, hãy đi bộ quanh nhà.
- Đặt lời nhắc lịch hoặc đặt báo thức trên thiết bị đeo của bạn để thường xuyên đứng dậy và hoạt động trong ngày.
Hai năm qua không hề dễ dàng, nhất là đối với những người mắc bệnh mãn tính nhưng không phải là quá muộn để bắt đầu thực hiện các thay đổi. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng một cách hiệu quả.
Về các tác giả
Ông Christian Brakenridge là nghiên cứu sinh tại Viện Tim mạch và Tiểu đường Baker ở Úc. Ông David Dunstan là giáo sư và là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Hoạt động Thể chất tại Viện Tim và Bệnh tiểu đường Baker. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên The Conversation.com.
Mộc Lan/ Theo Epoch Times
Xem thêm:
- 5 loại thức ăn tốt nhất để giảm đường huyết và kiểm soát bệnh tiểu đường
- Vì sao luyện khí công giúp cơ thể khỏe mạnh và trẻ lâu?
- Ở cấp độ gen: Khí công giúp tăng khả năng miễn dịch và trao đổi chất
Mời xem video hay: Bí quyết đánh bại virus corona của hai người sống thọ nhất thế giới
Từ khóa Bệnh mạn tính thiếu vận động Tiểu đường