Những phát hiện này giúp tạo ra các loại thuốc mới nhắm vào căn bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác ngay sau khi được chẩn đoán.

Du an moi 67
Xác định loại protein mới gây mù lòa do tuổi tác. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Developmental Cell (Tập san Tế bào Phát triển) ngày 2/10, các nhà nghiên cứu đã xác định được 1 loại protein giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD).

AMD là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến gần 20 triệu người dân Hoa Kỳ. Khi dân số già đi, con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên đáng kể. Hiện tại, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn được sự tiến triển của AMD.

Tôi nghĩ chúng tôi đã xác định được thứ gì đó có thể nhắm vào bệnh ở giai đoạn đầu. … Đó là một vấn đề lớn“, tác giả chính của nghiên cứu, Phó giáo sư nhãn khoa tại Đại học Rochester ở New York, Ruchira Singh, nói với tờ The Epoch Times.

Theo các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này sử dụng tế bào gốc của con người thay vì mô hình động vật – giúp mô tả chính xác hơn về những gì đang xảy ra trong AMD.

Phó giáo sư Singh lưu ý rằng “Các phương pháp nghiên cứu cũ bị hạn chế trong việc nắm bắt các khía cạnh quan trọng của tế bào người khỏe mạnh hoặc bị bệnh.

Các nhà nghiên cứu xác định loại protein gây ra AMD

Các nhà nghiên cứu đã trích xuất tế bào gốc của người từ những người khỏe mạnh, những bệnh nhân AMD và lập trình thành các tế bào lót võng mạc.

So với những người khỏe mạnh, tế bào võng mạc của bệnh nhân AMD sản xuất quá mức 1 loại protein gọi là chất ức chế mô của metalloproteinase 3 (TIMP3), dẫn đến sự tích tụ chất béo và protein gọi là drusen. Drusen là dấu hiệu của AMD giai đoạn đầu.

Ở bệnh nhân AMD, điểm vàng, phần võng mạc chịu trách nhiệm cho thị lực sắc nét, bị tổn thương.

Ở giai đoạn đầu, các cặn drusen màu vàng bắt đầu tích tụ trong võng mạc. Các triệu chứng ban đầu của AMD bao gồm mờ mắt hoặc nhìn thấy 1 đốm đen ở vùng thị lực trung tâm, khiến các hoạt động hàng ngày như đọc sách, lái xe và thậm chí là nhận diện khuôn mặt ngày càng khó khăn.

Loại AMD khô, chiếm 90% các trường hợp được chẩn đoán, được đặc trưng bởi sự tích tụ dần dần của drusen và mất thị lực chậm. Loại AMD ướt, ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn, có liên quan đến sự phát triển của các mạch máu bất thường dưới võng mạc.

Trong khi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, TIMP3 đã chặn một loại enzyme khác gọi là matrix metallopeptidase 2 (MMP2), một loại enzyme hoạt động như một đội dọn dẹp cho mắt, loại bỏ các chất có hại và giữ cho mắt khỏe mạnh. Khi MMP2 hoạt động ít hơn, drusen sẽ tích tụ  gây ra bệnh AMD.

Tăng cường MMP2 giúp ngăn ngừa AMD

Nhóm của Phó Giáo sư Singh phát hiện ra rằng, bằng cách ngăn chặn TIMP3, họ có thể tăng mức MMP2, giúp điều chỉnh tình trạng viêm và cải thiện sức khỏe của mắt. Khi mức MMP2 thấp, tình trạng viêm tăng lên, dẫn đến tích tụ nhiều drusen hơn và mất thị lực.

Bằng cách tăng cường mức MMP2, các nhà nghiên cứu đã có thể giảm được sự tích tụ drusen.

Nhóm của Phó Giáo sư Singh đã nộp bằng sáng chế tạm thời cho các chất ức chế enzyme có thể giúp điều trị bệnh. Các bước tiếp theo bao gồm các nghiên cứu tiền lâm sàng và xác định phương pháp cung cấp thuốc tốt nhất, chẳng hạn như thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mắt. Chỉ sau khi các giai đoạn này kết thúc, liệu pháp này mới có thể được thử nghiệm và cuối cùng là được cung cấp cho bệnh nhân.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của AMD vẫn chưa được biết đầy đủ, nhưng các yếu tố như di truyền và môi trường, được biết đến như là các yếu tố tác động. Tiền sử gia đình có người mắc AMD có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Các gen cụ thể, chẳng hạn như ABCA4, có liên quan đến tình trạng này. Tuy nhiên, nghiên cứu đang được tiến hành để xác định vai trò của chúng trong điều trị, theo một bài đánh giá được công bố trên Clinical Interventions in Aging (Tập san Can thiệp Lâm sàng trong Quá trình Lão hóa).

Tuổi cao, hút thuốc, béo phì và bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ mắc AMD. Một số nghiên cứu cũng đã liên kết giữa khẩu phần ăn nhiều chất béo bão hòa với khả năng mắc AMD cao hơn.

Mẹo phòng ngừa theo lối sống

AMD tiến triển với các tốc độ khác nhau ở những người khác nhau. Có tới 3% những người bị tích tụ drusen nhỏ gặp vấn đề về thị lực trong vòng 5 năm, trong khi khoảng 50% những người bị tích tụ drusen lớn hơn sẽ phát triển thành AMD giai đoạn cuối và mất thị lực trong cùng một khung thời gian.

Vitamin và thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng hàng ngày có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của AMD khô giai đoạn trung gian.

Theo Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO), một số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của mắt như vitamin C và E, kẽm, lutein, zeaxanthin và axit béo omega-3. Những chất này có liên quan đến giảm nguy cơ mắc AMD khi về già.

Trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và các loại hạt là những lựa chọn thực phẩm tốt để trợ giúp sức khỏe mắt.

Ngoài ra, AAO cũng khuyến nghị một công thức ăn uống có chỉ số đường huyết thấp cho những người mắc AMD hoặc có nguy cơ mắc AMD. Chỉ số đường huyết cho biết thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu nhanh như thế nào. Khẩu phần ăn uống có chỉ số đường huyết thấp thường có nhiều rau, không chứa tinh bột và ngũ cốc nguyên hạt hoặc thực phẩm được chế biến tối thiểu và khẩu phần ít thực phẩm chế biến.

Hoạt động thể chất cũng liên quan đến tỷ lệ mắc AMD sớm hay muộn hơn. AAO lưu ý rằng, hoạt động thể chất thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, bơi lội và thậm chí là làm vườn đều có thể giúp mắt khỏe mạnh.

Nếu không được điều trị, AMD khô có thể tiến triển thành AMD ướt và sẽ trở nên xấu đi một cách nhanh chóng.