Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng sự tự tin và khả năng tự quản lý có thể giúp trẻ mắc tiểu đường loại 1 kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe của mình.

Gia dinh
Yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến việc kiểm soát tiểu đường ở trẻ em. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tâm thần Quốc tế (International Journal of Psychiatry), những thanh thiếu niên mắc tiểu đường loại 1 nếu có khả năng tự chăm sóc thường sẽ kiểm soát đường huyết tốt hơn. Các chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Reina Sofía và Đại học Córdoba ở Tây Ban Nha nhận thấy rằng khi trẻ tin tưởng vào khả năng của bản thân, điều này sẽ dẫn đến thay đổi về hành vi, khiến các em sẽ cố gắng duy trì đường huyết trong mức ổn định.

“Niềm tin vào bản thân có thể giúp trẻ xử lý tốt hơn trong các tình huống cụ thể, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, và cách phản ứng”, các nhà nghiên cứu giải thích.

Sự tự tin liên hệ chặt chẽ với khả năng kiểm soát đường huyết

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi mức đường huyết của 200 trẻ em và thanh thiếu niên trong hai năm qua bằng các thiết bị theo dõi liên tục. Tác giả Ángel Rebollo-Román cho biết các thiết bị này giúp theo dõi đường huyết của trẻ thường xuyên, đảm bảo mức đường huyết luôn trong phạm vi an toàn.

Nghiên cứu cũng khảo sát nhiều yếu tố tâm lý như:

  • Khả năng tự quản lý
  • Cân bằng cảm xúc
  • Sự hỗ trợ xã hội mà trẻ nhận được
  • Lòng tự trọng
  • Chất lượng cuộc sống

Đồng tác giả nghiên cứu Joaquín Villaécija cho biết, những trẻ có điểm số tự tin cao thường có khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng mối liên hệ giữa sự tự tin và kiểm soát đường huyết rõ hơn ở thanh thiếu niên so với trẻ nhỏ. Theo giáo sư Carmen Tabernero từ Đại học Salamanca, điều này có thể do cha mẹ thường chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu gợi ý nên có những hỗ trợ cho cha mẹ, giúp họ khuyến khích con mình tuân thủ điều trị, ăn uống và vận động lành mạnh.

Sự tự tin chính là chìa khóa

Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của sự tự tin trong việc hình thành hành vi, đặc biệt là trong quản lý một bệnh mạn tính như tiểu đường.

Theo tác giả nghiên cứu Bárbara Luque, căn bệnh này “yêu cầu người bệnh cần thay đổi hành vi, chẳng hạn như tuân thủ điều trị, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, và tập thể dục thường xuyên. Nếu thanh thiếu niên mong muốn khẳng định bản thân và hòa nhập cùng bạn bè, điều này có thể gây ra tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng tự quản lý của họ”.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự tự tin cao không chỉ hỗ trợ quản lý bệnh mà còn là một cơ chế đối phó, giúp “giảm bớt căng thẳng và trầm cảm thường liên quan đến bệnh mạn tính”.

Nhóm nghiên cứu dự kiến phát triển các chương trình can thiệp tâm lý – giáo dục nhằm nâng cao khả năng tự tin cho thanh thiếu niên. Mục tiêu là đưa thêm yếu tố tâm lý – xã hội vào chăm sóc sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người trẻ mắc tiểu đường.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng ở thanh thiếu niên, duy trì sự tự tin cao trong khả năng quản lý bệnh tiểu đường loại 1 giúp các em kiên trì đối mặt với khó khăn, tuân thủ hướng dẫn y tế và giữ chỉ số đường huyết trong giới hạn an toàn lâu dài.

Thanh Ngọc biên dịch
Theo
The Epoch Times 

Xem thêm: