10 sự kiện đáng chú ý trên thế giới năm 2019 (Phần 1)
- Huệ Anh
- •
Năm 2019 đã sắp khép lại với hàng loạt sự kiện chấn động, sóng trước chưa lặng sóng sau lại nổi, hứa hẹn có thể mở ra nhiều diễn biến mới trong năm 2020, có thể kể đến như phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông hừng hực khí thế, “gián điệp đỏ” Vương Lập Cường của ĐCSTQ đào thoát đến Úc, Hạ viện Anh thông qua Dự luật Thỏa thuận rút lui khỏi EU, Mỹ – Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một “về nguyên tắc”… Hãy cùng nhìn lại những tin tức đáng chú ý trong năm 2019 vừa qua.
1. Cựu mật vụ ĐCSTQ Vương Lập Cường đào thoát đến Úc
Ngày 23/11, truyền thông chủ lưu ở Úc đã đưa tin về sự kiện gián điệp của Trung Quốc tên là Vương Lập Cường đào thoát tới Úc. Ngày 23/4/2019, Vương Lập Cường cầm visa du lịch nhập cảnh vào Úc, và đã đầu hàng cơ quan an ninh quốc gia của Úc, cũng như đề xuất tị nạn chính trị. Anh cho biết bản thân từng làm việc tại công ty có vốn Trung Quốc tại Hồng Kông đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty này thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc tức công ty Sáng tạo Trung Quốc và Xu hướng Trung Quốc.
Vương Lập Cường được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) huấn luyện về tình báo và trở thành một gián điệp. Vương Lập Cường trực tiếp tham dự vào công tác thâm nhập và tình báo của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Đài Loan, kiểm soát phong trào dân chủ Hồng Kông và thao túng gây ảnh hưởng đến bầu cử 9 trong 1 của Trung Hoa Dân Quốc, giúp đỡ Quốc dân đảng thắng cử. Ngoài ra, còn tham dự vào sự kiện bắt cóc chủ nhà sách Vịnh Đồng La ở Hồng Kông.
Sau khi sự kiện Vương Lập Cường được đưa ra ánh sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Sáng tạo Trung Quốc và Xu thế Trung Quốc là Hướng Tâm cùng vợ Cung Thanh đã bị bắt giữ tại sân bay Đài Loan vào ngày 24/11. Sáng sớm ngày 26/11, cơ quan kiểm sát Đài Bắc ra lệnh hạn chế vợ chồng Hướng Tâm xuất cảnh ra nước ngoài. Phía Bắc Kinh và Quốc dân đảng lần lượt tuyên bố nói Vương Lập Cường là tội phạm lừa đảo.
Ngày 3/12, nhà nghiên cứu Trung Quốc Peter Mattis thuộc Quỹ Jamestown tại Mỹ nói: “Nếu thông tin chúng ta nghe thấy là chính xác, đôi vợ chồng mà Vương Lập Cường làm chứng đã lựa chọn ở lại Đài Loan, làm như thế là để cho bản thân một con đường thoát ly khỏi gián điệp Trung Quốc, bởi vì đã có tiền lệ gián điệp bị bộ bị khai trừ.”
>> Mật vụ ĐCSTQ đào thoát tiết lộ hoạt động thâm nhập Hồng Kông, Đài Loan, Úc
2. Hội nghị Trump – Kim tại Hà Nội
Từ ngày 27-28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam, nội dung chủ yếu là thảo luận phương thức thực thi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc gặp lần thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo sau Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore hồi năm 2018. Trong thời khuôn khổ Hội nghị Trump – Kim lần 2, nhận lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Kim Jong-un cũng đã tiến hành thăm chính thức Việt Nam.
Tổng thống Trump trong thời gian này cũng đã tổ chức hội nghị song phương với Việt Nam, và dùng bữa trưa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại hội nghị Trump – Kim lần này, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã không đạt được nhận thức chung về vấn đề giải trừ chế tài Bắc Triều Tiên, cuối cùng đàm phán đã đổ bể và kết thúc sớm.
>> Trump, Kim bất ngờ cắt ngắn lịch trình họp thượng đỉnh Hà Nội
Ngày 30/6, Tổng thống Trump tiếp tục hội kiến với ông Kim Jong-un tại khu vực phi quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, ông Trump đã bước sang lãnh thổ Bắc Triều Tiên trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
3. Bức ảnh về hố đen vũ trụ lần đầu tiên được công bố
Ngày 10/4, dự án nghiên cứu xuyên quốc gia Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ trong lịch sử nhân loại. Hố đen siêu lớn này nằm cách Trái đất 55 triệu năm ánh sáng và khối lượng của nó gấp 6,5 tỷ lần so với mặt trời. Ảnh hưởng của hố đen được chụp thành công lần này, không những là hố đen đầu tiên được chụp trong lịch sử nhân loại, và nó cũng là một trong những phát hiện to lớn của Thiên văn học và Vật lý học thế kỷ 21. Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan Liêu Tuấn Trí cho biết, Đài Loan cũng có một một vị trí trong dự án Kính viễn vọng chân trời sự kiện chụp được hố đen vũ trụ lần này.
Dự án Kính viễn vọng Chân trời sự kiện được chính thức thành lập năm 2017. Nó bao gồm nhiều kính viễn vọng sóng vô tuyến như kính thiên văn quan sát bước sóng dưới milimét ở Hawaii và kính thiên văn vô tuyến milimét và dưới milimét Atacama ở Chile, v.v, tạo thành mạng lưới toàn cầu, mục đích là để chụp và phác hoạ hình ảnh hố đen đầu tiên.
4. Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy
Khoảng 18:50 ngày 15/4, Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, địa điểm xảy ra đám cháy là mái nhà trong nhà thờ, cuối cùng ngọn lửa đã khiến cho phần đỉnh của nhà thờ bị sụp đổ, mái gỗ ở giữa và phía sau bị thiêu hủy hoàn toàn. Hàng trăm lính cứu hỏa tại Paris đã thức suốt đêm để cứu hỏa, đến sáng ngày 16/4 mới dập tắt được lửa, tránh được hủy hoại kết cấu kiến trúc chỉnh thể của nhà thờ. Một vài ngày trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn này, mười hai bức tượng tông đồ trên đỉnh tháp đã được hạ xuống để tiến hành sửa chữa do đó mà tránh được bị hủy hoại.
Vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã khiến cho nước Pháp và toàn thế giới chú ý. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố nước Pháp sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà và tổ chức hoạt động gây quỹ sửa chữa. Trong thời gian sửa chữa lại nhà thờ, tất cả các tác phẩm nghệ thuật quý giá sẽ được tạm thời chuyển đến Viện bảo tàng Louvre để bảo quản. Đến ngày 22/4/2019, hoạt động gây quỹ sửa chữa Nhà thờ Đức Bà Paris đã nhận được hơn 1 tỷ Euro. Thời gian tu sửa phục hồi có thể phải mất thời gian lên đến 20 năm.
>> Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy lớn
5. Phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông
Tháng 2/2019, chính phủ Hồng Kông, đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lấy lý do vụ án Trần Đồng Giai để đề xuất “Dự luật đối với người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong Lập pháp các vấn đề Hình sự (Sửa đổi) 2019” (gọi tắt là Dự luật Dẫn độ), nói rằng sửa đổi luật này nhằm mục đích vá lỗ hổng tư pháp của Hồng Kông, từ đó tránh cho Hồng Kông trở thành “thiên đường tội phạm bỏ trốn”. Do lo lắng dự luật này sẽ làm suy yếu vị thế độc lập tư pháp của Hồng Kông, và dự luật này trở thành công cụ trấn áp những người bất đồng chính kiến của chính quyền Bắc Kinh, nên người dân Hồng Kông trong các ngành nghề khác nhau như giới công thương, tài chính, học thuật, truyền thông, pháp luật đã đề xuất ý kiến phản đối.
Ngày 15/3, Đảng Demosistō Hồng Kông đã phát động hoạt động tĩnh tọa trước Trụ sở chính phủ Hồng Kông, yêu cầu rút lại dự luật sửa đổi này. Từ tháng 3 – 4, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông đã có 2 lần tổ chức diễu hành biểu tình. Ngày 9/6, mặt trận này tiếp tục phát động diễu hành phản đối Dự luật Dẫn độ, hơn 1 triệu người đã ra đường tham gia diễu hành.
Ngày 6/12, người Hồng Kông đề xuất 5 yêu cầu lớn (triệt để thu hồi lại Dự luật Dẫn độ sửa đổi, thu hồi lại định tính người biểu tình là bạo động, huỷ bỏ cáo buộc tội danh đối với tất cả những người tham gia kháng nghị, thành lập Uỷ ban điều tra tư pháp độc lập, lập tức thực hành bầu cử phổ thông, Trưởng Đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức). Ngày 15/6, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố tạm hoãn dự luật lại. Ngày 9/7, bà Lâm cho biết dự luật “đã chết”. Ngày 23/10, bà Lâm lại tuyên bố, chính phủ Hồng Kông chính thức thu hồi lại dự luật, nhưng không màng tới những yêu cầu khác của người dân.
Ngày 24/11, phe Dân chủ Hồng Kông giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong cuộc bầu cử cấp quận ở Hồng Kông, giành được 388 ghế nghị viên, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga lần đầu tiên thừa nhận xã hội không hài lòng với chính phủ.
Từ khi bùng nổ hoạt động phản đối Dự luật Dẫn độ quy mô lớn ngày 9/6 đến nay, đã có hơn 6.000 người đã bị cảnh sát bắt giữ, số người bị bắt còn nhiều hơn cả số người đang thụ hình trong tù ở Hồng Kông. Trong thời gian này vụ việc cảnh sát Hồng Kông sử dụng bạo lực như bắn đạn trúng một cô gái Hồng Kông và một nữ phóng viên người Indonesia làm mù mắt phải, cảnh sát bắn đạn thật và người dân, và còn có nhiều vụ án mạng ly kỳ mà cảnh sát nói là “nguyên nhân tử vong không có gì khả nghi”. Trong tình huống chính quyền Bắc Kinh biểu đạt thái độ ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi chuyển giao chủ quyền Hồng Kông ngày 1/71997 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Nhà thờ Đức bà Paris Dòng sự kiện Dự luật dẫn độ Hồng Kông Vương Lập Cường thế giới 2019