12 biện pháp đối phó của EU nhắm vào chèn ép thương mại của ĐCSTQ
- Văn Long
- •
Trước tố cáo của Litva về việc bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kinh tế do quan hệ với Đài Loan, EU đã thúc đẩy một quy định pháp lý nhằm chống lại tình trạng nước thành viên bị nước bên ngoài chèn ép thương mại trong đó có thuế quan.
Theo nguồn tin từ EUobserver, vào ngày 6/12, Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Litva đã viết thư cho Ủy ban EU phàn nàn việc Chính phủ của ĐCSTQ đã không tuyên bố mà tự ý không cho các công ty dược phẩm, điện tử và thực phẩm của Litva vào thị trường Trung Quốc.
Ông Landsbergis cho biết trong thư rằng chính quyền ĐCSTQ đã không thông báo cho Litva về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, đã tự ý từ chối các yêu cầu của văn phòng Bắc Kinh và Thượng Hải về việc thông quan hàng hóa, điều này khiến “áp lực kinh tế có động cơ chính trị tăng lên mức cao chưa từng thấy”.
Trước đó, Litva tiếp tục phát triển quan hệ với Đài Loan bất chấp sức ép của ĐCSTQ, gần đây việc đồng ý cho Đài Loan thành lập văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius của Litva với tên gọi “Đài Loan” càng làm dấy lên sự tức giận của Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ triệu hồi Đại sứ tại Litva mà còn hạ quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ cấp đại sứ xuống cấp đại biện. Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí còn đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và phản công đối với Litva.
Ngoại trưởng Landsbergis tiết lộ trong bức thư rằng thực tế, việc chèn ép kinh tế của chính quyền ĐCSTQ đối với Litva đã bắt đầu sau khi Litva rút khỏi cơ chế hợp tác “17 + 1” giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu vào tháng 5 năm nay.
Ủy ban EU đã trả lời Litva vào ngày họ nhận được bức thư từ ông Landsbergis. Người phát ngôn của EU cho biết: “Chúng tôi sẽ xem vấn đề này là cá biệt hay mang tính hệ thống. Nhưng nếu vấn đề được xác thực, chúng tôi sẽ xem liệu hành động của Trung Quốc có phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thượng mại Thế giới (WTO) hay không”.
Đồng thời EU đã nhanh chóng xúc tiến một quy định nhằm ứng phó với tình trạng các nước thành viên của họ bị nước khác bên ngoài áp bức kinh tế, để qua đó có thể có phản ứng nhanh chóng kịp thời. Vào ngày 7/12, Financial Times đưa tin rằng luật chống cưỡng chế này sẽ trao cho Ủy ban EU quyền hạn lớn hơn để thực hiện các biện pháp tương ứng ở cấp độ thuế quan, hạn ngạch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thậm chí loại bỏ nước liên quan ra khỏi thị trường tài chính EU.
Nhưng kế hoạch này cần được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên EU và Nghị viện EU thì mới có hiệu lực. Một số nước thành viên lo ngại quy định pháp lý này có thể vi phạm quy định của WTO, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và phá hoại hệ thống thương mại mong manh.
Dự thảo được Ủy ban EU thông qua vào ngày 8/12 nêu rõ, quy định này sẽ ngăn các nước tiến hành cưỡng bức kinh tế đối với các nước thành viên EU.
Theo Tạp chí Politico, Dự thảo được Ủy ban EU thông qua này sẽ cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các nước ngoài EU, nó có thể được sử dụng trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Litva.
Theo đó, Ủy ban EU sẽ có thể nhanh chóng đáp trả các đòn trả đũa tương tự như Chính phủ của ĐCSTQ đã làm. Nếu đàm phán với bên kia không giải quyết được vấn đề thì EU có thể áp dụng 12 biện pháp đối phó, bao gồm thuế quan, cấm nhập khẩu, đình chỉ hợp tác khoa học, và hạn chế hệ thống ngân hàng và bảo hiểm cũng như các hoạt động dịch vụ tài chính khác của các nước liên quan trong vấn đề tiếp cận thị trường EU. Các biện pháp này có thể nhằm vào các công ty hoặc cá nhân.
Báo cáo thường niên trước đó của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho rằng khi môi trường kinh doanh của Trung Quốc trở nên chính trị hóa hơn, các doanh nghiệp từ EU ngày càng sợ bị trừng phạt một cách tùy tiện và bị loại khỏi các lĩnh vực thị trường quan trọng của Trung Quốc. Báo cáo này tổng hợp ý kiến khảo sát của hơn 1700 công ty thành viên và nhóm công tác, chỉ ra rằng các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc hiện có thêm lý do để tin rằng họ sẽ trở thành nạn nhân của hình phạt tùy tiện. Các hoạt động trước đây của Trung Quốc như áp thuế đối với các sản phẩm của Úc là ví dụ. Thị trường Trung Quốc tiếp tục thiếu cởi mở tương ứng, các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm… chịu những “rào cản quan liêu” khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thể giành được thị phần.
Văn Long, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa EU Litva Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Litva Gabrielius Landsbergis