162 nhà nghiên cứu của cơ sở hạt nhân hàng đầu Hoa Kỳ hiện làm việc cho TQ
- Gia Huy
- •
Theo một báo cáo mới, hơn 150 nhà khoa học từng làm việc tại phòng thí nghiệm an ninh quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ đã được chính quyền Trung Quốc tuyển dụng để làm nghiên cứu. Nghiên cứu đó chủ yếu trực tiếp thúc đẩy công nghệ quân sự của Trung Quốc, hiện đang đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Báo cáo, do công ty tình báo chiến lược Strider Technologies công bố, cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành một kế hoạch có hệ thống để tuyển dụng các nhà khoa học hàng đầu từ Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) để làm việc cho các chương trình quân sự của mình.
Tọa lạc tại bang New Mexico, LANL là một bộ phận quan trọng trong chương trình an ninh và quốc phòng của Hoa Kỳ và là nơi vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được phát triển. Đây là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học của cơ sở này tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, khám phá không gian, phản ứng tổng hợp hạt nhân, công nghệ nano, và siêu máy tính.
Theo báo cáo, ít nhất 162 nhà nghiên cứu của LANL đã được ĐCSTQ tuyển dụng trong 35 năm qua. Trong số đó, nhiều người hiện vẫn tiếp tục tiến hành nghiên cứu quân sự cho Trung Quốc. Đặc biệt, ít nhất một người trong số đó trước đây đã được quyền truy cập vào thông tin tối mật của Bộ Năng lượng Mỹ.
Báo cáo nhận định: “Các nhà khoa học cũ trước đây của phòng thí nghiệm Los Alamos đã và đang tiếp tục đóng góp đáng kể cho các chương trình siêu thanh, tên lửa và tàu ngầm của Trung Quốc, vốn gây ra hàng loạt rủi to an ninh cho Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới tự do.”
Báo cáo khuyến nghị: “Cần có sự bảo vệ tốt hơn đối với các tổ chức [khoa học], các chương trình nghiên cứu, và các nhà khoa học phát triển các sản phẩm mới trong thời đại cạnh tranh chiến lược mà không làm tổn hại đến sự hợp tác khoa học cởi mở.”
“Chiến lược Siêu cường Nhân tài”
Theo báo cáo, ĐCSTQ tiến hành “Chiến lược Siêu cường Nhân tài” nhằm khuyến khích các học giả, các nhà nghiên cứu, và các nhà khoa học Trung Quốc ra nước ngoài, nâng cao trình độ chuyên môn của họ, và quay trở về Trung Quốc để thúc đẩy các lợi ích chiến lược của quốc gia.
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc, những người đến Hoa Kỳ để được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia, đã tham gia vào các chương trình nhân tài của ĐCSTQ. Ít nhất 50 người trong số đó đã làm việc tại phòng thí nghiệm LANL và sau đó trở về Trung Quốc để làm nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu này tham gia vào Chương trình Nghìn Nhân tài của ĐCSTQ hoặc chi nhánh của chương trình này.
Báo cáo lưu ý, về cơ bản, chương trình này và các chương trình tương tự khác của ĐCSTQ được thiết kế để hoạt động nhằm “khai thác” cam kết của phương Tây đối với sự hợp tác khoa học toàn cầu.
Hơn nữa, theo báo cáo, các chương trình như vậy của chính quyền Trung Quốc thường yêu cầu những người tham gia chương trình này tổ chức và đào tạo các nhà nghiên cứu Trung Quốc khác, nhưng không được thông báo cho cơ quan chủ quản của họ về yêu cầu này. Bằng cách này, các chương trình nhân tài của ĐCSTQ đã lợi dụng các nhà nghiên Trung Quốc, đang làm việc tại các cơ sở khoa học của Hoa Kỳ, làm đầu cầu thông qua đó có thêm nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc được đào tạo.
Báo cáo cảnh báo: “Trên thực tế, các chương trình nhân tài [của Trung Quốc] đang ngày càng mở rộng mạng lưới tuyển dụng.”
“Sau khi được nhận, những người tham gia chương trình được khuyến khích và có nghĩa vụ xác định nhân tài hàng đầu để bố trí vào các vị trí nghiên cứu mong muốn tại cơ sở chủ quản của họ và để cuối cùng được [Trung Quốc] tuyển dụng trở lại.”
Quân đội Trung Quốc được thanh toán bằng tiền thuế của người dân Mỹ
Báo cáo lưu ý, trong số 113 nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và các nhân viên làm việc dài hạn tại cơ sở LANL đã trở về Trung Quốc, hơn 79% trong số đó được chọn tham gia vào các chương trình nhân tài của chính phủ Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu này tiếp tục đóng góp để phát triển các chương trình: siêu thanh, động cơ phản lực, đầu đạn hạt nhân, phương tiện không người lái, và tàu ngầm tàng hình của ĐCSTQ.
Báo cáo đưa những ví dụ điển hình về cách thức hoạt động của quá trình này thông qua việc nghiên cứu sự nghiệp của một số nhà nghiên cứu có liên quan đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm LANL và sau đó được ĐCSTQ tuyển dụng.
Một trong những nhân vật như vậy là ông Chen Shiyi.
Ông Chen là chuyên gia trong lĩnh vực động lực học chất lỏng và sự nhiễu loạn. Ông trải qua nhiều năm trong những năm 1990 làm việc tại phòng thí nghiệm LANL với tư cách là thành viên của tổ chức Oppenheimer Fellow. Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 2005, ông Chen trở thành phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh và sau đó là chủ tịch của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở tỉnh Thẩm Quyến, nơi ông bắt đầu tuyển dụng các nhà khoa học có liên kết sâu với LANL.
Trong số những người được ông Chen tuyển dụng là ông Zhao Yusheng, nhà khoa học đã làm việc tại LANL hơn 18 năm.
Trong thời gian đó, các dự án của ông Zhao nhận được hơn 19,8 triệu đô la tài trợ không hoàn lại của chính phủ Mỹ. Báo cáo tiết lộ, một trong số các nghiên cứu được tài trợ của ông Zhao là nghiên cứu về đầu đạn xuyên sâu trong lòng đất.
Sau đó, ông Zhao trở thành người giám sát và bảo trợ cho ít nhất 25 nhà nghiên cứu sau tiến sĩ. Ít nhất 8 người trong số đó đến từ Trung Quốc và sau đó quay trở lại quê hương để làm việc.
Ngoài ra, một trong những nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, mà ông Zhao đào tạo, đã trở về Trung Quốc ngay sau khi nộp bằng sáng chế quốc phòng về công nghệ tương tự dựa trên nghiên cứu của chính ông Zhao về đầu đạn xuyên sâu trong lòng đất.
Theo báo cáo, nhà nghiên cứu đó hiện đang làm việc cho Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc, đây là tổ chức chính của ĐCSTQ chuyên tiến hành nghiên cứu, phát triển, và thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Thông qua cách tiếp cận mạng lưới các mối quan hệ nghiên cứu đan xen và trải rộng này, ĐCSTQ đã có được một đội ngũ các nhà nghiên cứu quân sự có chuyên môn cao, tất cả những người này đều được đào tạo và làm việc tại Hoa Kỳ với chi phí từ tiền thuế của người dân Mỹ.
Thực tế, số nhà nghiên cứu Trung Quốc từng làm việc tại phòng thí nghiệm LANL trong môi trường nghiên cứu quân sự của Trung Quốc nhiều đến nỗi một bài báo năm 2017 trên tờ SCMP cho biết, nhiều nhà khoa học đã trở về Trung Quốc để làm nghiên cứu quân sự tự gọi mình là “Câu lạc bộ Los Alamos.”
Báo cáo của Strider đặt ra câu hỏi liệu mối đe dọa đối với an ninh quốc gia này có thể lan rộng hơn hay không và lưu ý rằng LANL chỉ là một trong hàng trăm tổ chức đang tuyển dụng những người tham gia vào các chương trình nhân tài của Trung Quốc.
Báo cáo kết luận: “Tổng bí thư Tập Cận Bình và các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ cho rằng các nỗ lực tuyển dụng tương tự có thể lan rộng trong các phòng thí nghiệm, các tổ chức nghiên cứu học thuật và các trung tâm đổi mới quan trọng do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Từ khóa cơ sở nghiên cứu hạt nhân Dòng sự kiện nhà khoa học Mỹ Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamo