Cơ quan Khảo sát Địa vật lý Mỹ (USGS) cho biết, 2 trận động đất mạnh với cường độ 6,9 và 7,1 đã xảy ra ở vùng biển gần đảo Kyushu ở miền nam Nhật Bản hôm thứ Năm (8/8). Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sóng thần.

dong dat o Nhat Ban
Vào ngày 8/8/2024, một trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra ở phía tây nam Nhật Bản, gây ra cảnh báo sóng thần. Hình ảnh cảnh báo sóng thần từ trang web của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. (Ảnh từ trang web Dự báo thời tiết Nhật Bản)

Theo USGS, trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 4:42 chiều giờ địa phương (7:42 GMT) ở độ sâu 33 km và trận thứ hai ở độ sâu gần 25 km.

Tờ Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, vào khoảng 4h43 chiều ngày 8/8, một trận động đất có cường độ 6 độ yếu (tiêu chuẩn Nhật Bản) đã được quan sát thấy ở khu vực phía nam tỉnh Miyazaki, đảo Kyushu. Cơ quan Khí tượng cho biết tâm chấn của trận động đất là ở vùng biển Hyuga Nada ở độ sâu khoảng 30 km. Cường độ của trận động đất được ước tính là 7,1 độ Richter. Cơ quan Khí tượng đã ban hành cảnh báo sóng thần đối với các tỉnh Kochi, Ehime, Oita, Miyazaki và Kagoshima.

Đài Truyền hình NHK đưa tin, sóng thần cao tới 1m có thể đã tấn công một số khu vực ven biển ở Kyushu và Shikoku.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo trên mạng xã hội X rằng: “Sóng thần sẽ tấn công liên tục. Vui lòng không ra biển hoặc đến gần bờ biển cho đến khi cảnh báo được dỡ bỏ”.

Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn lời Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết hơn một giờ sau trận động đất rằng sóng thần chỉ cao 50cm, 20cm và 10cm đã được xác nhận ở một số nơi. Không có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại trực tiếp.

Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố cho biết một nhóm công tác đặc nhiệm đã được thành lập để ứng phó với hai trận động đất.

​​Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa trong một cuộc họp báo bất thường cho biết Chính phủ Nhật Bản đang xác nhận các thiệt hại về người và tài sản, cũng như xác nhận chưa có báo cáo bất thường nào đối với các cơ sở hạt nhân cho đến thời điểm hiện tại.

Ông Hayashi đồng thời cảnh báo người dân sống tại vùng chịu động đất mạnh nên chú ý đến thông tin sơ tán từ chính quyền địa phương, cũng như thông tin trên đài truyền hình, đài phát thanh và Internet.

Nằm ở giao điểm của một số mảng dọc theo “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, Nhật Bản là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới. Quốc gia có dân số khoảng 125 triệu người này hứng chịu khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm, chiếm khoảng 18% số trận động đất trên thế giới. Theo AFP, phần lớn các trận động đất là lành tính và ngay cả những trận động đất mạnh nhất thường gây ra ít thiệt hại. Điều này là nhờ nước này áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng chống động đất cực kỳ nghiêm ngặt. Người Nhật cũng rất biết cách thực hiện các biện pháp khẩn cấp khi gặp thiên tai.

Vào ngày 1/1 năm nay, miền trung Nhật Bản đã hứng chịu một trận động đất mạnh khiến ít nhất 318 người thiệt mạng. Trận động đất và các dư chấn sau đó khiến các tòa nhà sụp đổ và gây ra hỏa hoạn.

Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận ở Nhật Bản là trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011, gây ra sóng thần khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Sóng thần cũng gây ra vụ thảm họa hạt nhân Fukushima, đây là thảm họa nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ tai nạn Chernobyl năm 1986.

Trí Đạt (t/h)