50 nước kêu gọi ĐCSTQ trả tự do người dân bị giam giữ ở Tân Cương
- Vương Quân
- •
Theo AFP, có 50 nước đã ký văn kiện chung được hội luận tại Liên Hợp Quốc (LHQ), lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra ở Tân Cương.
Ngày 31/10, Ủy ban thứ Ba của Đại hội đồng LHQ (UN General Assembly Third Committee) – cơ quan chịu trách nhiệm về nhân quyền – đã tổ chức thảo luận liên quan vấn đề nhân quyền tại Tân Cương – Trung Quốc. Tại hội nghị, đại diện Canada đọc bản tường trình có chỉ ra: “Chúng tôi long trọng quan tâm đến nhân quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là những vi phạm nhân quyền đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo ở Tân Cương”.
Tuyên bố cũng cho biết “những vi phạm nhân quyền có hệ thống và thô bạo như vậy không thể được biện minh bằng ‘chống khủng bố’. Với đánh giá nghiêm trọng của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR), chúng tôi lo ngại vấn đề đến nay ĐCSTQ vẫn từ chối thảo luận về kết quả điều tra của họ.”
50 nước ký kết bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Úc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Guatemala và Somalia.
Các nước kêu gọi ĐCSTQ thực thi các khuyến nghị của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, bao gồm cả việc cần phải có hành động nhanh chóng để trả tự do cho tất cả các cá nhân bị tước tự do một cách tùy tiện ở Tân Cương, khẩn trương làm rõ số phận và tung tích của thành viên gia đình mất tích, hỗ trợ liên lạc và đoàn tụ gia đình an toàn cho họ.
Trước đó hồi tháng 8, Cao ủy Nhân quyền LHQ đã công bố một báo cáo về Tân Cương được nhiều người mong đợi, trong đó nêu ra những tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng phía tây xa xôi của Đại Lục. Tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc và nói rằng đó là để chống khủng bố và đảm bảo sự phát triển của khu vực này. Sau đó vào đầu tháng 10, nhà chức trách Bắc Kinh đã cố gắng tránh được hoạt động thảo luận về báo cáo này khi “thúc đẩy thành công” nhiều thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Council).
Ngày 31/10, tổ chức phi chính phủ quốc tế “Quan sát nhân quyền” (Human Rights Watch) đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ khởi động lại và bắt đầu một cuộc tranh luận càng sớm càng tốt. Giám đốc Louis Charbonneau của Human Rights Watch trú tại LHQ lưu ý rằng rõ ràng đang có động lực ngoại giao ngày càng tăng hối thúc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ. Human Rights Watch kêu gọi các thành viên Hội đồng cố gắng thảo luận lại càng sớm càng tốt và xem xét thiết lập một cơ chế do LHQ hậu thuẫn để truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ đối với các hành vi vi phạm nhân quyền.
Cựu Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho biết trong báo cáo Tân Cương công bố vào tháng 8, rằng tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đòi hỏi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ của LHQ và hệ thống nhân quyền, cũng như cộng đồng quốc tế phải cấp thiết quan tâm. Bà cũng đề nghị chính quyền Bắc Kinh nên hành động nhanh chóng trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ trong cái mà họ gọi là “trung tâm đào tạo” núp bóng nhà tù hoặc cơ sở giam giữ.
Vấn đề uy tín của LHQ trong trì hoãn thảo luận
Theo tin ngày 8/10 của AFP từ Geneva, việc Hội đồng Nhân quyền LHQ từ chối thảo luận về tình hình Trung Quốc (Tân Cương) đã làm suy giảm uy tín của họ, điều mà nhiều chuyên gia xem là “chiến thắng thảm hại” rất quan trọng đối với Bắc Kinh.
Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên đã bác bỏ cuộc tranh luận dự thảo này với tỷ lệ đa số 19 phiếu chống so với 17 phiếu thuận.
Giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Newcastle là Jo Smith Finley cho biết cơ quan của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã “hoàn toàn thất bại”. Bà chỉ trích trên Twitter rằng hoạt động của Hội đồng đã dựa trên lợi ích chính trị và kinh tế hơn là giá trị nhân quyền phổ quát.
Cố vấn David Griffiths về vấn đề nhân quyền tại Viện Chatham (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London) gọi cuộc bỏ phiếu là “điểm trừ” của cơ quan nhân quyền của LHQ.
Trong khi đó người phụ trách Phil Lynch của tổ chức phi chính phủ “Dịch vụ Quốc tế về Nhân quyền” (International Service for Human Rights), cho rằng đây là một chiến thắng thảm hại của Bắc Kinh: Một chiến thắng cao đến mức giống như một thất bại. Ông chỉ ra tỷ lệ sát sao đó cho thấy đây là điều chúng ta cần phải bảo vệ, và rằng ĐCSTQ không thể tiếp tục phạm tội ác chống lại loài người mà không bị trừng phạt. Ông cũng cho rằng ĐCSTQ đã huy động quy mô lớn, thậm chí gây sức ép khủng khiếp dưới các hình thức đe dọa cũng như ‘đãi ngộ’ cho các phái đoàn phản đối văn bản này, dù vậy điều đó là quá nhỏ để có thể bỏ qua, vấn đề đã cho chúng ta thêm quyết tâm thúc đẩy truy cứu.
Từ khóa Tân Cương Người Duy Ngô Nhĩ diệt chủng ở Tân Cương nhân quyền ở Tân Cương trại lao động ở Tân Cương nhân quyền ở Trung Quốc