Chính phủ Ấn Độ vừa hạ cấp bậc quan hệ ngoại giao với Pakistan và công bố một loạt biện pháp trả đũa sau vụ tấn công xuyên biên giới do các phần tử vũ trang thực hiện tại vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir vào ngày thứ Ba (22/4), khiến 26 thường dân thiệt mạng.

39820993982 6ed97f57e4 b
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn ảnh: World Economic Forum/Manuel Lopez/Flickr)

Cuộc họp khẩn của Ủy ban An ninh Nội các do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì vào ngày thứ Tư (23/4) đã quyết định 5 biện pháp trả đũa. Trong số đó có việc tuyên bố các tùy viên quốc phòng tại Cao ủy Pakistan là những nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata), đồng thời giảm số lượng phái đoàn ngoại giao của Islamabad ở Ấn Độ từ 55 người xuống còn 30. Ấn Độ cũng sẽ triệu hồi các cố vấn quân sự của mình khỏi Cao ủy tại thủ đô Pakistan.

Biện pháp trả đũa còn bao gồm việc hủy bỏ thị thực đối với công dân Pakistan theo Chương trình Miễn Thị thực SAARC, một cơ chế dành riêng cho một số chức sắc được cấp Giấy thông hành đặc biệt trong khu vực, cho phép họ không cần thị thực. Tổ chức SAARC — Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á — bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Trong buổi họp báo với giới truyền thông sau phiên họp, Ngoại trưởng Vikram Misri tuyên bố các cố vấn quốc phòng, lục quân, hải quân và không quân tại Cao ủy Pakistan có thời hạn một tuần lễ để rời khỏi Ấn Độ. Các công dân Pakistan hiện đang cư trú tại Ấn Độ theo chế độ miễn thị thực SVES buộc phải rời khỏi lãnh thổ trong vòng 48 giờ.

Ấn Độ cũng đã ra lệnh đóng cửa Trạm Kiểm soát Tích hợp Attari có hiệu lực ngay lập tức. Trạm Kiểm soát Tích hợp Attari thường được biết đến với tên gọi cửa khẩu biên giới Wagah-Attari giữa hai quốc gia.  

Những người đã nhập cảnh bằng giấy tờ hợp lệ có thể quay về [Pakistan] bằng tuyến đường ấy [cửa khẩu Wagah-Attari]  trước ngày 1 tháng 5 năm 2025”, ông Misri nói thêm, qua đó mở ra một khung thời gian hẹp để những du khách hiện hành có thể quay lại.

Ngoài ra, New Delhi cũng tuyên bố tạm đình chỉ ngay lập tức Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn Độ (Indus) ký kết năm 1960, vốn quy định các quyền hạn và nghĩa vụ của hai nước láng giềng Nam Á trong việc sử dụng nguồn nước thuộc hệ thống sông Ấn. “Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn năm 1960 sẽ bị đình chỉ ngay lập tức, cho đến khi nào Pakistan [thực sự] và dứt khoát từ bỏ mọi sự hậu thuẫn cho các hoạt động khủng bố xuyên biên giới”, ông Misri tuyên bố dứt khoát.

Ít nhất 26 người — trong đó có hai du khách ngoại quốc — đã thiệt mạng trong một vụ thảm sát dân thường đẫm máu nhất tại Kashmir trong vòng một thập niên qua. Những kẻ khủng bố đã nổ súng vào đoàn khách du lịch đang tham quan thảo nguyên Baisaran nổi tiếng tại vùng thượng nguồn Pahalgam thuộc Jammu và Kashmir vào chiều thứ Ba (22/4). Hơn 20 người khác cũng bị thương, trong đó một số bị thương rất nặng. Mặt Trận Kháng Chiến (The Resistance Front) — một tổ chức vũ trang bị đặt ngoài vòng pháp luật có liên hệ với tổ chức Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan — được cho là đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Từ lâu, chính phủ New Delhi vẫn cáo buộc Pakistan hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới — một cáo buộc luôn bị Islamabad bác bỏ. Hôm thứ Tư (23/4), Bộ Ngoại giao Pakistan đã bày tỏ “quan ngại” về số người thiệt mạng, đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và cầu chúc cho “những người bị thương chóng bình phục”. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng đã triệu tập phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để đánh giá tình hình.

Thiên Vân, theo RT