Theo một tuyên bố chính thức, chính phủ Anh đã công bố gói trừng phạt ‘lớn nhất từ trước đến nay’ đối với Nga. London nói rằng biện pháp này nhằm giáng một đòn vào mạng lưới vận chuyển dầu của Nga và làm giảm doanh thu năng lượng của Moskva.

Thu tuong Anh Keir Starmer
Lãnh đạo Đảng Lao động và Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu với truyền thông khi ông tới Số 10 Phố Downing, London, Anh Quốc vào ngày 5 tháng 7 năm 2024. Đảng Lao động đã chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử 2024, kết thúc 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ. (Nguồn ảnh: Alison Jackson/Getty Images)

Thông báo nêu trên được đưa ra hôm thứ Sáu (9/5), đúng vào thời điểm Nga kỷ niệm 80 năm ngày đánh bại Đức Quốc xã.

Anh là một trong những nước ủng hộ Ukraine trung thành nhất, cung cấp cho Kiev hỗ trợ quân sự và chiến thuật cùng hàng tỷ USD tiền mặt và từ lâu đã tuyên bố rằng Moskva gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Vương Quốc Anh. Các chính phủ Anh liên tiếp trong hơn ba năm qua kể từ khi chiến tranh Nga–Ukraine leo thang vào cuối tháng 2/2022, đã áp đặt hơn 2.000 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga.

Mối đe dọa mà Nga gây ra đối với an ninh quốc gia của chúng ta không thể bị đánh giá thấp. Để tăng áp lực lên Putin, tôi sẽ công bố gói trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay”, Thủ tướng Anh Keir Starmer viết trên mạng xã hội X.

Các biện pháp trừng phạt mới này sẽ đưa vào danh sách đen tới 100 tàu chở dầu mà phương Tây tuyên bố là một phần của “đội tàu bình phong” của Nga, các tàu cũ hoạt động bên ngoài hệ thống bảo hiểm của phương Tây. Theo London, các tàu này đã vận chuyển hơn 24 tỷ USD hàng hóa kể từ đầu năm 2024.

Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển của Nga và gói trừng phạt thứ 17 của EU dự kiến được phê duyệt vào cuối tháng này, sẽ đưa vào danh sách đen 150 tàu khác của Nga.

Moskva đã bác bỏ các biện pháp chế tài này, gọi đó là động thái “vô ích“, sẽ không gây hại cho nền kinh tế Nga, mà thay vào đó sẽ đẩy giá năng lượng và lạm phát lên cao trên khắp châu Âu.

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga vẫn mạnh mẽ nhờ những đối tác mua hàng không phải từ phương Tây, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Hồi tháng Tư, Đại sứ quán Nga tại London đã kêu gọi chính phủ Anh ngừng “những cử chỉ thù địch mang tính kịch và ngắn hạn đối với Nga“.

Vương Quốc Anh cũng cáo buộc các tàu của Nga mà họ đưa vào danh sách đen gây ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, chẳng hạn như cáp viễn thông và đường ống dẫn dầu và khí đốt. Cáo buộc này bị Moskva bác bỏ và gọi đó là “những câu chuyện bịa đặt vội vàng“.

Lời lẽ cứng rắn về lệnh trừng phạt mới của London được đưa ra trong bối cảnh gần như Anh, cùng với EU, đang bị gạt ra khỏi tiến trình hòa bình Ukraine.

Một cuộc họp quan trọng của London về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã bị hạ cấp vào tháng trước sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hủy bỏ lịch trình tham dự. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã đưa ra ý tưởng về việc có thể dỡ bỏ một phần các hạn chế thương mại đối với Nga, coi đó là một phần của giải pháp hòa bình tiềm năng.

Hải Đăng, theo RT