Antony Blinken: Trung Quốc ngày càng ‘hung hăng hơn ở nước ngoài’
- Minh Ngọc
- •
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào Chủ nhật (2/5), hành động của Trung Quốc gần đây tại nước ngoài ngày càng “hung hăng hơn” và cách hành xử cũng “ngày càng theo hướng đối nghịch”.
Khi được chương trình “60 Minutes” của đài CBS News hỏi về việc liệu Washington có tiến tới một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh hay không, ông Blinken đã trả lời: “Đi đến bước đó, hoặc thậm chí đi theo hướng đó là điều hoàn toàn bất lợi cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm: “Những gì chúng tôi đã chứng kiến trong vài năm qua là hành động của Trung Quốc có xu hướng thẳng tay đàn áp hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở nước ngoài. Đó là điều thực tế.”
Khi được hỏi về vụ những vụ đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ lên đến hàng trăm tỷ đô la Mỹ của Trung Quốc, ông Blinken cho biết chính quyền Biden có “những mối quan ngại thực sự” về vấn đề sở hữu trí tuệ
Ông nói rằng đó có vẻ giống như hành động “cố cạnh tranh không lành mạnh và ngày càng theo hướng đối nghịch. Nhưng hẳn là sẽ hiệu quả và mạnh mẽ hơn nhiều khi chúng tôi có thể tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng và cùng mối quan ngại lại với nhau để gửi đi một thông điệp cho Bắc Kinh: ‘[Những hành động] này không thể tiếp tục và sẽ không tồn tại được’.”
Hôm 28/4, chính quyền Biden chỉ trích Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” Mỹ-Trung được ký kết hồi năm ngoái.
Các cam kết này là một phần của thỏa thuận sâu rộng giữa chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump và Bắc Kinh, bao gồm việc các thay đổi quy định về công nghệ sinh học nông nghiệp và cam kết mua khoảng 200 tỷ đô la Mỹ hàng xuất khẩu của Mỹ trong vòng hai năm.
Ông Blinken đã đến London hôm Chủ nhật (2/5) để tham dự cuộc họp ngoại trưởng G7, trong đó “mối đe dọa từ Trung Quốc” là một trong những chủ đề nổi cộm trong chương trình nghị sự.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS News, ông Blinken cho biết mục đích của Hoa Kỳ không phải là “kiềm chế Trung Quốc” mà là để “duy trì trật tự dựa trên quy tắc – mà hiện Trung Quốc đang thách thức điều đó. Bất cứ đối tượng nào thách thức trật tự đó, chúng tôi sẽ đứng lên và bảo vệ nó”.
Ông Biden cũng đã xác định, ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’ là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của chính quyền của ông. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội hôm 26/4, ông cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã chỉ trích bài phát biểu này, cho rằng ông Biden không có lập trường đủ cứng rắn đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của họ.
Theo Thượng nghị sĩ Tom Cotton (tiểu bang Arkansas), “nhận xét của ông Biden về Trung Quốc không phù hợp với thời điểm hiện tại.”
“Ông ấy đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để vận động quốc gia của chúng ta chống lại mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ từ nước ngoài,” ông Cotton viết trong một tweet hôm thứ Tư (26/4).
Dân biểu Bill Huizenga (tiểu bang Michigan) nhận định trong một tweet rằng nếu ông Biden tìm cách để Trung Quốc tuân theo các tiêu chuẩn cứng rắn mà ông muốn áp đặt với Nga, ông sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn tại Quốc hội.
Các nhà lập pháp khác cũng cho rằng ông Biden đã thất bại trong việc đề cập đến các vụ vi phạm nhân quyền tràn lan của Bắc Kinh ở Tân Cương, vốn bị Hoa Kỳ chỉ định là tội diệt chủng hồi đầu năm nay.
“Tổng thống Biden hoàn toàn lờ đi việc lên án Trung Quốc vì tội ác diệt chủng nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương,” Dân biểu August Pfluger (tiểu bang Texas) đăng tweet.
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng Mỹ-Trung đánh cắp sở hữu trí tuệ Dòng sự kiện mối đe doạ từ Trung Quốc mối quan hệ Mỹ - Trung