ASEAN và Úc kêu gọi phi quân sự hóa biển Đông, ủng hộ chế tài Bắc Hàn
- Xuân Thành
- •
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Úc lần đầu được tổ chức tại Sydney, Úc đã kết thúc hôm Chủ Nhật (18/3). ASEAN và nước chủ nhà đã ban hành tuyên bố chung kêu gọi phi quân sự hóa và hướng tới hoàn thành Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ chế tài để buộc Bắc Hàn phải dừng chương trình hạt nhân.
Các lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Úc chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Thượng định đặc biệt ASEAN – Úc 2018.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 10 thành viên gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong năm 2018 này, theo quy tắc luân phiên, Thủ tướng Lý Hiển Long đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này.
Các lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull họp thượng đỉnh trong hai ngày cuối tuần vừa qua và đã phát hành tuyên bố chung vào chiều Chủ Nhật 18/3 (giờ Úc).
Về các xung đột lãnh thổ với Trung Quốc, tuyên bố chung nói: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực”.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và sự cần thiết phải tăng cường niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”, tuyên bố khẳng định.
Trung Quốc và 5 quốc gia trong khu vực, trong đó có 4 thành viên ASEAN, có xung đột, tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, hiện tại đang xúc tiến kế hoạch đàm phàn Quy tắc ứng xử (COC) trên một trong những tuyến hàng hải sầm uất nhất thế giới nhằm mục tiêu giảm rủi ro xung đột vũ trang.
Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng biển Đông là một vấn đề chung cho tất cả các quốc gia ASEAN vì đây là “câu hỏi về an ninh và ổn định”, điều sẽ “ảnh hưởng tới tất cả các nước thành viên ASEAN nếu nó đi sai hướng”.
Theo tờ Vietnamplus, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài phát biểu tại hội nghị lần này. Về vấn đề hợp tác biển, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh rằng trước hết các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và thượng tôn pháp luật phải trở thành nền tảng cho xây dựng lòng tin và giữ gìn ổn định ở khu vực.
Về vấn đề Bắc Hàn, tuyên bố chung ASEAN – Úc thúc giục chế độ Bình Nhưỡng phải “tuân thủ ngay lập tức và đầy đủ trách nhiệm của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, và kêu gọi tất cả các nước cần thực thi chế tài.
“Chúng tôi nhắc lại việc ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược bằng cách thức hòa bình, cũng như các sáng kiến hướng tới thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo chung sau hội nghị, Thủ tướng Úc Turnbull nói rằng ASEAN và Úc đã tái khẳng định cam kết sẽ phản ứng mãnh mẽ trước “những quan ngại sâu sắc mà chúng tôi chia sẻ về chương trình tên lửa hạt nhân liều lĩnh và bất hợp pháp của Bắc Hàn”.
Thay mặt ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã được khích lệ bởi các cuộc đàm phán trong hội nghị thượng đỉnh lần này và đã “lưu ý các báo cáo về cam kết của Bắc Hàn trong việc phi hạt nhân hóa và hứa hẹn không thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân, tên lửa trong thời gian này”.
Ngoài vấn đề biển Đông và Bắc Hàn, các lãnh đạo ASEAN cũng nói rằng họ đang làm việc cùng nhau để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn liên quan đến người tị nạn Hồi giáo Rohingya trốn chạy khỏi Myanmar. Trong cuộc họp ngày Chủ Nhật, Thủ tướng Úc Turnbull cũng bày tỏ rằng lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đã giải quyết vấn đề này “một cách toàn diện”.
Chủ tịch ASEAN Lý Hiển Long cho hay chính sách của ASEAN có nghĩa là “không thể can thiệp và ràng buộc một kết quả” trong cuộc khủng hoảng Rohingya. Nhưng ông Lý nhấn mạnh vấn đề này là mối quan tâm của tất cả các nước ASEAN, các thành viên sẽ lo lắng “nếu có bất kỳ sự bất ổn hoặc bất kỳ rắc rối nào” diễn ra ở một nước thành viên.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Asean Bắc Hàn Malcolm Turnbull