Bà Harris, ông Trump công bố tầm nhìn trái ngược về củng cố nền kinh tế Mỹ
- Hải Đăng
- •
Khi cuộc đua tổng thống Mỹ 2024 tới gần với chỉ gần ba tháng nữa đến Ngày Bầu cử, thì an ninh tài chính và lạm phát vẫn là các vấn đề được các cử tri quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang trình bày tầm nhìn trái ngược nhau về việc củng cố nền kinh tế Mỹ.
Bà Harris sẽ công bố kế hoạch kinh tế rộng lớn vào ngày thứ Sáu (16/8, giờ Mỹ). Kế hoạch này sẽ đề cập đến việc làm cho giá cả phải chăng với người tiêu dùng, trong đó có nỗ lực hạn chế ép giá.
Bà Harris sẽ đề xuất ban hành lệnh cấm liên bang đối với việc “doanh nghiệp ép giá trong ngành thực phẩm và tiêu dùng” nếu bà đắc cử. Đây là lệnh liên bang đầu tiên về lĩnh vực này và đã được chiến dịch Harris loan báo hôm thứ Tư (14/8).
Đề xuất nêu trên được chính thức đưa ra sau khi chính quyền Biden hôm thứ Năm (15/8) loan báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận với các công ty dược phẩm về giảm giá đối với 10 loại thuốc kê đơn đắt nhất có trong danh mục chi trả của chương trình Medicare.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã đang xác định giá và khả năng chi trả là các vấn đề chính mà chiến dịch của ông cần đẩy mạnh trong nỗ lực trở lại Nhà Trắng.
Hôm thứ Tư (14/8), cựu tổng thống đã cam kết sẽ giảm giá năng lượng thông qua ưu tiên khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên. Ông cũng nói rằng ông sẽ chỉ đạo nội các của mình “đánh bại” lạm phát và giảm giá tiêu dùng. Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (15/8), ông đã nhấn mạnh đến giá cả hàng tạp hóa và nhu cầu năng lượng Mỹ.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố tuần này cho thấy rằng lạm phát tính theo năm đã giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021. Báo cáo này đến vào thời điểm rất quan trọng đối với ông Biden và bà Harris khi họ nhắm mục tiêu chuyển đổi cảm xúc của cử tri từ tiêu cực sang tích cực.
“Báo cáo hôm nay cho thấy rằng chúng ta tiếp tục đạt được tiến bộ trong cuộc chiến với lạm phát và hạ thấp chi phí cho các hộ gia đình Mỹ”, ông Biden nói trong tuyên bố phát đi hôm thứ Tư (14/8).
Bất chấp áp lực lạm phát dịu đi, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang phải vật lộn với giá cả tăng, lãi suất vay cao hơn và thị trường lao động đang thu hẹp.
Nhìn chung, giá cả hàng hóa đã tăng hơn 20% kể từ khi ông Biden bước vào nhiệm sở hồi tháng 1/2021. Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá xăng đã tăng gần 50%, trong khi giá thực phẩm và giá nhà đều đã tăng 22%.
Ngoài ra, thị trường việc làm Mỹ hứng chịu sự sụt giảm đáng kể vào tháng trước. Báo cáo của Bộ Lao động công bố hôm 2/8 cho thấy chỉ có 114.000 việc làm mới được tạo ra tại Mỹ trong tháng Bảy. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 4,1% lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Tin tức bất ngờ đó đã làm rung chuyển thị trường, khiến cho các chỉ số cổ phiếu lớn lập tức giảm mạnh, nhưng vài ngày sau đó đã phục hồi.
Cũng có những dấu hiệu về suy thoái tiềm tàng trong ngành sản xuất. Một khảo sát do Ngân hàng dự trữ liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York) cho thấy hoạt động kinh doanh tại tiểu bang này đã suy yếu. Khảo sát này nhấn mạnh đến sự sụt giảm về đơn đặt hàng, hàng hóa ứ đọng, số lượng việc làm giảm.
Không khác người tiêu dùng, các công ty cũng đang phải vật lộn với chi phí cao, từ lao động tới năng lượng cho tới nguyên vật liệu. Chỉ số giá sản xuất (PPI), một ma trận dùng để đo giá cả hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp chi trả, đã tăng 25% kể từ tháng 1/2021.
Theo một cuộc khảo sát của The Economist/YouGov thực hiện từ 11-13/8, 74% đáp viên nói việc làm và nền kinh tế là vấn đề “rất quan trọng” mà đất nước đối mặt. Thêm nữa, lạm phát/giá cả cũng là vấn đề được cử tri quan tâm nhất khi quyết định bỏ phiếu, ở mức 24%.
Khảo sát nêu trên xác nhận những nghiên cứu trước đây nhiều lần chỉ ra rằng nền kinh tế đang là mối bận tâm cấp bách nhất đối với người Mỹ khi họ hướng tới cuộc bầu cử tháng Mười Một.
Khi cử tri hướng tới Ngày Bầu cử trong gần ba tháng nữa, thì hai chiến dịch Harris và Trump cũng đang tung hô các chiến lược của họ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khả năng chi trả ở Mỹ.
Kế hoạch kinh tế của bà Harris
Nhằm nỗ lực thúc đẩy thông điệp về kinh tế của mình, bà Harris đã tổ chức một sự kiện chung với ông Biden vào thứ Năm (15/8) tại tiểu bang Maryland. Tại đây, hai vị lãnh đạo chính phủ Mỹ đương nhiệm đã thảo luận về tiến triển trong giảm giá thuốc kê đơn.
Bà Harris và ông Biden phát biểu tại buổi tập trung ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Prince George, sự kiện đầu tiên kể từ khi ông Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tổng thống và tán thành bà Harris vào ngày 21/7.
Hai ông bà đã ca ngợi thành tựu của chính quyền do họ lãnh đạo trong việc đạt được thỏa thuận với các công ty dược phẩm về giảm giá của 10 loại thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị chứng suy tim, đông máu, tiểu đường, viêm khớp và viêm ruột.
“Chúng tôi đã thay đổi toàn bộ cách chúng ta nhìn nhận về nền kinh tế”, ông Biden nói với người ủng hộ tại Maryland.
Tổng thống cho rằng cả ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ tăng chi phí của các gia đình trung lưu, trong khi lại giảm thuế cho các tỷ phú và các đại công ty.
Ông Biden chỉ trích quan điểm về nền kinh tế từ trên xuống, nhấn mạnh rằng ngay cả một số tổng thống Đảng Dân chủ cũng đã chấp nhận ý tưởng rằng khi người giàu làm ăn tốt, thì lợi ích cuối cùng sẽ tới được với phần còn lại của xã hội.
“Vâng, tôi đã không hề thấy một đồng xu nào từ trên xuống tới bàn ăn của cha tôi”, ông Biden nói, tán dương nghị trình của chính ông về việc tập trung vào tăng trưởng nền kinh tế từ giữa ra và từ dưới lên.
Giá mới của 10 loại thuốc kê đơn, dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, được kỳ vọng sẽ tiết kiệm cho những người già và những người nhận Medicare 1,5 tỷ USD tiền sinh hoạt phí trong năm đầu tiên chương trình có hiệu lưc, theo Nhà Trắng.
Sự kiện tại Maryland đã đưa ra cái nhìn sơ lược về trọng tâm của chiến dịch Harris trong những tuần tới: buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về vấn đề giá cả tăng. Bà Harris nhấn mạnh rằng trong nhiều năm qua, các công ty dược phẩm lớn (Big Pharma) đã phóng đại giá của các loại thuốc cứu người, thường tính mức giá bán cao hơn nhiều lần so với chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Thông điệp này khả năng sẽ tiếp tục được lặp lại trong các bài phát biểu chiến dịch của bà Harris thời gian tới.
“Hai năm trước, trong vai trò phó tổng thống, tôi tự hào bỏ lá phiếu quyết định để trao cho chương trình Medicare quyền được đàm phán và đưa biện pháp đó tới bàn của tổng thống”, bà Harris nói với người ủng hộ tại Maryland, có ý đề cập tới Đạo luật Giảm Lạm phát đã được Tổng thống Biden ký thành luật vào tháng 8/2022.
Bà Harris dự kiến trong tuyên bố hôm thứ Sáu (16/8) tại Bắc Carolina sẽ kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu thông qua lệnh liên bang cấm ép giá và coi đó là một phần trong kế hoạch kinh tế nhằm giảm chi phí, gồm cả chi phí mua sắm hàng tiêu dùng.
Bà Harris dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh đến cam kết rằng tất cả người Mỹ, không chỉ người già, có thể được trả mức giá thuốc kê đơn thấp hơn trong những năm tới.
Tầm nhìn kinh tế của ông Trump
Chiến dịch Trump tập trung vào giá cả tăng cao và sản xuất năng lượng trong hai sự kiện vào thứ năm (15/8), một cuộc họp báo tại câu lạc bộ Bedminster, tiểu bang New Jersey, và một buổi vận động tranh cử do đề cử viên phó tổng thống Đảng Cộng hòa J.D. Vance chủ trì ở New Kensington, tiểu bang Pennsylvania.
Đứng cạnh một chiếc bàn để các sản phẩm tiêu dùng, gồm có café, ngũ cốc, bánh mì tròn, và thịt muối xông khói, ông Trump nói rằng người dân Mỹ bình thường phải căng sức gánh chịu mức giá cao của các mặt hàng tiêu dùng bình thường.
“Giá cả hàng tiêu dùng đã đang tăng vọt”, ông Trump nói, viện dẫn về chi phí cao quá mức ở các mặt hàng như bánh mì, bơ, sửa bột trẻ em, trứng và các nhu yếu phẩm khác.
Ông Trump chỉ trích kế hoạch của bà Harris về việc cho phép chính phủ liên bang hạn các chế các doanh nghiệp ép tăng giá. Ông cho rằng kế hoạch đó sẽ dẫn tới thiếu thực phẩm và tăng giá trong dài hạn chứ không giảm.
Ngoài lạm phát, hướng tấn công trọng tâm của chiến dịch Trump vào cuộc khủng hoảng khả năng chi trả là sản xuất năng lượng. Ông Trump và ông Vance đã đặt trong tâm vào chủ đề này trong cả hai bài phát biểu. Cựu Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ “lập tức đưa giá cả giảm xuống” bằng việc tăng khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Ông Vance đồng ý và nhấn mạnh vào nỗ lực của công nhân ngành năng lượng tại miền tây Pennsylvania.
“Chúng ta hãy cho phép những gã [công nhân] này lấy nó ra khỏi lòng đất”, ông Vance nói, đề cập tới khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Ông Vance nói rằng sản xuất năng lượng tăng cao tạo ra “cơ hội kinh tế cho mọi người” thông qua giảm giá sản xuất và giúp người dân dễ dàng hơn trong việc sưởi ấm vào mùa đông, cho phép người dân tiết kiệm được tiền để chi tiêu vào các việc khác.
Cả ông Trump và ông Vance đều chỉ trích chính quyền Biden-Harris về sản xuất năng lượng và cho rằng cặp đôi này đã đang ưu tiên nghị trình giới hạn khai thác dầu khí.
Tuần trước, Mỹ đã đạt mức khai thác dầu kỷ lục 13.300 thùng, tăng so với mức kỷ lục cũ 13.000 thùng vào tháng 2/2020 dưới chính quyền Trump. Số liệu này cho thấy sản xuất dầu tại Mỹ vẫn đang tăng đều đặn sau khi sụt giảm trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Ông Trump cũng chỉ trích bà Harris đã bỏ phiếu quyết định thông qua Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Mỹ tại Thượng viện, duyệt chi 1,9 nghìn tỷ USD kích thích kinh tế với mục đích thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng cũng liên quan đến làm tăng giá cả do lạm phát.
Từ khóa Donald Trump Dòng sự kiện Kamala Harris Bầu cử Mỹ 2024