Bà Harris phải thuyết phục châu Á về uy tín của Hoa Kỳ sau khủng hoảng Afghanistan
- Tiến Minh
- •
Tuần tới, phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có chuyến thăm Singapore và Việt Nam nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Chuyến đi của bà Harris diễn ra ngay sau khi chính quyền Biden đang phải đối mặt với vấn đề đau đầu: sự sụp đổ của Afghanistan, khiến các đồng minh đặt câu hỏi về độ tin cậy của những lời hứa hẹn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định sự tiếp quản nhanh chóng của Taliban đã khiến lợi ích an ninh quốc gia của nhiều nước gặp nguy hiểm. Nhiều quốc gia ở cả châu Âu và châu Á đang tự hỏi liệu họ có thể dựa vào lời hứa của Washington trong việc thực hiện các cam kết an ninh lâu nay hay không.
Chuyến đi của bà Harris nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với Đông Nam Á, khu vực mà Washington coi là chìa khóa để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với Reuters trong tháng này, trọng tâm của phó Tổng thống sẽ là bảo vệ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông, củng cố vai trò lãnh đạo khu vực của Hoa Kỳ và mở rộng hợp tác an ninh.
Sau vụ hỗn loạn tại Afghanistan, các chuyên gia khu vực như Murray Hiebert tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết bà Harris sẽ phải cố gắng trấn an châu Á rằng cam kết của Washington với Đông Nam Á là vững chắc chứ không như với Afghanistan.
Ông đặt câu hỏi, liệu rằng sự sụp đổ ở Afghanistan sẽ làm dấy lên những lo ngại về việc Mỹ có thể duy trì quyền lực như hiện tại hay không, cũng như việc giữ lời hứa với các đồng minh.
Cuộc sơ tán hỗn loạn khỏi Kabul đã gợi lên những hình ảnh về cuộc rút quân năm 1975 của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam. Mỹ sau đó đã tìm cách cô lập đất nước do đảng cộng sản cầm quyền trong hai thập kỷ, nhưng đã nối lại quan hệ từ thời Bill Clinton và hiện hai nước đang có mối quan tâm chung về Trung Quốc.
Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết chuyến đi của bà Harris sẽ nhằm chứng minh cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực, nhưng lo ngại rằng sự vụ ở Afghanistan có thể làm lu mờ thông điệp đó, theo Reuters.
Yun Sun, đồng giám đốc của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, cho biết: “Những gì đã xảy ra ở Afghanistan đã khiến rất nhiều quốc gia thất vọng và khó chịu. Họ lo ngại rằng một ngày khi Hoa Kỳ xác định bạn không còn quan trọng nữa, họ có thể chỉ thu dọn đồ đạc và rời đi và bạn không thể làm gì với điều đó.”
“Và tất nhiên có Trung Quốc đang cố gắng tận dụng câu chuyện này.”
Việt Nam đã lên tiếng phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và Singapore cũng chia sẻ lo ngại về hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Hai nước, cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác, đã hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở biển Đông trước việc Trung Quốc liên tục có những động thái quân sự hóa Biển Đông.
Hải quân Mỹ đã duy trì một mô hình hoạt động tự do hàng hải ổn định ở Biển Đông và gần Đài Loan, nhưng những hoạt động này dường như không làm nản lòng Bắc Kinh.
Quan chức này cho biết Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là những ưu tiên của chính quyền Biden và “điều đó không thay đổi sau sự cố Afghanistan.”
Ông nói: “Có sự khác biệt giữa việc đảm bảo các tuyến đường biển rộng mở ở châu Á, vốn là ưu tiên của Hoa Kỳ, và việc tiếp tục tham gia vào cuộc nội chiến của một quốc gia khác.”
Tuy vậy, một số chuyên gia khác lại chỉ ra rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ cho phép Washington giải phóng nguồn lực từ nhiệm vụ chống khủng bố và tập trung hơn vào việc chống lại Bắc Kinh.
Nhưng nhiều người lại cảnh báo rằng sự hỗn loạn ở Kabul sẽ có thể trì hoãn sự thay đổi này.
Bà Harris sẽ đến Singapore vào Chủ nhật và đến Việt Nam vào thứ Ba (24/8). Bà sẽ trở thành phó Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam. Bà sẽ rời Việt Nam vào thứ Năm (26/8).
Tiến Minh (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện khủng hoảng ở Afghanistan bà Harris đến thăm Việt Nam