Ông Trần Nghiêu Lị (Chen Yao-Li), bác sĩ phẫu thuật từng hành nghề ở Chương Hóa, Đài Loan, dính líu đến việc môi giới trái phép 10 bệnh nhân sang Trung Quốc ghép gan và thận, thu lợi bất chính 14,82 triệu Đài tệ. Hôm 25/11, Viện Kiểm sát Chương Hóa đã kết thúc cuộc điều tra và buộc tội ông cùng 4 người khác vi phạm các quy định về cấy ghép nội tạng người cũng như các tội danh khác, đồng thời kết án ông 6 năm tù.

LBD8101 killing prisoners falun gong banner parade new york april 1200x800 1
Ngày 13/5/2022, học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc tuần hành ở New York để vạch trần cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ. Nội dung băng rôn đầu: “Trung Quốc giết tù nhân lương tâm để bán nội tạng của họ”. (Ảnh: Larry Dye / Epoch Times)

Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Công tố quận Chương Hóa của Đài Loan vào ngày 25/11, ông Trần Nghiêu Lị từng làm việc tại trung tâm cấy ghép nội tạng của một bệnh viện ở huyện Chương Hóa và làm việc với một người đàn ông họ Hoàng (người phụ trách của một công ty công nghệ sinh học), một phụ nữ họ Dương (người phụ trách của một nhà máy dược phẩm), và một người phụ nữ họ Lâm (người làm dịch vụ cấy ghép nội tạng ở Đài Loan và Trung Quốc trong nhiều năm). Họ bị cáo buộc đã làm trung gian trả phí để đưa công dân Đài Loan sang các tỉnh Sơn Đông và Hồ Nam, Trung Quốc, thực hiện việc mua bán và cấy ghép gan, thận trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2019.

Ông Trần Nghiêu Lị và những người khác tính phí cho mỗi bệnh nhân ghép gan từ 5 triệu Đài tệ đến 7,5 triệu Đài tệ (tương đương khoảng 3,75 tỷ đến 5,625 tỷ đồng), và bệnh nhân ghép thận từ 3 triệu Đài tệ đến 3,5 triệu Đài tệ (tương đương khoảng  2,25 tỷ đến 2,625 tỷ đồng), bao gồm chi phí cho người hiến tạng, chăm sóc sau phẫu thuật, phí bác sĩ Trung Quốc, chi phí ăn ở và di chuyển. Sau đó, họ chia sẻ chi phí với các bác sĩ Trung Quốc thông qua một người đàn ông họ Hồng bằng cách sử dụng phương thức chuyển tiền ngầm.

Bác sĩ Trần này đã chỉ đạo một y tá họ Tạ, người từng làm trợ lý ở Đài Loan, đến Trung Quốc để hướng dẫn cách chăm sóc điều dưỡng và hướng dẫn bệnh nhân về cách chăm sóc hậu phẫu với mức lương 200.000 Đài tệ (tương đương  150 triệu đồng) cho mỗi bệnh nhân.

Sau khi công tố viên điều tra đã phát hiện, ông Trần Nghiêu Lị biết được bệnh nhân có nhu cầu ghép gan hoặc thận thông qua tư vấn y tế tại bệnh viện, nên đã bảo 6 bệnh nhân liên hệ với người họ Hoàng, đợi người họ Hoàng thu tiền xong thì người phụ nữ họ Dương sẽ liên lạc để đến một bệnh viện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tiến hành phẫu thuật ghép tạng, còn ông Trần đến phòng phẫu thuật để hướng dẫn.

Nhóm này còn môi giới bất hợp pháp cho 4 người đến một bệnh viện ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam để cấy ghép nội tạng. Ông Trần Nghiêu Lị đã yêu cầu các bệnh nhân liên hệ với người phụ nữ họ Lâm, đợi người này thu tiền và liên lạc với các bác sĩ và người cung cấp tạng ở Trung Quốc, còn ông ta thì đưa ra hướng dẫn cần thiết ở Đài Loan.

Văn phòng Công tố quận Chương Hóa đã nhận được báo cáo vào tháng 3/2022 và tin rằng hành vi của nhóm này đã vi phạm Pháp lệnh Cấy ghép Nội tạng người. Vào tháng 5/2024, các thành viên của nhóm tội phạm này lần lượt bị bắt và buộc tội.

Phía công tố tuyên bố rằng các bị cáo và những người khác bị nghi ngờ vi phạm các quy định về cấy ghép nội tạng người. Người đàn ông họ Hồng cũng có liên quan đến việc vi phạm luật ngân hàng, vi phạm nghiêm trọng đạo đức y tế, làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản phổ quát về hiến tạng miễn phí và hình ảnh quốc tế của Đài Loan, tình tiết nghiêm trọng. Ngoài ra, ông Trần Nghiêu Lị vào năm 2008 từng bị phạt vì tội cấy ghép nội tạng trái phép, nhưng vẫn không biết hối cải mà lại tiếp tục vi phạm pháp luật. Do đó, yêu cầu mức án cụ thể là 6 năm tù đối với ông Trần, 4 bị cáo còn lại phải chịu mức án 3 năm tù, và tất cả số tiền thu được bất hợp pháp của họ sẽ bị tịch thu với tổng cộng 20,37 triệu Đài tệ (tương đương khoảng 16,3 tỷ đồng).

Trong số đó, số tiền có được bất hợp pháp của ông Trần Nghiêu Lị lên tới 14,82 triệu Đài tệ, nhưng chỉ có 2,7 triệu Đài tệ được tự nguyện trả lại trong quá trình điều tra. Để ngăn ông ta hưởng số tiền thu được từ phạm tội, công tố viên đã xin phép tịch thu tài sản của ông. Y tá họ Tạ do được trả tiền để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, nên phía công tố hoãn truy tố và cần nộp 1,1 triệu Đài tệ cho kho bạc công.

Công tố viên cho biết, trong quá trình điều tra vụ án này, điều đáng tiếc là hầu hết bệnh nhân chỉ sống được 2, 3 năm sau khi ghép tạng, thậm chí có bệnh nhân chết vì ghép tạng thất bại hoặc tử vong trong vòng 1 tuần sau khi về nước. Điều này đủ để nhận thấy rằng môi giới trung gian trả phí và thiếu minh bạch trong việc cấy ghép nội tạng có rủi ro y tế cực kỳ cao. Cơ quan công tố cảnh báo người dân để bảo vệ quyền lợi của mình, đừng vội tin vào các nhóm tội phạm làm trung gian cấy ghép nội tạng. Bất cứ rủi ro và tính cần thiết của việc cấy ghép nội tạng ở nước ngoài, đều cần được bác sĩ đánh giá một cách thận trọng và hợp pháp, tránh việc chi trả một khoản tiền lớn mà không đạt được sức khỏe mong muốn.

Bệnh viện Thiên chúa giáo Chương Hóa (Changhua Christian Hospital) cũng đưa ra tuyên bố cho biết, kể từ ngày 1/7/2022, ông Trần Nghiêu Lị không còn là bác sĩ của bệnh viện này nữa.

Tuyên bố của phía bệnh viện nhấn mạnh rằng việc thu hoạch tạng của các học viên Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến, người Hồi giáo và các mục sư Kitô giáo đã được thực hiện và tiến hành cấy ghép trong tình huống không thể truy nguồn gốc nội tạng ở Trung Quốc, và một lần nữa nhấn mạnh rằng việc mua bán nội tạng là không thể chấp nhận, và nguồn gốc của nội tạng phải được rõ ràng.

Theo báo chí Đài Loan, ông Hoàng Thiên Phong, Phó chủ tịch kiêm Người phát ngôn của Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Nội tạng quốc tế Đài Loan, cho biết: “Năm ngoái, Tòa án quận Tokyo cũng đã có một tiền lệ tuyên án tương đương. Điều này cũng cho thấy các khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản và Đài Loan, lo ngại về việc người dân của họ đến Trung Quốc Đại Lục để cấy ghép tạng bất hợp pháp, sẽ liên quan đến việc thu hoạch nội tạng và các tội ác khác chống lại loài người.”

Hiệp hội Chăm sóc Cấy ghép Nội tạng quốc tế Đài Loan cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ Đài Loan truy tố việc môi giới cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở nước ngoài kể từ khi luật liên quan được thông qua vào năm 2015. Hiệp hội hy vọng rằng việc truy tố này sẽ thu hút sự chú ý của người dân và Chính phủ Đài Loan, về việc đến Trung Quốc cấy ghép tạng sẽ liên quan đến chăm sóc y tế, rủi ro đạo đức và pháp lý.

Ngoài ra, theo báo cáo trang tin Healthnews của Đài Loan đưa tin, nguồn nội tạng của Trung Quốc đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ và chỉ trích. Trung Quốc đã có nguồn nội tạng lớn từ năm 2000. Thời gian chờ đợi ngắn nhưng chất lượng cao, thậm chí có thể xác định được ngày phẫu thuật. Điều này cho thấy có một nguồn nội tạng sống lớn bất thường. Trong tình trạng không rõ nguồn gốc nội tạng, nhu cầu cấp thiết là những người được cấy ghép nội tạng trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào nhu cầu về nội tạng sống ở Trung Quốc, dẫn đến hành vi thu hoạch và bán nội tạng tàn tàn ác tràn lan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhân viên y tế Đài Loan tham gia vào một loạt các quy trình liên quan bao gồm trung gian mua bán nội tạng, giới thiệu hoặc điều trị theo dõi sau cấy ghép.

Ngoài ra, trong thảm kịch buôn người gần đây ở Campuchia, người Đài Loan đã trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng sống, và những kẻ buôn người Đài Loan đã hợp tác với các băng đảng xã hội đen Trung Quốc để trở thành thủ phạm của hoạt động thu hoạch nội tạng sống. Tất cả những điều trên đã nêu bật sự cấp bách và tầm quan trọng của việc lập pháp tại Đài Loan, để trừng trị và ngăn ngừa tội ác thu hoạch nội tạng trái phép.

Hiện nay, đã có nhiều tổ chức quốc tế, các nhóm nhân quyền, báo cáo điều tra của chính phủ các quốc gia và phân tích của các chuyên gia đều chỉ rõ, việc thu hoạch và buôn bán nội tạng sống là hành vi tàn ác dưới sự chỉ đạo của chính quyền độc tài ĐCSTQ. Năm 2019, “Tòa án Trung Quốc” độc lập được thành lập ở London cũng đưa ra kết luận tương tự: Việc giam giữ và giết hại người để lấy nội tạng cấy ghép vẫn tiếp tục xảy ra ở Trung Quốc; nạn nhân chính là những người tập Pháp Luân Công đang bị cầm tù; chính quyền ĐCSTQ đã phạm tội chống lại loài người đối với người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ. Phán quyết này đã được trích dẫn trong các báo cáo nhân quyền của chính phủ và Quốc hội châu Âu và Mỹ.

Lư Ất Hân, Vision Times