Bằng vụ thử hạt nhân, Bắc Hàn đang thách thức cả Trung Quốc và Mỹ
Bắc Hàn vừa thử bom hạt nhân lần thứ sáu và được cho là có sức công phá mạnh nhất mà nước này từng đạt được. Qua đây, ông Kim Jong-un đã gửi thông điệp tới cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng đã quá muộn để họ có thể ngăn chặn chương trình hạt nhân của chế độ nhà Kim.
Bắc Triều Tiên hôm Chủ Nhật đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần sáu và họ tuyên bố rằng đó là một vụ thử bom H “thành công hoàn hảo”. Hơn nữa, Bình Nhưỡng khẳng định quả bom này có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đó là bước tiến để nước này có thể tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân. Trước đó, truyền thông nhà nước Bắc Hàn thông báo rằng họ đã sở hữu quả bom với sức công phá tối đa là 100.000 tấn TNT (100 kiloton), mạnh hơn gấp 6 lần so với quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Ông Vipin Narang, giáo sư chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts , chuyên nghiên cứu vấn đề hạt nhân, cho rằng bất kể đó có phải là một quả bom H thực sự hay không, vụ nổ vừa qua đã đủ lớn để “phá hủy một thành phố Mỹ” nếu nó được gắn vào tên lửa ICBM. Ông Narang nhấn mạnh rằng thực tế này khiến cho Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Giáo sư Narang cho biết: “Tôi đã từng nghĩ rằng có lẽ ông Kim đã không tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu trong nhiều tháng qua bởi vì đó là lằn ranh đỏ mà Trung Quốc đã đặt ra. Nhưng rõ ràng ông ta đã quyết định vượt qua lằn ranh đó”.
Sự thất bại của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc tìm ra cách tiếp cận chung trong vấn đề Triều Tiên đã cho phép ông Kim Jong-un đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình, hoạt động mà nhà lãnh đạo độc tài này nói rằng đó là điều thiết yếu để giúp Bắc Hàn ngăn chặn Mỹ xâm lược.
Với mỗi lần khiêu khích có cấp độ tăng dần, ông Kim dường như tự tin rằng Hoa Kỳ sẽ không đáp trả bằng biện pháp quân sự, động thái được cho là sẽ dẫn tới Thế chiến III. Tương tự, ông Kim cũng đánh cược rằng Trung Quốc sẽ không dừng việc bán dầu và lương thực để bóp nghẹt chế độ của ông ta.
Bắc Triều Tiên đã lựa chọn thời điểm thử hạt nhân lần sáu khi cả ông Trump và ông Tập đều đang bị phân tâm: Tổng thống Mỹ đang thị sát tại Texas, bang vừa bị tàn phá bởi siêu bão Harvey, trong khi ông Tập đang phải chủ trì Hội nghị khối BRICS tại Hạ Môn, Phúc Kiến với sự tham dự của 4 vị nguyên thủ đến từ Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.
Khi Bắc Hàn cho thử hạt nhân, ông Trump đã không phản ứng ngay lập tức cho dù ông vẫn đăng tweet ủng hộ các nỗ lực cứu trợ thiên tai. Khoảng 8 giờ sau vụ nổ, Tổng thống Mỹ mới đăng lên Twitter gọi Bắc Triều Tiên là quốc gia lưu manh và những hành động của nước này là nỗi xấu hổ đối với hàng xóm, đồng minh Trung Quốc.
Trọng tâm những lời bình luận của ông Trump và các nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin là các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, chứ không phải là hành động quân sự. Ông Trump nói trên Twitter rằng: “Ngoài các lựa chọn khác, Hoa Kỳ đang xem xét dừng hoàn toàn giao thương với bất kỳ quốc gia nào đang làm ăn với Bắc Hàn”.
Trung Quốc đã hết cách với Bắc Hàn?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đề cập tới Bắc Hàn trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị BRICS tại Hạ Môn, Phúc Kiến. Trong một tuyên bố phát đi hôm Chủ Nhật (3/9), mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án vụ thử hạt nhân và kêu gọi Bắc Hàn hãy “quay lại bàn đàm phán”. Liên bang Nga cũng đã hùa theo phát ngôn của Trung Quốc khi Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói rằng tình huống hiện nay trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán.
Ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh và cũng là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, đã nói rằng vụ thử hạt nhân đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị BRICS “cho thấy Trung Quốc không thể ép Bắc Hàn từ bỏ tham vọng hạt nhân, tên lửa và Bình Nhưỡng đang ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh. Trung Quốc ngày càng hoài nghi hơn về chiến lược thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt [với chế độ Kim Jong-un]”.
Mặc dù Trung Quốc đồng ý thông qua các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc vào tháng trước, biện pháp được cho là sẽ cắt giảm khoảng 1/3 doanh thu xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh từ chối áp đặt các biện pháp khắc nghiệt hơn, đặc biệt là ngừng bán dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc từ lâu đã tính toán rằng sự sụp đổ của Bắc Hàn có thể gây mất ổn định nền kinh tế của họ và cho phép quân đội Mỹ có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực khi Triều Tiên được thống nhất và Mỹ sẽ mở được “cửa sau” vào Trung Quốc.
Hoa Kỳ có nên sử dụng hành động quân sự?
Trong thời gian gần đây khi chế độ Kim Jong-un liên tiếp thử tên lửa đạn đạo, Tổng thống Donald Trump đã liên tục lặp lại thông điệp đe dọa Trung Quốc sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu không thể mạnh tay hơn với Bắc Hàn. Trên thực tế, gần đây Washington đã cho tiến hành điều tra các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và cũng đã ban hành các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà Hoa Kỳ cáo buộc rằng đã giúp Bắc Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Theo ông William McKinney, một học giả thỉnh giảng tại Học viện Hoa Kỳ-Hàn Quốc của Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, Mỹ cần phải tính đến một cách tiếp cận khác về vấn đề Bắc Hàn vì những phản ứng hiện thời “rất dễ dàng đoán được” kết quả sẽ ra sao.
Ông McKinney cho rằng các lựa chọn khác mà Washington có thể áp dụng bao gồm “cam kết thay đổi trò chơi” nhằm trấn an Bắc Hàn về sự an toàn chế độ của họ hoặc “hành động quân sự thực tế” như bắn hạ tên lửa hoặc phá hủy các bãi thử hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.
Rủi ro trong hành động quân sự của Mỹ là có thể dẫn tới động thái đáp trả của Bắc Triều Tiên với khả năng cao có thể tàn phá toàn bộ Đông Bắc Á. Nguy hiểm hơn, 25 triệu dân của Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đang sống chỉ cách biên giới Bắc Hàn hơn 50km, nằm trọn vẹn trong tầm bắn của trận địa pháo cao xạ của chế độ Bình Nhưỡng.
Ông Ernest Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ trong buổi trả lời báo chí hôm Chủ Nhật (3/9) đã phát biểu rằng: “Những cuộc thảo luận về Bắc Triều Tiên đã quá bó hẹp, chỉ tập trung vào vũ khí hạt nhân, trong khi vấn đề thực sự là yêu cầu về an ninh chung của Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc và Nhật Bản”.
Bắc Triều Tiên đã từng tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán nếu Hoa Kỳ không từ bỏ các chính sách “thù địch” đối với họ. Mặc dù Mỹ và đồng minh nói họ sẽ không bao giờ chấp nhận Bắc Hàn là một quốc gia hạt nhân, nhưng thực tế đã thay đổi với những bước tiến mới của chế độ nhà Kim: Các sĩ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng Bắc Hàn có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa và sở hữu khoảng 60 quả bom hạt nhân. Đó là thông tin mà tờ Washington Post đã đăng tải công khai vào tháng trước.
Ông Park Jiyoung, một nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình chính sách khoa học và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nói rằng: “Việc giả định Bắc Hàn đã hoàn thành chương trình hạt nhân của mình là hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta có thể vừa được chứng kiến vụ thử hạt nhân gần nhất của chế độ nhà Kim. Nếu Bắc Hàn tiếp tục thử hạt nhân trong tương lai, thì đó có lẽ chỉ là các hành động đe dọa, chứ không nhằm mục đích xác thực công nghệ [hạt nhân]”.
Ông Andrei Lankov, nhà sử học tại Đại học Kookmin ở Seoul, người đã từng có thời gian nghiên cứu ở Bình Nhưỡng, đã nói rằng các nghị quyết trừng phạt hơn nữa của Liên Hợp Quốc sẽ không có nhiều khác biệt vì Trung Quốc sẽ không tham gia trừng phạt đầy đủ và Hoa Kỳ cũng chẳng thể làm gì thêm nữa mà không dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tại Châu Á.
Ông Lankov nói: “Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Tôi không thể dùng ngón tay của mình mà đến hết được số lần Bình Nhưỡng đã vượt qua lằn ranh đỏ mà không bị trừng phạt”.
Theo Blomberg
Tân Bình dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bom hạt nhân