Hôm 6/12, Đại học Sheffield Hallam ở Anh đã công bố báo cáo điều tra về lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ. Báo cáo có tiêu đề “Truy tìm chuỗi cung ứng quần áo từ khu vực người Duy Ngô Nhĩ đến châu Âu” (Tracing Clothing Supply Chains from the Uighur Region to Europe).

Zara
Một cửa hàng của Zara tại Singapore. (Ảnh: Monticello/ Shutterstock)

Báo cáo được Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (Progressive Alliance of Socialists and Democrats) – Nghị viện châu Âu ủy quyền thực hiện công bố,  cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa thương hiệu trang phục nổi tiếng châu Âu và lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ – Nghị viện châu Âu đã kêu gọi đưa ra các quy tắc thương mại cho phép bắt giữ ở biên giới những người bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động cưỡng bức lao động Tân Cương trong lĩnh vực trang phục.

Báo cáo trình bày chi tiết về một nhà máy chế biến bông thuộc sở hữu của Tập đoàn Zhongtai Tân Cương – một tập đoàn Trung Quốc có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500), từ tháng 6/2023 đã bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể trong “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”. Các sản phẩm của tập đoàn này như vải hữu cơ (cotton hữu cơ) và sợi tổng hợp, da nhân tạo và viscose… bị cấm vào Mỹ nếu nhà nhập khẩu không chứng minh được rằng không sử dụng lao động cưỡng bức ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sản xuất.

Để gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu trong việc theo dõi chuỗi sản xuất quần áo, các báo cáo thường niên và hồ sơ hải quan của Tập đoàn Zhongtai Tân Cương đã không đề cập về khách hàng của họ. Nhưng báo cáo nghiên cứu mới công bố chỉ ra rằng nhiều nhà cung cấp cho các thương hiệu quần áo nổi tiếng của phương Tây đã chuyển cơ sở công nghiệp của họ đến Tân Cương. Những thương hiệu này bao gồm Hugo Boss, Burberry và Ralph Lauren, Prada và Max Mara. Tập đoàn Quang Hoa Bắc Kinh – nhà cung ứng quần áo may sẵn cho các thương hiệu lớn như Zara, Next và Levi’s – năm 2017 đã chuyển toàn bộ cơ sở công nghiệp đến Tân Cương.

Yalkun Uluyol, một trong những tác giả của báo cáo nghiên cứu và là một người Duy Ngô Nhĩ, giải thích: “Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thành lập hàng chục khu công nghiệp dệt may, những khu này được hưởng lợi từ một số lượng lớn lao động do nhà nước cưỡng ép chuyển đến. Chỉ thông qua trường hợp tiêu biểu của 4 công ty với dữ liệu hạn chế và chuỗi cung ứng mơ hồ có thể chứng minh rằng, các sản phẩm bị ô nhiễm do lao động cưỡng bức có thể thâm nhập thị trường châu Âu mà không có bất kỳ hạn chế nào”.

Kể từ khi luật của Mỹ có hiệu lực vào tháng 6/2022, Mỹ đã tịch thu số hàng hóa trị giá gần 2 tỷ USD, qua đó gây sức ép khiến nhà sản xuất Trung Quốc có liên quan đến cưỡng bức lao động phải xem xét lại nghiêm túc kênh kinh doanh.

Tháng 10 năm nay, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu đối với quy định về lao động cưỡng bức, nhằm cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm từ lao động cưỡng bức. Hội đồng châu Âu cũng chuẩn bị đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Raphaël Glucksmann, người phụ trách văn bản dự thảo của Liên minh Xã hội và Dân chủ – Nghị viện châu Âu, đã kêu gọi EU xây dựng hệ thống luật về vấn đề này một cách hiệu quả, vì đông đảo người dân châu Âu đều cho rằng nên cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức. Nhưng để thực hiện điều đó có hiệu quả, cần phải có các quy định cho phép tịch thu hàng hóa qua biên giới nếu có bằng chứng thuyết phục. Ông nói rằng kể từ sau khi Mỹ thực thi lệnh cấm thì châu Âu đã trở thành nơi chứa chấp các sản phẩm lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.