Thẻ ID tù nhân Trung Quốc được tìm thấy trong quần áo hàng hiệu của Anh
- Bình Minh
- •
Mới đây, một người tiêu dùng Anh vô tình tìm thấy thẻ căn cước, nghi là của tù nhân Trung Quốc, trong số quần áo hàng hiệu mà cô mua. Vụ việc này, bị nghi là lao động cưỡng bức hoặc lao động nô lệ trong tù, một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 1/12, theo báo cáo của The Guardian, một người tiêu dùng đã tìm thấy thẻ căn cước nghi là của tù nhân Trung Quốc trong lớp lót áo khoác của thương hiệu Regatta của Anh.
Vì dòng chữ trên giấy chứng nhận được viết bằng tiếng Trung giản thể, khiến dư luận một lần nữa dấy lên lo ngại về nghi vấn sử dụng lao động nô lệ tù nhân Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xuyên quốc gia.
Theo báo cáo, người phụ nữ này đến từ Derbyshire, Anh, đã mua một chiếc áo khoác không thấm nước trong đợt giảm giá trực tuyến vào Black Friday.
Khi nhận được sản phẩm vào ngày 22/11, cô cảm thấy có một vật cứng hình chữ nhật giấu trong ống tay áo bên phải, và phát hiện đó là một tấm thẻ trông giống thẻ căn cước (ID) của tù nhân.
Ngoài tên trại giam và dòng chữ “Cục Trại giam Bộ Tư pháp sản xuất”, trên thẻ còn có ảnh chụp chân dung. Trong ảnh là một người đàn ông mặc đồng phục tù nhân đứng trước một chiếc thang đo độ cao.
Báo cáo tiết lộ, nhân viên dịch vụ khách hàng của Regatta đã nói với người tiêu dùng Anh rằng đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra, và yêu cầu cô vứt bỏ thẻ giấy chứng nhận đó.
Nhưng sau đó, nhân viên dịch vụ khách hàng lại yêu cầu cô trả lại thẻ chứng nhận, và hứa sẽ cung cấp một chiếc áo khoác mới để đổi lấy chiếc áo khoác ban đầu, đồng thời sẵn sàng tặng thêm một chiếc áo nữa như một sự cảm kích.
Người phụ nữ từ chối “lòng tốt” đó, nhưng vẫn lấy thẻ chứng nhận trong thùng rác và trả lại cho công ty này.
- TQ: Lao động cưỡng bức trong tù, lương chỉ 140.000 VNĐ/tháng
- ‘Làm việc như con vật’: Bên trong hệ thống lao động tù nhân của Trung Quốc
Theo The Guardian, Regatta không chỉ là thành viên của tổ chức “Sáng kiến Giao dịch có đạo đức” (ETI). “Tuyên bố về Nô lệ Hiện đại” năm 2023 của công ty này còn cam kết cấm sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động trong tù.
Regatta đã tiến hành các cuộc điều tra liên quan đối với 70 nhà sản xuất cung cấp từ năm 2022 – 2023, nhưng không rõ có bao nhiêu nhà máy trong số này được đặt tại Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Một phát ngôn viên của Regatta nói với The Guardian rằng chiếc áo khoác đó không vi phạm các quy tắc chống sử dụng lao động trong tù, nhưng họ sẽ tiếp tục điều tra xem thẻ chứng nhận được khâu vào quần áo như thế nào.
Báo cáo đặc biệt chỉ ra rằng việc sử dụng lao động tù nhân khá phổ biến ở Trung Quốc. Luật Nhà tù của Trung Quốc quy định: “Nhà tù thực hiện các nguyên tắc kết hợp hình phạt với cải tạo, giáo dục và lao động đối với tội phạm, để cải tạo tội phạm thành những công dân tuân thủ pháp luật”.
Ngoài ra, nhà tù hiển thị trên giấy chứng nhận của tù nhân cũng có tên trên internet. Nhà tù này chuyên sản xuất quần áo và gia công linh kiện điện tử. Mức lương của tù nhân ở tỉnh nơi tù nhân thụ án thường là 1-1,5 nhân dân tệ (khoảng 3.400 – 5.200 VNĐ) mỗi giờ.
The Guardian cũng chỉ ra rằng đã có báo cáo về những chữ viết tay của các tù nhân Trung Quốc xuất hiện trên các sản phẩm tiêu dùng ở nước ngoài. Nhưng lần này không có ghi chú viết tay mà là một tài liệu có thể truy tìm nguồn gốc của một người cụ thể, điều này khá hiếm gặp. Hiện vẫn chưa rõ giấy tờ tùy thân của tù nhân có phải được cố ý khâu vào áo khoác hay không.
Sarah Brooks, Giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với The Guardian rằng các công ty có trách nhiệm thực hiện nhiều biện pháp hơn, để đảm bảo rằng không có vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng.
Các nhóm nhân quyền cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, với hàng loạt hành vi ngược đãi bao gồm lao động cưỡng bức.
Các nhà lập pháp ở các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Canada, đã gọi cuộc đàn áp ở Tân Cương là một cuộc “diệt chủng”, và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã coi việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại loài người.
Gần đây, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng yêu cầu cơ quan giám sát tài chính SEC điều tra độc lập về các cáo buộc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại một số thương hiệu, bao gồm cả gã khổng lồ thời trang giá rẻ Shein.
Từ khóa lao động cưỡng bức Dòng sự kiện lao động nô lệ