Hôm 7/5, Stanford Review – một ấn phẩm độc lập của Đại học Stanford tại Hoa Kỳ – đã công bố một báo cáo điều tra chuyên sâu, tiết lộ nhiều cách khác nhau mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã điều hành mạng lưới gián điệp tại Đại học Stanford trong thời gian dài, bao gồm xâm nhập mạo danh, lôi kéo xã hội, cưỡng ép gia đình và yêu cầu đảm bảo lòng trung thành, nhắm vào sinh viên và giáo sư tham gia vào nghiên cứu nhạy cảm và thu thập thông tin tình báo. Báo cáo đã thu hút sự chú ý của tất cả các bên.

id13323739 IMG 9549ab scaled
Một khung cảnh trong khuôn viên Đại học Stanford. (Ảnh: Quý Viên / Epoch Times)

“Cuộc điều tra dựa trên hơn một chục cuộc phỏng vấn được thực hiện từ tháng 7/2024 đến tháng 4/2025 với giảng viên, sinh viên hiện tại và sau đại học của Stanford, cùng các chuyên gia chuyên về hoạt động của ĐCSTQ trong tình báo và đánh cắp công nghệ”, Stanford Review cho biết trong báo cáo được công bố hôm thứ Tư.

Các điệp viên của ĐCSTQ nhắm vào các nữ sinh viên Stanford

Báo cáo bắt đầu bằng một ví dụ. Mùa hè năm nay, một điệp viên của ĐCSTQ sử dụng bí danh Charles Chen đóng giả làm sinh viên Đại học Stanford thông qua mạng xã hội đã liên lạc với một số sinh viên tại trường, phần lớn là nữ sinh.

Trong số đó, Anna (bí danh), một nữ sinh viên chuyên ngành về các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc, tiết lộ rằng lúc đầu, những câu hỏi của Charles có vẻ vô hại: anh hỏi về các mối quan hệ giữa các cá nhân ở trường đại học, liệu cô có nói được tiếng Quan Thoại không, v.v. Nhưng chẳng mấy chốc, những tin nhắn của anh ta đã chuyển sang hướng kỳ lạ.

Charles khuyến khích Anna đến thăm Bắc Kinh và đề nghị trả tiền cho chuyến đi của cô. Anh ta thậm chí còn gửi ảnh chụp màn hình số dư tài khoản ngân hàng của mình để chứng minh có khả năng mua vé.

Điều đáng lo ngại là Charles đã đề cập đến một số thông tin cá nhân mà Anna chưa bao giờ tiết lộ. Anh ta cũng thúc giục cô chỉ giao tiếp qua phiên bản tiếng Trung của WeChat – một nền tảng được ĐCSTQ giám sát chặt chẽ. Khi Charles yêu cầu cô xóa ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện của họ, Anna đã liên hệ với bộ phận an ninh.

Cuộc điều tra cho thấy trong nhiều năm, Charles Chen đã giả vờ là sinh viên Stanford và liên lạc với nhiều người bằng nhiều bí danh, hầu hết đều là phụ nữ.

Các chuyên gia về Trung Quốc hỗ trợ Anna cho biết, Charles Chen có khả năng là một điệp viên của Bộ An ninh Nhà nước (MSS) thuộc ĐCSTQ, có nhiệm vụ xác định những sinh viên Stanford không có ác cảm với Đảng này và thu thập thông tin tình báo có liên quan.

Chiến tranh không giới hạn của ĐCSTQ: Thu thập thông tin tình báo phi truyền thống

Báo cáo tiết lộ rằng ĐCSTQ đã sử dụng các phương pháp phi truyền thống để thu thập thông tin tình báo tại Đại học Stanford. Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc sử dụng những người dân thường không liên quan đến cộng đồng tình báo để thu thập và báo cáo các thông tin nhạy cảm.

Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 của ĐCSTQ yêu cầu mọi công dân Trung Quốc, bất kể ở đâu, phải hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo của chính quyền.

Mục tiêu của việc thu thập thông tin tình báo không nhất thiết là đánh cắp các tài liệu mật, mà là âm thầm trích xuất các quy trình và bí quyết đằng sau những đổi mới công nghệ của Mỹ. Điều này bao gồm các kết luận, phương pháp luận, phần mềm, quy trình làm việc trong phòng thí nghiệm, cấu trúc cộng tác và thậm chí cả kênh truyền thông của các dự án nghiên cứu tại Stanford.

Một giảng viên của Stanford yêu cầu giấu tên cho biết, loại hình thu thập thông tin tình báo phi truyền thống về các công nghệ nhạy cảm này rất phổ biến ở Stanford, đặc biệt là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robot.

Một chuyên gia về Trung Quốc giấu tên am hiểu tình hình tại Đại học Stanford đã xác nhận rằng một số trong khoảng 1.129 sinh viên Trung Quốc trong trường đã tích cực báo cáo thông tin cho ĐCSTQ.

ĐCSTQ ép buộc và hối lộ sinh viên quốc tế

Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) tài trợ cho khoảng 15% sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài, và những người này được coi là lực lượng chính trong việc thu thập thông tin nhạy cảm.

Điều này đã được xác nhận trong một báo cáo trước đó của Đài Phát thanh Á Châu Tự do. Sinh viên Trung Quốc nhận được tài trợ của CSC phải ký vào cái gọi là “Cam kết liêm chính” với ĐCSTQ. Nếu sinh viên vi phạm những cam kết giúp đỡ ĐCSTQ, người bảo lãnh (thường là thành viên gia đình) sẽ phải chịu hình phạt.

Giáo sư Larry Diamond của Đại học Stanford chỉ ra rằng nếu sinh viên Trung Quốc nói điều gì đó ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, hoặc chỉ trích lập trường của Bắc Kinh, hoặc lên án chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc (ĐCSTQ), họ có thể bị cảnh báo rằng gia đình họ ở Trung Quốc sẽ gặp rắc rối.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Stanford Review, Matthew Turpin – cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia – cho biết: “Chính phủ Trung Quốc dành nhiều thời gian để thu thập dữ liệu về sinh viên nước ngoài; họ hiểu khá rõ ai đang làm gì và liệu có ai đang làm việc trong lĩnh vực quan tâm [công nghệ tiên tiến] hay không. Nếu sinh viên có quyền truy cập vào những thứ mà chính phủ muốn truy cập, thì việc tiếp cận một cá nhân tương đối dễ dàng. Họ sử dụng cả củ cà rốt và cây gậy. Nếu bạn cung cấp thông tin, bạn có thể nhận được phần thưởng; nếu không, sẽ có hình phạt.”

Công dân Trung Quốc có người thân ở Trung Quốc cũng có thể bị ép buộc chia sẻ thông tin nhạy cảm và nếu họ từ chối, gia đình họ sẽ phải đối mặt với hình phạt khắc nghiệt nhất. Ông Turpin mô tả cách chính quyền Trung Quốc “bắt cha mẹ và người thân vào để cảnh sát thẩm vấn nhằm khuyến khích (công dân Trung Quốc) cung cấp thông tin”. Ông lưu ý, “Đây là những chiến thuật mà chúng ta đã từng thấy trước đây.”

Cựu giám đốc FBI Christopher Wray trước đây đã gọi hành vi đánh cắp nghiên cứu học thuật của ĐCSTQ là “một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người”.

Sự im lặng của trường tạo điều kiện cho gián điệp ĐCSTQ

Báo cáo của Stanford Review chỉ ra rằng trong suốt cuộc điều tra, các giáo sư, sinh viên và nhà nghiên cứu đã sẵn sàng kể lại những trải nghiệm của họ về hoạt động gián điệp của Trung Quốc, nhưng họ từ chối nói trước công chúng.

Báo cáo cho biết: “Sự đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ, 64 triệu USD tiền tài trợ của Trung Quốc và những cáo buộc chính trị về phân biệt chủng tộc đã dẫn đến một nền văn hóa im lặng lan rộng cả trong và ngoài Stanford.”

Stanford Review viết: “Chính sự im lặng lan rộng này đã thúc đẩy chúng tôi viết báo cáo này. Sau khi phỏng vấn nhiều giảng viên, sinh viên và chuyên gia Trung Quốc ẩn danh của Stanford, chúng tôi có thể xác nhận rằng ĐCSTQ đang tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo rộng rãi tại Đại học Stanford. Tóm lại, ‘Có gián điệp Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Stanford.'”