Hôm thứ Hai (30/9), cơn bão Helene và trận lũ lụt lịch sử mà nó gây ra đã tấn công mạnh vào miền đông nam nước Mỹ, khiến ít nhất 128 người thiệt mạng và hơn 2 triệu ngôi nhà và doanh nghiệp bị mất điện.

Embed from Getty Images

Hình ảnh từ trên cao cho thấy các nhân viên điện lực đang sửa chữa đường dây sau khi cơn bão Helene đi Crystal River ở Florida vào ngày 27/9/2024. (Ảnh: Getty Images)

Bão Helene trở thành một trong những cơn bão nguy hiểm nhất tấn công lục địa nước Mỹ trong 50 năm qua. Kể từ khi đổ bộ vào khu vực Big Bend của tiểu bang Florida vào thứ Năm tuần trước (ngày 26/9). Cơn bão này đã quét qua các tiểu bang như Florida, Georgia, North Carolina, South Carolina, Tennessee và Virginia, mang theo gió mạnh, mưa lớn và lũ lụt.

Lượng mưa ở Atlanta trong 48 giờ lên đến hơn 11 inch, phá kỷ lục gần 150 năm. Miền Tây Bắc Carolina bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn mang tính phá hủy, với một số khu vực có lượng mưa hơn 30 inch. Nhà cửa bị cuốn trôi, cầu sập và xe bán tải bị thổi dồn thành đống, trong khi bùn, cành cây và cửa hàng vật tư bị cuốn xuống đường.

Cho đến nay, 6 tiểu bang đã báo cáo có 128 người chết vì cơn bão.

Quan chức vùng bị ảnh hưởng nặng nề: Chúng tôi không có nước, hầu hết các khu vực đều không có điện

Số người chết được xác nhận tại tiểu bang Bắc Carolina đã tăng lên 56 và số người thương vong dự kiến ​​​​sẽ tăng lên. Các quan chức đã nhận được khoảng 600 báo cáo về người mất tích, nhưng dự kiến nhiều người ​​sẽ được xác định danh tính sau khi thông tin liên lạc được khôi phục.

Ngoài ra, bão Helene còn giết chết ít nhất 30 nạn nhân ở Nam Carolina, 25 người ở Georgia, 11 người ở Florida, 4 người ở Tennessee và 2 người ở Virginia.

“Chúng tôi biết rằng số người chết sẽ tăng lên”, bà Esther Manheimer, Thị trưởng Asheville tiểu bang Bắc Carolina, cho biết. “Chúng tôi đã nghe kể về việc mọi người nhìn thấy những ngôi nhà trôi dạt trên sông có người ở trong đó”.

Hiện tại, cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị tổn hại. Nhiều con đường vẫn bị đóng cửa vào thứ Hai, tín hiệu điện thoại di động không ổn định, khiến mọi người gặp khó khăn trong việc liên lạc với bạn bè và gia đình để đề nghị giúp đỡ vài ngày sau khi cơn bão đổ bộ.

Bà Avril Pinder, người đứng đầu quận Buncombe, cho biết, “Chúng tôi không có nước và hầu hết quận không có điện. Giao thông đường bộ vẫn rất nguy hiểm”.

Bà cho biết 3 xe kéo chở đầy nước đã đến vào sáng thứ Hai (ngày 30/9) nhưng lượng nước đó chỉ đủ cung cấp cho mỗi người dân trong một ngày.

Thống đốc Bắc Carolina – ông Roy Cooper và Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Deanne Criswell đã đến thăm quận vào thứ Hai.

Bà Pinder nói với CNN rằng quận sẽ truyền tải thông điệp về nhu cầu cấp thiết về nước tới hai quan chức cấp trên.

Bà nói: “Chúng tôi vẫn đang yêu cầu cung cấp nước và hiện nay chúng tôi mới nhận được nhưng lượng nước vẫn còn rất ít. Nhu cầu trong cộng đồng của chúng tôi rất lớn và chúng tôi muốn thấy phản hồi khác và tốt hơn nữa từ chính quyền tiểu bang.”

Được biết, một phó cảnh sát trưởng của quận đã gặp nạn và thiệt mạng. Cho đến nay, 3 sĩ quan cảnh sát Bắc Carolina đã thiệt mạng trong các hoạt động cứu hộ sau cơn bão.

Mức độ thiệt hại vượt quá dự đoán

Bà Esther Manheimer cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào sáng thứ Hai, “Mọi người không biết hoặc không dự liệu được mức độ phá hoại ở chỗ chúng tôi đây lại nghiêm trọng đến vậy. Hàng xóm đang đang giúp đỡ lẫn nhau”. Bà nói cư dân đã chia sẻ nước và chăm sóc lẫn nhau.

Ông Mike Morgan, người phát ngôn của Quận Henderson cho biết: “Đây là khu vực núi nên chúng tôi có các đội cứu hộ vượt núi đến từng nhà, đưa mọi người lên trực thăng, sau đó đội cứu hộ lại đi bộ xuống núi và đi đến chỗ khác.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi có những thị trấn không còn tồn tại nữa.”

Thống đốc Bắc Carolina: Đội cứu hộ đang tìm kiếm người sống sót và vận chuyển vật tư bằng máy bay

Nhà chức trách Bắc Carolina cho biết, các đội tìm kiếm và cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót qua các khu vực núi, nơi một số thị trấn bị tàn phá hoàn toàn bởi cơn bão có sức tàn phá và nguy hiểm nhất trong những năm gần đây.

Thống đốc Roy Cooper đã ra lệnh huy động hơn 500 binh sĩ và phi công Vệ binh Quốc gia tham gia cứu trợ thiên tai. Ngoài ra, hơn 200 phương tiện và máy bay, bao gồm cần cẩu và tài sản hàng không khẩn cấp cũng như xe cứu hỏa nước cao, đang làm việc khẩn trương để cứu người.

“Đây là một cơn bão chưa từng có đòi hỏi các biện pháp ứng phó chưa từng có,” ông nói trên CNN rằng các đội cứu hộ đang vận chuyển vật tư thiết yếu đến những khu vực không thể tiếp cận bằng đường bộ.

Tổng thống Biden: Nguồn lực liên bang sẽ được cung cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng

Tổng thống Joe Biden đảm bảo với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa rằng “Chính phủ liên bang luôn hỗ trợ các bạn” và sự trợ giúp đang được thực hiện.

Ông Biden nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các nguồn lực, bao gồm thực phẩm, nước uống, thông tin liên lạc và thiết bị cứu sinh, cho đến khi công việc này hoàn thành.”

Phó Tổng thống Harris cho biết dự định đến thăm khu vực thảm họa càng sớm càng tốt mà không can nhiễu đến hoạt động cứu hộ và phục hồi.

Cựu Tổng thống Trump đã đến các khu vực bị thiên tai ở tiểu bang Georgia hôm thứ Hai và có bài phát biểu cũng như giúp phân phát hàng cứu trợ.

Helen là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất nước Mỹ trong 50 năm qua

AccuWeather nâng ước tính tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế do Bão Helene gây ra từ 145 tỷ đến 160 tỷ USD. Cơ quan thời tiết cho biết, bão Helene dự kiến ​​sẽ là một trong những cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ vì nó gây ra nước dâng do bão lớn, gió mạnh và lũ lụt.

Hiện nay, cơn bão nguy hiểm nhất ở Mỹ là cơn bão Katrina vào tháng 8/2005, gây ra bão và lũ lụt khiến ít nhất 1.833 người thiệt mạng. 

Năm 2022, cơn bão Ian đổ bộ vào đông nam Florida đã khiến 150 người thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp.

Bão Helen hiện đứng thứ ba trong danh sách, vượt qua cơn bão Irma năm 2017, khiến 92 người thiệt mạng ở Mỹ, chủ yếu ở Florida.

Siêu bão Sandy năm 2012 và bão Harvey năm 2017 khiến 60-75 người ở Mỹ thiệt mạng.

Trí Đạt (t/h)