Báo Úc tiết lộ thủ đoạn chính trị của truyền thông ĐCSTQ về biểu tình Hồng Kông
- Huệ Anh
- •
Hơn 2 tháng qua, trang nhất của nhiều tờ báo phương Tây tràn ngập hình ảnh biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông. Ngày 19/8 trang Thông tin Úc (Huaglad) đã công bố một bài viết, trong đó nêu rõ thủ đoạn tuyên truyền tin giả mạo của truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hưởng ứng phản đối Dự luật dẫn độ của người Hồng Kông tại Quảng trường Khổng Tử ở New York hôm 17/8/2019 (Ảnh: Getty Images)
Bài viết cho rằng, đối với 1,4 tỷ người sống ở Trung Quốc Đại Lục, quyền được biết của họ hoàn toàn bị kiểm soát. Gần hai tháng sau khi Hồng Kông diễn ra biểu tình phản đối Bắc Kinh, đông đảo người dân Đại Lục không được hệ thống truyền thông nhà nước cung cấp bất cứ thông tin khách quan nào về các hoạt động dân chủ này. Có chăng, hình ảnh phơi bày trước mắt người Đại Lục chỉ là cảnh các nhóm côn đồ bao vây những phóng viên Đại Lục, cho thấy người dân Hồng Kông hoàn toàn không tôn trọng một Bắc Kinh “thân thiện”. Nói cách khác, một trong những vũ khí quan trọng nhất mà ĐCSTQ đang tận dụng để thao túng tình hình biểu tình ở Hồng Kông là bộ máy truyền thông nhà nước. Vì vậy bức tranh mà người Trung Quốc Đại Lục nhận được hoàn toàn trái ngược.
Trong suốt hai tháng đầu xảy ra biểu tình ở Hồng Kông, toàn bộ truyền thông nhà nước của ĐCSTQ giữ im lặng. Đối với người Trung Quốc ở Đại Lục, vùng đất Hồng Kông phía nam Thâm Quyến vẫn bình yên. Nhưng khi chính quyền độc tài đối mặt cục diện ngày càng không thể kiểm soát, họ bắt đầu đẩy mạnh chiến lược truyền thông. Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích chiến lược cao cấp tại Viện Chính sách Úc chỉ ra, hiện nay khi đưa tin về sự kiện này bộ máy truyền thông ĐCSTQ tập trung nhấn mạnh các vụ bạo lực, vu khống hành vi “phần tử chủ nghĩa khủng bố” do thế lực thù địch nước ngoài giật dây. “Họ cố ý thêu dệt những câu chuyện theo ý đồ của mình”, ông cho biết.
Ngày 9/6, khi chiến dịch biểu tình quy mô lớn bắt đầu ở Hồng Kông, chính phủ của ĐCSTQ cố gắng làm cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng. Họ nhấn mạnh rằng hầu hết những người tuần hành ở Hồng Kông là nhằm mục đích ủng hộ Đại Lục. Với hệ thống tường lửa kiểm soát Internet mạnh mẽ, ĐCSTQ hy vọng chặn được tối đa những nội dung trên truyền thông phương Tây, không cho người Trung Quốc Đại Lục thấy, bao gồm cả các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram.
Do đó, những người biểu tình ở Hồng Kông đã nghĩ ra biện pháp khác. Họ phát các tờ rơi bằng tiếng Trung giản thể tại ga tàu điện ngầm ở Kowloon nơi có đông du khách Đại Lục, hoặc dùng chức năng Air Drop của điện thoại cầm tay Apple để truyền thông tin về biểu tình.
Hai tháng sau khi phong trào biểu tình diễn ra, khoảng tuần thứ 10, bộ máy truyền thông chính thức của ĐCSTQ mới bắt đầu đưa tin về biểu tình. Họ tích cực tung ra các bài xã luận và video về các sự kiện bị bóp méo, tung tin giả mạo cho người dân Đại Lục và công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Chẳng hạn, ĐCSTQ đã mô tả các vụ biểu tình là vụ “bạo loạn”, mô tả người biểu tình là “côn đồ” và “phần tử cực đoan”.
Bất kỳ sự kiện nào có thể gợi thiện cảm hoặc đồng tình của người Đại Lục sẽ được truyền thông nhà nước thổi phồng lên. Ví dụ, khi những người biểu tình ở Hồng Kông ngồi lặng lẽ tại sân bay, một du khách người Úc vì bị lỡ chuyến bay nên xảy ra tranh cãi với người biểu tình. Cảnh này đã lập tức bị truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin phóng đại lên. Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã chia sẻ video này trên Twitter và cho biết hành khách người Úc này bảo vệ “Hồng Kông thuộc về Trung Quốc”, kể rằng “những người biểu tình cực đoan và các phóng viên dường như của truyền thông Hồng Kông” liên tục làm khó dễ vị hành khách người Úc này. Nhân dân Nhật báo còn chỉ ra, “Bất kể người nước ngoài kia cầu xin thế nào, nhưng những kẻ biểu tình cực đoan không mảy may cảm xúc.”
Chiều ngược lại, trên truyền thông và mạng xã hội phương Tây, người đàn ông Úc bị chế giễu là “rác rưởi”, “không có lòng cảm thông” và phớt lờ hoàn cảnh khó khăn của người biểu tình, hoàn cảnh nghiêm trọng hơn nhiều so với chuyện ông ta bị lỡ chuyến bay.
Bộ máy truyền thông nhà nước của ĐCSTQ liên tục đăng tải tin tức giả mạo, ví dụ chuyện video được chia sẻ rộng rãi trên Weibo Đại Lục tả cảnh cô gái biểu tình một mắt bị trúng đạn trọng thương, đã nhận tiền của những người biểu tình khác. Mặc dù người phụ nữ nhận tiền trong video là người khác, nhưng mạng lưới truyền hình quốc gia của ĐCSTQ đã phát lại video này ám chỉ rằng người phụ nữ bị trọng thương là được trả tiền để biểu diễn.
Một video khác quay cảnh một người biểu tình cầm vũ khí đồ chơi, nhưng Nhật báo Trung Quốc (China Daily) đã diễn tả đó là bằng chứng cho thấy những người biểu tình có hành vi bạo lực dùng súng đạn.
ĐCSTQ đã dùng hệ thống truyền thông để kích động chủ nghĩa dân tộc, như chuyện phóng viên Phó Quốc Hào của Thời báo Hoàn Cầu bị người biểu tình trói lại. Trong quá trình xung đột, nhiều người Hồng Kông đã sử dụng mặt nạ và kính bảo hộ để che giấu danh tính, vì họ không muốn bị chính quyền theo dõi. Thế nhưng Phó Quốc Hào đã chụp cận cảnh những người biểu tình, từ chối cung cấp chứng minh thân phận và cố gắng bỏ trốn, vì vậy những người biểu tình đã trói anh ta lại. Vậy là truyền thông ĐCSTQ đã quảng bá anh ta như vị anh hùng. Tờ Nhật báo Nhân Dân ca ngợi Phó Quốc Hào có “khí phách nam nhi”.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đưa quân đội cảnh sát vũ trang đến Thâm Quyến, nơi tiếp giáp với Hồng Kông, luyện tập trong sân vận động bóng đá của Trung tâm thể thao vịnh Thâm Quyến. Ngày 12/8, bộ máy truyền thông của ĐCSTQ công bố video cho biết lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc đang tập trung tại Thâm Quyến.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo ĐCSTQ không nên lặp lại thảm kịch đàn áp tàn bạo chiến dịch đòi dân chủ cách đây 30 năm tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nếu không sẽ chịu hậu quả toàn thế giới lên án và tẩy chay. Thậm chí, Quốc hội Mỹ cũng sẽ có hành động hủy bỏ ưu đãi đặc biệt về thực thi pháp luật và thương mại mà Hồng Kông được hưởng.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông CCTV đưa tin giả về biểu tình Hồng Kông Truyền thông Trung Quốc