Mỹ bất lực trước Putin vĩ cuồng
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nhanh chóng thay đổi hình ảnh nước Nga trong tương quan so sánh với Mỹ, một nước Nga mạnh mẽ và dám đơn phương thách thức Mỹ trên mọi mặt trận.
Các đây ba ngày, ông Putin rút Nga khỏi hiệp ước giảm trừ nguyên liệu hạt nhân Plutonium ký với Mỹ vào năm 2000, giai đoạn mới kết thúc chiến tranh lạnh. Ngày hôm sau, ông huy động 40 triệu dân quân tự vệ tham gia diễn tập chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân.
Tất cả sự việc này là lời hồi đáp cho việc Mỹ đơn phương cắt đứt đối thoại trên chiến trướng Syria vì Nga không chịu ngừng bắn.
Trên hồ sơ Syria, Washington đi từ hết thất bại này đến thất bại khác. Putin dù chỉ mới triển khai không quân từ tháng 9/2015 hiện đã hoàn toàn lật ngược thế cờ, quân chính phủ Syria đang đè bẹp lực lượng nổi dậy manh mún mà Hoa Kỳ yểm trợ trên mọi mặt trận.
Mỹ tức giận sau vụ máy bay Nga bắn nổ đoàn xe chở hàng cứu trợ cho khu vực bị vây hãm, lại càng tức giận hơn khi Nga không chịu ngừng yểm trợ cho quân chính phủ Syria đang trên đà chiến thắng.
Nhưng trong khi ông Obama đóng vai một tấm gương đạo đức, đi khắp nơi xin lỗi thế giới, thì ông Putin tiếp tục củng cố hình ảnh mạnh mẽ của mình trên khắp các mặt trận.
Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, hỗ trợ lực lượng ly khai ở Đông Ukraine bất chấp những lời phản bác mạnh mẽ từ Liên minh Châu Âu và Mỹ. Moscow cũng lên tiếng vào biển Đông và đứng về phía Trung Quốc, đối lập với Hoa Kỳ. Các lệnh trừng phạt kinh tế dù ngặt nghèo cũng không bóp nghẹt được nền kinh tế Nga, ngược lại ông Putin dùng chiêu bài Hạt nhân để chống lại những lệnh cấm này.
Quan hệ giữa hai nước cựu thù còn bất ổn và nguy hiểm hơn trong thời chiến tranh lạnh.
“Chúng ta đã từng có quan hệ không tốt trong thời gian chiến tranh lạnh”, Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng quan hệ quốc tế Nga nói, “nhưng trong thời Chiến tranh lạnh mối quan hệ này ít nhiều ổn định hơn bây giờ, bởi vì chúng ta biết cần kỳ vọng ở đối phương những gì, chúng ta biết luật của cuộc chơi”.
“Hôm nay, chúng ta không có điều gì giống như thế. Do đó mối quan hệ này không ổn định. Đây là điều khiến mối quan hệ này trở nên nguy hiểm, thậm chí có thể nói nguy hiểm hơn thời Chiến Tranh lạnh”.
Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh tại Syria với những cuộc không kích vào thường dân và tình nguyện viên nhân đạo. Moscow phủ nhận cáo buộc và tuyên bố họ chỉ tấn công khủng bố.
Putin công khai đưa quân vào Syria vào tháng 9/2015, đã hoàn toàn thay đổi cục diện của cuộc chiến này. Hầu như các nhà quan sát đều đồng ý rằng nếu không có sự can thiệp của Nga, lực lượng nổi dậy có hậu thuẫn của Mỹ đã có thể lập đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, kết thúc cuộc chiến dai dẳng nhiều đau thương này.
Nhưng Nga đã can thiệp, và Washington chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn.
Rõ ràng Nga có nhiều lợi ích cần bảo vệ tại Syria, nhưng việc tham chiến có thể còn có mục đích khác.
“Chính sách ngoại giao của Nga hoàn toàn là thực hiện cuộc chiến để khiến người Mỹ phải tôn trọng họ”, nhà bình luận chính trị Leonid Radzikhovsky được BBC dẫn lời nói.
“Ngoài ra chính sách ngoại giao của chúng tôi không còn mục đích gì khác. Tôi muốn nói là tôn trọng theo nghĩa của người Nga: người ta tôn trọng bạn vì người ta sợ bạn”.
“Đối với ông Putin, ông đang chơi một trò chơi: đầu tiên ông ấy sẽ giơ ngón tay giữa lên, sau đó làm cho họ phải cúi đầu và cuối cùng bắt họ nói ‘Chúng tôi muốn làm bạn với ông”.
Trong 2 ngày qua, ông Putin tiếp tục cho ngừng các thoả thuận hợp tác nghiên cứu nguyên tử giữa Nga và Hoa Kỳ.
Trong sắc lệnh gửi Quốc hội, Tổng thống Nga ra một đống điều kiện trên trời với Mỹ nếu muốn Nga quay lại hiệp ước nguyên tử: Mỹ phải xoá bỏ toàn bộ chế tài kinh tế đối với Nga sau vụ sáp nhập Crimea, trả Nga một khoản bồi thường thiệt hại, chấm dứt phong toả tài sản quan chức Nga bị Mỹ nghi vi phạm nhân quyền và Lầu Năm Góc phải giảm số lượng binh lính ở một số quốc gia NATO.
Đầu tuần này, tờ báo tiếng Nga Moskovsky Komsomolets chỉ ra rằng cuộc chiến tại Syria có thể châm ngòi cho một xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ, tức là mức nguy hiểm tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.
Nhưng nhà bình luận Leonid Radziknovsky tin rằng Nga sẽ không khởi chiến với Mỹ.
“Putin là một kẻ vĩ cuồng, ông ta tự tin rằng ông giỏi hơn 10 lần bất kỳ lãnh đạo phương Tây nào khác. Nhưng ông ta không phải loại người sẽ mở cửa sổ tầng 18, hét lên ‘tôi có thể bay’ và nhảy xuống. Ông ta không muốn thả bom nguyên tử Washington. Tự cao tự đại khác với tự tử. Ông ta không phải là một kẻ thích tự sát”.
Ông ta muốn Mỹ phải chìa tay ra và tự nói rằng, chúng tôi muốn thương lượng với các ông.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Vladimir Putin Quan hệ Mỹ - Nga