Bất ngờ chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2020
- Phan Anh
- •
Chiều ngày 9/10 vừa qua (theo giờ địa phương), Ủy ban Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Kết quả này là hết sức bất ngờ, bởi đây là lần đầu tiên Ủy ban trao giải cho một tổ chức nhân đạo thế giới về chống nạn đói.
Theo Ủy ban Na Uy, WFP được trao giải thưởng danh giá vì những nỗ lực chống nạn đói, đóng góp cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò là động lực trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh và xung đột. Các nỗ lực của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, mà còn góp phần mang lại sự ổn định và an ninh toàn cầu.
WFP được thành lập vào năm 1962 theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower như một thử nghiệm cung cấp viện trợ lương thực thông qua Liên Hiệp Quốc. Ra đời được vài tháng thì một trận động đất xảy ra ở miền bắc Iran khiến hơn 12.000 người chết. WFP đã gửi cho những người sống sót 1.500 tấn lúa mì, 270 tấn đường và 27 tấn chè.
WFP đã cung cấp 2 triệu tấn lương thực trong nạn đói năm 1984 ở Ethiopia. WFP còn có mặt ở Sudan, Rwanda, Kosovo và châu Á sau trận sóng thần năm 2004, cũng như trận động đất năm 2010 ở Haiti.
Tại Cộng hòa dân chủ Congo – quốc gia đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nạn đói lớn thứ hai trên thế giới – WFP đã hỗ trợ 6,9 triệu người vào năm 2019, cũng như giúp chống lại dịch Ebola chết người.
WFP hỗ trợ 4,5 triệu người ở Syria bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và 300.000 trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng ở Nigeria do xung đột.
Nhưng nơi khác cũng bắt đầu cần sự giúp đỡ của WFP: một cơn bão đổ bộ vào Thái Lan; những người tị nạn chiến tranh cần lương thực ở Nigeria… Năm 1963, dự án bữa ăn học đường đầu tiên của WFP ra đời. Năm 1965, tổ chức này trở thành một chương trình chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Trong năm 2019, WFP hỗ trợ 97 triệu người ở 88 quốc gia. WFP cho biết ngày nào họ cũng có 5.600 xe tải, 30 tàu và gần 100 máy bay đang trên đường di chuyển và phân phối hơn 15 tỉ khẩu phần lương thực hằng năm.
WFP tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp cũng như hỗ trợ phục hồi và phát triển. Hai phần ba công việc của WFP diễn ra ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi người dân có nguy cơ thiếu dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với các nơi khác.
WFP hợp tác chặt chẽ với hai cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Rome là Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD).
FAO giúp các nước hoạch định chính sách và thay đổi luật pháp để hỗ trợ nông nghiệp bền vững. Trong khi IFAD tài trợ cho các dự án ở vùng quê nghèo. WFP được tài trợ hoàn toàn bởi các khoản đóng góp tự nguyện, hầu hết trong số đó là các Chính phủ.
Tổ chức huy động được 8 tỉ USD vào năm 2019. Số tiền này dùng để cung cấp 4,2 triệu tấn lương thực và 2,1 tỉ USD tiền mặt. WFP có hơn 17.000 nhân viên. Khoảng 90% trong đó làm việc tại các quốc gia nơi tổ chức này cung cấp hỗ trợ.
Bên hậu cần của WFP đã sử dụng mạng lưới các trung tâm, đường hàng không chở khách, hàng hóa và các dịch vụ y tế để tạo điều kiện cho tuyến đầu chống dịch.
COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng ở Mỹ – Latin, khiến số người cần hỗ trợ lương thực tăng gấp 3 lần. Tình hình tương tự diễn ra ở châu Phi.
“Trước khi COVID-19 trở thành vấn đề lớn, tôi đã cảnh báo rằng năm 2020 sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Với COVID-19, chúng ta không chỉ đối mặt với đại dịch sức khỏe toàn cầu mà còn là thảm họa nhân đạo toàn cầu, “giám đốc điều hành WFP David Beasley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sau khi giải thưởng được công bố, ông David Beasley đã tỏ ra vô cùng xúc động: “Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy xúc động không nói thành lời. Tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên.”
“Đây là khoảnh khắc đáng tự hào. Năm nay chúng tôi đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đề ra. Có thời điểm chúng tôi là “hãng hàng không lớn nhất thế giới” khi hầu hết các chuyến bay thương mại phải dừng hoạt động. Giải thưởng là thông điệp mạnh mẽ gửi đến thế giới rằng hòa bình và xóa sổ nạn đói luôn song hành cùng nhau,” người phát ngôn của WFP, ông Tomson Phiri chia sẻ.
Với lựa chọn của năm 2020, Ủy ban Nobel cho biết họ mong muốn thu hút chú ý của cả thế giới vào hàng triệu người đang trải qua hoặc đối mặt với cái đói. Mỗi ngày WFP đều có những đóng góp cho việc thúc đẩy tình đoàn kết giữa các quốc gia, đúng như điều được nhắc đến trong di chúc của Alfred Nobel.
Đáng chú ý, nhân vật quan trọng nhất trong số các cá nhân được đề cử là Tổng thống Donald Trump. Ông Trump được đề cử vì nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Serbia và Kosovo, làm cầu nối để Israel ký hiệp ước bình thường quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain.
Đây là lần thứ 25 giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức thay vì một cá nhân. Trước đó, Ủy ban Nobel Na Uy đã xem xét 318 ứng viên, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ được tổ chức vào 10/12 theo ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel, tại Đại học Oslo với khoảng 100 khách mời, thay vì Tòa thị chính Oslo rộng hơn như trong 30 năm qua.
Trong khi phần lớn các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, cá nhân hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được Ủy ban Giải Nobel Na Uy (do Quốc hội Na Uy lập ra) quyết định. Chủ tịch hiện tại của Ủy ban này, Tiến sĩ Ole Danbolt Mjøs, cũng là một người từng được trao Giải Nobel Hòa bình.
Năm 2019, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed là người giành giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp trong chấm dứt xung đột với nước láng giềng Eritrea.
Mùa giải Nobel 2020 đã bắt đầu với lễ công bố giải Nobel Y học hôm 5/10. Giải thưởng danh giá này được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton, Charles M. Rice vinh danh những đóng góp về việc tìm ra virus viêm gan C.
Giải Nobel Vật lý hôm 6/10 đã được trao cho 3 nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez vì những phát hiện của họ về một trong những hiện tượng thú vị nhất vũ trụ là hố đen.
Giải Nobel Hóa học hôm 7/10 thuộc về 2 nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna vì phát triển phương pháp chỉnh sửa bộ gene.
Trong khi đó, nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck đã được xướng tên trong lễ trao giải Nobel văn học năm 2020 hôm 8/10 vì giọng thơ không thể nhầm lẫn, có nét đẹp từ sự thống khổ khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến.
Giải thưởng danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,1 triệu USD). Khép lại mùa giải Nobel 2020 sẽ là lễ công bố giải Nobel Kinh tế diễn ra vào ngày 12/10.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Giải Nobel Giải Nobel Hòa Bình