Trong số hơn 40.000 đàn ông Ukraine tìm cách đào thoát ra nước ngoài để trốn quân dịch kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, có khoảng 20.000 người đã thành công, theo BBC.

231118 uca 01 scaled
Một nhóm chạy trốn nhưng bị chộp ở biên giới (ảnh cắt từ video của BBC)
  • “Những kẻ trốn lính”, video điều tra và phóng sự của BBC đăng hôm 17/11 về tình trạng Ukraine:

Liều mạng bơi vượt sông để trốn ra ngoại quốc, mua hồ sơ y tế giả bị mắc bệnh, đưa tiền hối lộ cho các quan chức tuyển quân, sống chui lủi ở các nơi mà giới cầm quyền không phát hiện ra được, v.v. Theo BBC (Anh), người dân Ukraine đang tìm mọi cách mà họ có thể làm để khỏi phải ra chiến trường.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra tại đất nước này vào tháng 2/2022, đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã bị cấm rời khỏi đất nước nếu không có phép.

Theo kết quả điều tra được công bố bởi BBC, khoảng 20.000 người Ukraine đã thành công đào thoát ra nước ngoài để khỏi phải ‘bán mạng’ cho chính quyền Kiev. Theo con số mà giới chức Ukraine công bố, họ đã bắt được 21.113 người đàn ông Ukraine khi những người này tìm cách đào thoát ra nước ngoài để tránh khỏi phải tòng quân.

Nghĩa là, con số 41.000 là chưa tính được số người đã mất mạng trên đường đi, và những người tuy bỏ trốn thất bại nhưng vẫn thoát khỏi tay cảnh sát biên phòng. Hiện nay không có được thống kê về phương diện này.

Hôm Thứ Sáu ngày 17/11, BBC đăng bài điều tra và phóng sự thực tế do phóng viên của hãng tin phỏng vấn những người đã thành công rời khỏi khói lửa chiến tranh, để có thể theo đuổi học tập ở nước ngoài, để đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài, v.v. hoặc đơn giản là để mưu cầu kiếm tiền ở nước ngoài.

Nga tuyên truyền rằng nếu lỡ bị bắt ra tiền tuyến rồi, thì vẫn còn một cơ hội cuối cùng như video sau đây:

“Tôi phải làm gì [ở Ukraine]?”, một người đàn ông, Yevgeny, nói với BBC. “Không phải ai cũng là chiến binh… bạn không cần phải nhốt cả đất nước. Bạn không thể gộp tất cả mọi người lại với nhau như họ đã làm ở Liên Xô.”

BBC đã yêu cầu số liệu từ Rumani, Moldova, Ba Lan, Hungary, và Slovakia về các cuộc vượt biên trái phép từ Ukraine. Căn cứ theo con số thực tế ấy, BBC tìm thấy 19.740 người đàn ông đã vượt biên trái phép từ Ukraine vào các quốc gia này trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến ngày 31/8/2023.

BBC viết rằng tuy vẫn còn là điều chưa có thống kê minh bạch về 20.000 người thành công tháo chạy ấy đã dùng cách nào để trốn đi. Nhưng BBC biết rằng chính quyền Kiev đã có kết luận rằng 21.113 người mà họ bắt được khi tìm cách đào thoát, là đã dùng cách nào để rời bỏ tổ quốc thân yêu của mình.

Theo giới chức Ukraine, phần lớn nhất trong số đó —14.313 người— chính là bằng cách đi bộ hoặc bơi qua biên giới; còn 6.800 người là dùng giấy tờ có được một cách gian lận, trong đó có cả lý do là bị mắc bệnh một cách bịa đặt, gồm cả cái gọi là ‘thẻ trắng’.

231118 uca 02 scaled
Đoạn video BBC miêu tả điều tra tình trạng mua bán giấy tờ giả để trốn quân dịch: Mắc bệnh cần điều trị nước ngoài: 3.200 USD; Trở thành nhân viên của tổ chức nhân đạo: 2.800 USD; ‘Thẻ trắng’: 4.300 USD. (Ảnh theo video của BBC)
231118 uca 03 scaled
‘Thẻ trắng’ chính là một tấm thẻ màu trắng do cơ quan tuyển quân cấp cho; đây là biện pháp giả bệnh trốn lính phổ biến nhất ở Ukraine. Tổng chi phí từ 4.300 USD trở lên, có được sau 5 đến 7 ngày; phải trả trước 2.600 USD. Giá của thẻ trắng đang tăng ở Ukraine do nhu cầu nhiều, và quan chức cũng đang đòi nhiều tiền hơn. (Ảnh theo video của BBC)
231118 uca 04 scaled
Eric (26 tuổi) nói anh đã bị bệnh từ nhỏ và thuộc diện không phải đi lính, nhưng quan chức tuyển quân đã gây khó dễ cho anh khi anh đòi được cấp ‘thẻ trắng’. Sau đó anh đã đi bộ vượt biên và bơi qua sông để trốn sang Moldova. (Ảnh theo video của BBC)

Hồi tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích những “quyết định tham nhũng” do ủy ban quân y của nước này đưa ra, mà ông cho rằng đã dẫn đến việc miễn trừ tăng gấp 10 lần kể từ tháng 2/2022. Ông thông báo rằng tất cả các quan chức tuyển quân cấp địa phương đã bị cách chức, và hơn 30 người phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Đại diện quốc hội của tổng thống, Fedir Venislavskyi, thừa nhận với BBC rằng vấn đề là nghiêm trọng.

“Chính phủ nhận ra rằng hiện tượng này không riêng lẻ và nó đang lan rộng. Nhưng thật không may, tôi phải nhấn mạnh rằng nạn tham nhũng rất ngoan cố,” ông nói với BBC.

Bất chấp lòng dân đang tản mất qua thời gian, thì ông đại biểu Quốc hội Ukraine vẫn trấn an với BBC rằng niềm tin của ông vào chiến tranh và chiến thắng của Ukraine vẫn cực kỳ cao: “Tôi tin chắc rằng khả năng kiên cường và sẵn sàng của người Ukraine trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và tự do của mình là 95-99%.”

Ông phân tích, “Những người cố gắng tránh điều động [tòng quân] chiếm khoảng 1-5%. Họ chắc chắn không quan trọng đối với việc phòng thủ của Ukraine.”

Ông cũng nói hiện nay Ukraine không có kế hoạch tăng mạnh số lượng những người đủ điều kiện được huy động.

Một số cuộc trốn thoát đã rất kịch tính

Một đoạn video cho thấy một người đàn ông bơi qua sông Dniester về phía Moldova, với lực lượng biên phòng Moldova thúc giục anh ta vượt qua nơi an toàn. Một vụ khác cho thấy những hậu quả có thể gây tử vong — thi thể những người đàn ông được kéo vào bờ, họ đã chết đuối khi cố gắng vượt sông Tisa giữa Ukraine và Rumani.

Nhưng Yevgeny, một công nhân xây dựng đến từ Kiev mà BBC gặp ở một trung tâm nhập cư Moldova, kể rằng anh ấy chỉ đơn giản đi bộ qua biên giới của đất nước đó — con đường phổ biến nhất để ra đi, theo số liệu mà BBC có được. Khi đó, việc những người trốn thoát khỏi chiến tranh xin tị nạn tương đối dễ dàng.

Anh Yevgeny kể rằng anh cảm thấy cuộc sống của mình ở Ukraine rất tù túng. Những người trẻ tuổi và những người có kinh nghiệm quân sự đã được gọi nhập ngũ trước tiên. Còn anh thì rất khó tìm được một công việc được trả lương xứng đáng, “vì mọi thứ đều hướng tới chiến tranh” nhưng “điện, xăng dầu, v.v. mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn.”

Sau khi được cảnh sát Moldova xử lý, anh đã nộp đơn xin tị nạn — việc này phải được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh vào nước này để tránh tiền án.

Cũng tại trung tâm tị nạn và nhập cư này, BBC đã gặp Erik, một nhạc sĩ 26 tuổi đến từ Kharkov, nơi có đông cộng đồng người huyết thống gốc Nga, anh nói rằng anh đã vượt qua để tới Moldova bằng cách đi bộ băng qua vùng đồng bằng của vùng Transnistria (dải lãnh thổ ly khai khỏi Moldova) và sau đó bơi qua sông.

Anh đã kể kinh nghiệm của mình về vụ ‘thẻ trắng’.

Sau ca phẫu thuật bụng phức tạp vì bệnh viêm phúc mạc khi còn trẻ, Erik cho biết anh cần phải tuân theo một chế độ ăn kiêng đặc biệt, và anh thuộc diện không phải nhập ngũ. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, anh đã gặp khó khăn trong việc xin ‘thẻ trắng’, cuối cùng đã bỏ cuộc và trốn khỏi Ukraine.

“Họ chuyển trách nhiệm từ bộ phận này sang bộ phận khác: ‘Đi đây, đi kia.’ Tôi mất nửa năm nỗ lực [mà không thành] để có chứng chỉ [chứng minh] rằng tôi không đủ năng lực [chiến đấu], mặc dù đã có trong tay tất cả các kiểm định y tế. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của tôi đã cạn kiệt.”

Erik cuối cùng đã đến được Mỹ, nơi anh đoàn tụ với vợ và cô con gái 4 tuổi của họ.

Một người đàn ông khác, mà BBC tạm gọi là Vlad (không phải tên thật), đã cố gắng và đạt được giấy tờ hợp lệ để rời khỏi Ukraine, nhưng sau đó phát hiện rằng lính biên phòng đã cười nhạo vào mặt anh và không cho anh đi qua. Cuối cùng, anh đã trốn đi bằng cách liều mạng bơi qua sông Tisa để tới Rumani.

Anh kể rằng rất vui mừng khi được nhận vào một khóa học đại học nước ngoài và đã được cấp giấy phép sinh viên rời Ukraine.

“Nhưng tôi không thành công vì gặp phải một trạm kiểm soát phức tạp. Tôi đi hết trạm này đến trạm khác. Họ cười nhạo và đuổi tôi về nhà. Tôi nhận ra rằng mảnh giấy này —‘sự cho phép’– thật vô nghĩa. Đối với một sĩ quan biên giới, họ chẳng quan tâm chút nào.”

Vlad đến được biên giới Ukraine với sự giúp đỡ của một người bạn. Một người đàn ông khác mà BBC tạm gọi là Danilo, nói rằng anh ta đã sử dụng dịch vụ của một người nào đó qua Telegram, người đang tổ chức vượt sông Tisa.

Để điều tra, BBC đã đăng ký tài khoản Telegram, và một phóng viên chìm đã làm việc cho cuộc điều tra, người mà BBC gọi là Andrey. Anh đã dành một tháng để trao đổi với những nhóm đưa người ra khỏi Ukraine, bằng cách đóng giả là một người Ukraine muốn rời khỏi đất nước này.

Anh đã phát hiện ra ít nhất 6 nhóm trên Telegram, với số lượng thành viên từ 100 đến vài ngàn người. Họ cung cấp nhiều loại dịch vụ trốn quân dịch, từ việc thêm những đứa trẻ giả vờ vào gia đình anh ấy, cho đến lựa chọn đắt tiền nhất —giấy chứng nhận miễn trừ y tế, được gọi là “thẻ trắng”, cho phép anh rời đi và trở về Ukraine bất cứ khi nào anh muốn.

Theo điều tra của Andrey, một tấm thẻ trắng có giá 4.300 đô la (đã bao gồm khoản hối lộ cho quan chức làm vé). Tuy nhiên, giá thẻ đang có xu hướng tăng nhanh, một mặt vì nhu cầu tăng cao, và một mặt nữa là do quan chức muốn nhận được nhiều tiền hối lộ hơn.

Theo luật hiện hành ở Ukraine, đàn ông nếu bị bệnh đủ nghiêm trọng, hoặc đang phải nuôi 3 con trở lên, thì có thể được miễn đi lính.

Đại diện quốc hội, ông Venislavskyi nói với BBC rằng vấn đề giấy tờ giả này sẽ được giải quyết hoàn toàn trong vòng một hoặc hai năm tới bởi một hệ thống số hóa mới.

Những người mà BBC nói chuyện là những người đã thành công đào thoát khỏi Ukraine. Nhưng những ai không thành công, và bị cảnh sát Ukraine chộp được, sẽ có nguy cơ bị phạt từ 92 đến 230 USD, và án tù lên tới 8 năm.

Không rõ liệu những người chạy trốn và chọn quay trở lại Ukraine trong tương lai có thể phải đối mặt với hình phạt hồi tố hay không, nhưng ông Venislavskyi nói rằng ông không tin điều đó sẽ có lợi cho quốc gia.

Còn ông Danilo lập luận rằng người Ukraine nên được phép tự đưa ra quyết định. “Bởi vì tôi vẫn tin rằng mỗi người lựa chọn mục đích sống của mình. Đối với một số người, đó là bảo vệ lãnh thổ của mình, đối với những người khác, đó là bảo vệ bản thân và gia đình. Một số [người khác] muốn thành lập, xây dựng doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế của nhà nước. Tôi tin rằng dù thế nào đi nữa, vai trò của cá nhân tôi không phải trên chiến trường.”

Ông nói hy vọng chính quyền Ukraine sẽ khuyến khích những người đã rời đi quay trở lại khi chiến tranh kết thúc, thay vì trừng phạt họ.

“Không có người —hơn nữa không có người thông minh, kiếm tiền giỏi và nộp tiền cho kho bạc— thì nhà nước sẽ khó tồn tại hơn,” ông nói.

Cuộc chiến với Nga chưa có hồi kết, cho nên không rõ khi nào vấn đề đó sẽ trở nên có ý nghĩa. Trong khi đó, khi cuộc chiến này đã lộ rõ bản chất là một cuộc chiến tranh tiêu hao, chính quyền Kiev cần huy động tất cả những người Ukraine nào mà có thể huy động được.

Theo RT, trong một phát biểu gần đây nhất từ phía các quan chức Mỹ, Chris Christie —một ứng viên cho bầu cử tổng thống Mỹ 2024 sắp tới— đã nói tại Viện Hudson ở Washington ngay hôm Thứ Tư ngày 15/11 vừa rồi, rằng Mỹ vẫn nên tiếp tục theo đuổi chiến tranh Ukraine, bởi vì đó là “một khoản đầu tư có lãi.”

Theo lập luận của ông, ông là ứng viên duy nhất của Đảng Cộng hòa mà vẫn còn “đạo đức rõ ràng” thể hiện ra cho thế giới, chứ không như đối thủ Donald Trump của ông, người mong muốn kết thúc chiến tranh Ukraine vì không muốn có thêm nhiều người nữa phải bị mất mạng.

“Chiến lược của chúng ta là được dẫn dắt bởi đạo lý của chữ Tín khi đã cam kết hỗ trợ Ukraine trong chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc của họ,” ông Christie phân tích. Ông nói ông sẽ gửi cho cho Kiev “nhiều vũ khí hơn, và nhanh hơn” chứ không như người tiền nhiệm Joe Biden.

“Chúng ta đã làm vậy rồi, chỉ cần không đầy 4% quỹ quốc phòng [của Mỹ]. Và bằng vào điều đó, quân đội Ukraine đã làm mất đi 50% năng lực quân sự của quân Nga, mà không phải mất đi dù một giọt máu của người Mỹ,” ông nói gần như nguyên thoại của Nghị sỹ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal, người từng nói như vậy hồi tháng 9 khi thăm Kiev. “Có thể thấy đây là một khoản đầu tư có lãi đối với chúng ta. Và chúng ta nên tiếp tục theo đuổi điều này.”

Nhật Tân