Belarus từ chối trục xuất lính Wagner theo yêu cầu của các nước NATO
- Anh Nguyễn
- •
Belarus đã từ chối yêu cầu của Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic—Litva, Latvia và Estonia—về việc trục xuất các chiến binh của Tập đoàn lính đánh thuê Wagner khỏi lãnh thổ nước này.
Ngày 31 tháng 8, hãng thông tấn BelTa của Belarus dẫn lời Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko cho biết: “Họ [Ba Lan và các nước vùng Baltic] đã quá đáng đến mức yêu cầu [các chiến binh Wagner] rút ngay lập tức khỏi Belarus”.
“Trong khi đó, họ đang tập trung đội hình quân sự lớn ở biên giới của chúng tôi.”
Ông Lukashenko tiếp tục mô tả yêu cầu này là “vô lý và ngu ngốc”.
Gần đây, hàng trăm chiến binh của Tập đoàn Wagner của Nga đã tới Belarus và đang huấn luyện các đơn vị quân đội Belarus tại các cơ sở quân sự gần biên giới Ba Lan.
Là một công ty quân sự tư nhân có quan hệ với Điện Kremlin, Tập đoàn Wagner đã đóng vai trò tiền tuyến—cho đến gần đây—trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Là đồng minh quan trọng của Nga, Belarus có chung đường biên giới với cả Nga và Ukraine, ngoài ra cũng có biên giới chung với Ba Lan, Litva và Latvia. Ba quốc gia kể tên sau ở trên cùng với Estonia đều là thành viên của liên minh NATO.
Các quan chức Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố rằng sự hiện diện của Tập đoàn Wagner ở Belarus gây ra mối đe dọa không chỉ cho Ba Lan mà còn cho toàn bộ “sườn phía đông” của NATO.
Đầu tuần này (tuần từ 28/8), các bộ trưởng nội vụ của Ba Lan và các nước vùng Baltic đã yêu cầu Belarus ngay lập tức trục xuất tất cả chiến binh Wagner khỏi lãnh thổ của mình.
Tại một cuộc họp báo ngày 28 tháng 8 ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, họ tiếp tục yêu cầu loại bỏ những người di cư khỏi các khu vực biên giới và đưa những người di cư đó trở về quê hương của họ.
Các nước láng giềng thành viên NATO của Belarus đang cáo buộc nước này khuyến khích người di cư Trung Đông và châu Phi vượt qua biên giới Belarus bất hợp pháp với mục đích gây bất ổn cho đất nước của họ.
“Đây là một phần của cuộc chiến tranh hỗn hợp do chế độ Lukashenko thực hiện với sự tham gia của Tập đoàn Wagner”, ông Pawel Jablonski, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, nói với hãng tin PAP của Ba Lan hôm 29/8.
Về phần mình, Belarus phủ nhận những cáo buộc trên.
Các tuyến biên giới căng thẳng
Kể từ khi các chiến binh Wagner đến Belarus vào tháng trước, căng thẳng biên giới đã gia tăng đáng kể giữa Belarus và Ba Lan.
Vào ngày 10 tháng 8, Ba Lan đã công bố kế hoạch gửi 10.000 quân tới biên giới Ba Lan-Belarus. Ngay sau đó, bộ trưởng quốc phòng Latvia đã ra lệnh cho quân đội tăng cường hiện diện dọc biên giới Latvia với Belarus.
Vào ngày 19 tháng 8, Litva đã đơn phương đóng cửa hai trong số sáu cửa khẩu biên giới với Belarus vì “hoàn cảnh địa chính trị”.
Hai ngày sau, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi công dân Hoa Kỳ ở Belarus rời khỏi nước này “ngay lập tức”.
Trong một khuyến nghị di trú, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án điều mà họ mô tả là “Belarus tạo điều kiện cho cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine, tăng cường lực lượng quân sự Nga ở Belarus, [và] thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện”.
Belarus và Nga, vốn bị ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ chung của họ, cho rằng việc Ba Lan tăng cường quân đội dọc biên giới cho thấy nước này đang lên kế hoạch cho “các hành động gây hấn quy mô lớn”.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Belarus “bởi Ba Lan hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác” sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Lukashenko nói: “Nếu hành động gây hấn chống lại đất nước chúng tôi bắt đầu từ Ba Lan, Litva hoặc Latvia, thì chúng tôi sẽ đáp trả ngay lập tức bằng mọi thứ chúng tôi có”.
Hệ thống tên lửa Iskander sẵn sàng và đang hoạt động
Từ năm 1999, Nga và Belarus đã đang bị ràng buộc vào một hiệp ước “Nhà nước Liên minh” nhằm mục đích củng cố quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.
Mùa thu năm ngoái, Nga đã gửi quân đội và thiết bị quân sự đến Belarus chiếu theo hiệp ước Nhà nước Liên minh đó.
Đầu năm nay, Moscow đã công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, toàn bộ vũ khí hạt nhân dành riêng gửi đến Belarus sẽ được chuyển giao trước cuối năm 2023.
Ông Lukashenko gần đây tuyên bố rằng một số vũ khí hạt nhân của Nga – ông không nói rõ là bao nhiêu – đã hiện diện ở nước này rồi.
Theo hãng tin TASS của Nga, Moscow cũng đã hỗ trợ tân trang máy bay quân sự của Belarus để cho phép chúng “ trang bị và sử dụng các loại đạn dược đặc biệt”.
Vào tháng 12 năm 2022, Belarus tuyên bố rằng các hệ thống tên lửa Iskander và hệ thống tên lửa tầm cao S-400 do Nga triển khai đang hoạt động trên lãnh thổ Belarus.
Vào ngày 30 tháng 8, Bộ Quốc phòng Belarus loan báo rằng một hệ thống tên lửa Iskander khác, có thể được trang bị để mang đầu đạn hạt nhân, đã được chuyển từ Nga sang lực lượng vũ trang Belarus.
Tập trận chiến tranh bắt đầu
Vào ngày 1 tháng 9, lực lượng quân sự từ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) sẽ bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận chung kéo dài một tuần ở Belarus.
Được thành lập vào năm 1991, CSTO là liên minh quân sự gồm 6 quốc gia do Moscow lãnh đạo. Cùng với Nga và Belarus, các thành viên hiện tại của CSTO cũng gồm Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Đầu tuần này, ông Anatoly Sidorov, tổng tham mưu trưởng CSTO, cho biết các cuộc tập trận không cấu thành “một biểu hiện gây hấn”.
Ông Sidorov đã khẳng định các cuộc tập trận chung này cũng không nhằm vào “bất kỳ nước thứ ba nào”.
Ngày 29 tháng 8, ông Alexander Volfovich, người đứng đầu Hội đồng An ninh Belarus, cho biết Ba Lan và Litva đã được mời cử quan sát viên tới tham dự cuộc tập trận, nhưng cả hai nước này vẫn chưa phản hồi.
Từ khóa Dòng sự kiện Belarus quan hệ Ba Lan - Belarus Wagner chuyển đến Belarus