Bernie Sanders đã từng kêu gọi quốc hữu hóa các ngành sản xuất chính
- Tân Bình
- •
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong những năm 1970 đã từng ủng hộ quốc hữu hóa các ngành sản xuất chính như các công ty năng lượng, dịch vụ hữu ích, ngân hàng. Ông Sanders cũng đề xuất đánh thuế 100% các khoản thu nhập cá nhân hơn 1 triệu USD/năm, theo CNN.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ 2020, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bang Vermont) phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Bắc Charleston, Nam Carolina ngày 14/3/2019. (Ảnh: Sean Rayford/Getty Images)
Trong những năm 1970, ông Bernie Sanders là thành viên của Đảng Liên minh Tự do cánh tả và đã tham gia chạy đua vào ghế thống đốc bang Vermont các năm 1972 và 1976, cũng như ứng cử thượng nghị sĩ liên bang vào các năm 1972 và 1974.
Trong thời gian làm Chủ tịch Đảng Liên Minh Tự do từ 1973 đến 1975, ông Sanders đã kêu gọi quốc hữu hóa ngành năng lượng, sở hữu công các ngân hàng, các công ty điện, điện thoại và dược phẩm, cũng như đề xuất đánh thuế thu nhập 100% với những người giàu nhất nước Mỹ.
Kêu gọi quốc hữu hóa ngành năng lượng
Năm 1973, với tư cách là Chủ tịch Đảng Liên minh Tự do, ông Sanders đã viết trên một tờ báo của bang Vermont bày tỏ phản đối chính sách năng lượng của Tổng thống Richard Nixon và kêu gọi quốc hữu hóa toàn bộ ngành năng lượng Mỹ.
Trong lá thư ngỏ đăng trên tờ Vermont Freeman gửi tới Thượng nghị sĩ bang Vermont Robert Stafford, ông Sanders viết: “Tôi cũng mong muốn ông hãy suy nghĩ nghiêm túc về việc quốc hữu hóa toàn bộ những công ty khổng lồ này. Cực kỳ rõ ràng rằng những công ty này – do các tỷ phú sở hữu – đã trao quá nhiều quyền lực đối với cuộc sống của người Mỹ vào tay tư nhân. Ngành dầu mỏ, và toàn bộ ngành năng lượng nên do công chúng sở hữu và được sử dụng vì lợi ích chung không chỉ vì lợi ích tăng thêm cho các tỷ phú.”
Kêu gọi quốc hữu hóa các công ty điện, điện thoại
Khi thực hiện chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ lần đầu vào năm 1971, ông Sanders đã nói rằng các công ty dịch vụ hữu ích cần do bang Vermont điều hành dựa trên yếu tố phi lợi nhuận và nếu thu vượt chi, thì khoản lợi nhuận này có thể được dùng vào việc tài trợ cho các chương trình chính phủ và góp phần giảm thuế tài sản.
Năm 1976, ông Sanders thậm chí còn tiến xa hơn khi kêu gọi bang Vermont giành lại quyền sở hữu các công ty điện tư nhân trong bang này mà không bồi thường cho các nhà đầu tư. Ông Sanders bảo vệ những đề xuất này của mình bằng việc chỉ ra rằng việc các công ty dịch vụ hữu ích thuộc sở hữu công thường có giá bán dịch vụ rẻ hơn.
Đề xuất công hữu ngân hàng, các tập đoàn và ngành sản xuất chính
Trong một buổi họp báo vào tháng 8/1976, ông Sanders nói: “Chúng ta phải bắt đầu giải quyết thực tế rằng các tập đoàn không có quyền tất yếu để làm gián đoạn cuộc sống của các công nhân của họ hoặc nền tảng kênh tế trong những thị trấn họ đang đặt trụ sở chỉ vì họ muốn chuyển đi nơi khác để có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn.”
Kế hoạch của ông Sanders khi đó là yêu cầu các doanh nghiệp lớn đang muốn rời các thành phố phải xin phép chính quyền sở tại và công nhân của họ. Nếu doanh nghiệp không nhận được sự chấp thuận của chính quyền và công nhân mà vẫn rời đi, thì họ sẽ trả tiền lương nghỉ việc 2 năm cho công nhân và trả thuế 10 năm cho chính quyền sở tại.
Trên bình diện toàn quốc, ông Sanders đề xuất luật quy định các doanh nghiệp chuyển đi sẽ phải đàm phán để chuyển các phương tiện sản xuất chính cho công nhân.
Trong tài liệu tranh cử năm 1976, ông Sanders viết: “Tôi tin rằng, trong dài hạn, các ngành sản xuất chính tại bang [Vermont] và trên toàn quốc nên thuộc sở hữu công và do chính những người công nhân kiểm soát.”
Phát biểu với công chúng trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1976, ông Sanders nói: “Có một ít người nắm giữ vị trí hàng đầu của các ngân hàng lớn đang kiểm soát số phận của các quốc gia không may mắn, kiểm soát nước Mỹ, cũng như nền kinh tế Vermont. Đó là điều không thể chấp nhận được. Việc kiểm soát đó không thể nằm trong tay họ. Chúng ta cần kiểm soát công về vốn; và vốn phải được sử dụng vào nhu cầu công cộng chứ không phải cho sự phát triển của những nhà đầu tư.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Burlington Free Press, ông Sanders lập luận rằng 2% hoặc 3% người giàu nhất nước Mỹ không nên kiểm soát vốn.
“Tôi ủng hộ công hữu các công ty dịch vụ hữu ích, ngân hàng và các ngành sản xuất chính. Tại Vermont, chúng ta có khoảng 2 tỷ USD tiền gửi trong các ngân hàng. Tại Vermont cũng như trên toàn quốc, với tôi đều không thể chấp nhận được khi mà quyền kiểm soát vốn vẫn nằm trong tay của 2% hoặc 3% người giàu nhất và họ có thể sử dụng nó như họ muốn,” ông Sanders nói với Burlington Free Press.
Ông Sanders kêu gọi sửa đổi các luật ngân hàng tại Vermont “triệt để” để công chúng và chính quyền bang “quyết định tiền tiết kiệm của chúng tôi được đầu tư theo phương thức nào nhằm biến Vermont trở thành một nơi đáng sống.”
Đề xuất xã hội hóa y tế và công hữu các công ty dược phẩm
Đề cập tới vấn đề chăm sóc y tế, ông Sanders nói rằng cần phải kiểm soát công các công ty dược phẩm.
“Tôi tin vào xã hội hóa y tế, công hữu các công ty dược phẩm và để bác sĩ sống bằng tiền lương. Tôi thấy ghê tởm ý tưởng về việc các triệu phú có thể kiếm tiền bằng việc bán thuốc thiết yếu cho người nghèo với giá cao,” ông Sanders nói.
Kêu gọi đánh thuế thu nhập 100%
Vào tháng 2/1976, Đảng Liên minh Tự do đã đưa ra một đề xuất thuế tiểu bang kêu gọi cải cách triệt để hệ thống thuế, trong đó có việc loại bỏ tất cả các thuế kinh doanh, bia rượu, thuốc lá, điều tra khảo sát, và sử dụng điện thoại, đường sắt hoặc điện năng. Tỷ suất thuế cho những người có thu nhập hàng năm hơn 100.000 USD là 33,47%, 50.000 USD đến 99.999 USD là 19%, 25.000 USD đến 49.999 USD là 13,56%, và 10.000 USD đến 24.999 USD là 4%. Tất cả những người có thu nhập dưới 10.000 USD/năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập tiểu bang.
Tuy nhiên, trong các phát biểu trước công chúng, ông Sanders thậm chí còn đưa ra đề xuất cực đoan hơn.
Trong chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ 1974, ông Sanders đã nói về một kế hoạch mở rộng chi tiêu chính phủ trong đó coi việc một người kiếm số tài sản nhiều hơn nhu cầu chi tiêu cả đời là bất hợp pháp và khoản thu nhập thêm đó phải chịu thuế 100%. Ông Sanders ước tính mỗi người chỉ nên có thu nhập dưới 1 triệu USD/năm.
“Không ai cần phải kiếm nhiều hơn 1 triệu USD,” ông Sanders tuyên bố.
Ông Sanders rút khỏi Đảng Liên minh Tự do vào năm 1977 với lý do là đảng này thiếu hoạt động trong giai đoạn giữa các cuộc bầu cử.
Trong bài phát biểu chia tay, ông Sanders nói rằng lực lượng công nhân cần phải kiểm soát quyền lực để duy trì đất nước.
“Chức năng của một đảng chính trị cấp tiến là rất đơn giản. Đó là để tạo ra một tình huống mà những người công nhân bình thường đáng có được những thứ thuộc về họ. Không ai có thể dự đoán được tương lai của phong trào công nhân ở đất nước này hay tại bang Vermont. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu công nhân không kiểm soát quyền lực trong một thời gian ngắn hợp lý, đất nước này sẽ không có tương lai.”
Tân Bình (Tổng hợp từ CNN và FoxNews)
Từ khóa chủ nghĩa xã hội bầu cử Mỹ 2020 Bernie Sanders